Nở rộ hội nhóm... thi hộ: Trường ĐH có ngăn chặn được gian lận?

Thứ năm - 13/01/2022 14:06:41

Để giảm thiểu các hình thức gian lận trong thi trực tuyến, các trường đại học cũng kịp thời đưa ra nhiều giải pháp khác nhau.
 
Nở rộ

Có phần mềm hỗ trợ

Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều trường ĐH bắt buộc phải tổ chức kỳ thi kết thúc học phần theo hình thức trực tuyến từ học kỳ 2 năm học 2020 - 2021. Ngay trong lần đầu tiên áp dụng hình thức thi này, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã kịp thời ban hành quy định tạm thời về việc tổ chức thi. Trong đó, trường đưa ra những quy định chi tiết về những hình thức xử lý kỷ luật với sinh viên (SV) với các lỗi vi phạm khác nhau. Cụ thể, SV sẽ bị nhắc nhở nếu vi phạm lỗi không mở camera và micro khi cán bộ coi thi yêu cầu lần thứ nhất. Ở lần vi phạm thứ 2 lỗi này, người học bị khiển trách và trừ 25% số điểm bài thi, lần 3 bị cảnh cáo và trừ 50% số điểm.

Đặc biệt người học bị đình chỉ thi và nhận điểm 0, nếu thông qua camera và micro bị phát hiện có sử dụng tài liệu, nhờ người thi hộ, người hỗ trợ làm bài thi, làm bài theo nhóm hoặc trao đổi bài... Trong trường hợp không xuất trình được giấy tờ chứng minh nhân thân, thiết bị camera hoặc micro đột ngột ngưng hoạt động quá 1 phút…, SV không được hoặc không tiếp tục dự thi. Với quy định này sau một học kỳ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã phát hiện hơn 80 SV vi phạm quy định trong kỳ thi trực tuyến. Trong đó, có tới 78 trường hợp bị đình chỉ thi và nhận điểm 0.

Tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết trường có sử dụng một số nghiệp vụ để phát hiện gian lận trong thi trực tuyến. Bên cạnh việc sử dụng phần mềm hỗ trợ coi thi, các cán bộ coi thi đều là những người có chuyên môn và kinh nghiệm. Riêng về hỗ trợ công nghệ, theo TS Trịnh Thanh Đèo, đối với các môn thi trắc nghiệm, phần mềm quản lý thi sẽ khóa màn hình, chỉ cho phép SV chọn phương án trả lời chứ không thực hiện được các thao tác khác. Đồng thời, thiết bị quay SV làm bài thi ở một góc nhìn từ mặt tới tay.

“Khi đó, cán bộ coi thi sẽ quan sát cử động của SV, nếu có biểu hiện gian lận sẽ thấy ngay. Kể cả tình huống SV không làm được bài, nhưng báo cán bộ coi thi do mạng yếu thì trường vẫn có cách để kiểm tra tính xác thực của tình trạng mạng”, tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo cho hay.

Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho biết trường thực hiện đồng thời nhiều giải pháp khác nhau, kể cả sự hỗ trợ của công nghệ. Chẳng hạn, bài thi tiểu luận hoặc báo cáo của SV được quét qua phần mềm chống đạo văn. “SV nộp bài có kèm cam kết bài thi do SV tự làm. Nếu trường phát hiện vi phạm, SV chịu hoàn toàn trách nhiệm. Những vi phạm này khi phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định thi, xem xét cùng với quy định về liêm chính học thuật để ra hình thức kỷ luật cuối cùng”, TS Phan Thị Việt Nam chia sẻ.

Trường ĐH RMIT VN chọn cách đánh giá SV thông qua các bài tập cá nhân, bài tập nhóm trong suốt học kỳ thay vì tổ chức kỳ thi kết thúc học kỳ thông thường. Chẳng hạn, SV khoa Truyền thông và thiết kế thực hiện dự án được kết nối với các cơ quan để đưa ra những giải pháp thiết thực cho các vấn đề xã hội và môi trường tại VN. Khi đó, chính đại diện các doanh nghiệp và tổ chức cũng góp một phần quan trọng trong việc đánh giá chất lượng bài tập. Khi nộp bài, SV sẽ làm theo hướng dẫn qua phần mềm chuyên dụng để kiểm tra đạo văn.

Tiểu luận cũng... vấn đáp

Trong khi đó, một số trường ĐH lại chọn cách tiếp cận khác ngay từ cách ra đề thi và hình thức đánh giá để giảm thiểu tình trạng gian lận.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tùy theo đặc thù môn học, trường điều chỉnh cách thi và đề thi. Trong học kỳ vừa rồi, trường áp dụng một số hình thức đánh giá khác nhau có kết hợp với vấn đáp hoặc tổ chức thi vấn đáp hoàn toàn. Ngay cả bài làm tiểu luận, trường này có kết hợp thêm nội dung vấn đáp trực tiếp để đánh giá thực chất người học. Cũng theo ông Nhân, với học phần ngoại ngữ, SV làm bài thi trắc nghiệm trên hệ thống LMS, SV trả lời trực tiếp trên hệ thống có tính điểm và thông báo kết quả ngay sau khi làm bài. Đồng thời, cán bộ coi thi cũng giám sát qua Zoom.

“Có những môn dù thi theo hình thức tự luận, nhưng vẫn dành khoảng thời gian từ 5 - 7 phút để giảng viên vấn đáp trực tiếp kiểm tra mức độ hiểu bài của SV. Chẳng hạn môn lý thuyết mạch điện, môn này thi trực tuyến theo cách bình thường rất dễ có tình trạng SV nhờ người làm thay. Vì vậy, trường chọn hình thức thi vấn đáp hoàn toàn. Dù mất nhiều thời gian tổ chức, nhưng cách làm này đánh giá sát về mức độ hiểu bài, làm bài của người học”, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Theo tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, trường cũng khuyến khích giảng viên tổ chức thi vấn đáp bằng hình thức trực tuyến. Từng SV sẽ truy cập vào ứng dụng trực tuyến của trường theo thời gian lập sẵn, có camera để trả lời trực tiếp câu hỏi thi. Với bài thi tự luận trên giấy, trường yêu cầu SV phải có 2 thiết bị camera để giảng viên giám sát khu vực làm bài thi của SV, đồng thời ghi video toàn bộ thời gian thi. Chưa dừng lại ở đó, giảng viên phải kiểm tra vấn đáp khoảng 15% số SV sau khi làm bài để kiểm tra mức độ nắm hiểu bài. Kể cả các bài tiểu luận, sau khi nộp giảng viên cũng có phần vấn đáp để xác thực việc tham gia làm bài của SV.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng quy định rõ với hình thức thi viết tiểu luận. Những bài tiểu luận có đoạn nội dung giống nhau từ 50% bài viết trở lên, tất cả các SV đều nhận 0 điểm. Trường hợp bài tiểu luận có đoạn nội dung giống nhau từ 15 - 50% bài viết trở lên, SV bị trừ nửa số điểm.

 
Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây