Người nhờ nâng điểm cho thí sinh ở Hà Giang có bị xử lý?

Thứ tư - 18/07/2018 09:44:04
Theo luật sư, người thân thí sinh nhờ cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang nâng điểm thi THPT Quốc gia có thể bị phạt tù đến 20 năm nếu đưa hối lộ có trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên.
 

Chiều 17/7, tại buổi họp báo thông tin về kết quả rà soát, kiểm tra xử lý sai phạm điểm thi tại hội đồng thi Hà Giang, đại diện A83 (Bộ Công an) và Bộ GD&ĐT xác định ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, là người sửa kết quả thi của 114 thí sinh với 330 bài thi, tạo ra điểm chênh lệch so với ban đầu.
 

Ông Trần Quý Đức


Ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của Hà Giang

 

Ông Lương đã tải toàn bộ dữ liệu về máy, có nhiều số điện thoại liên lạc để gửi về và cán bộ này nhập điểm theo số điện thoại đó.

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An), hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng.

Trường hợp người thân học sinh nhờ cán bộ nâng điểm và kèm theo đó là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền, lợi ích khác cho ông Lương thì có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhờ mang tính chất tình cảm, không có việc đưa hối lộ thì có thể không bị xem xét về tội này. Việc có đưa hối lộ hay không do cơ quan điều tra tiến hành toàn diện, khách quan chứ không chỉ căn cứ vào lời khai từ phía phụ huynh học sinh.

Luật sư Vũ Tiến Vinh phân tích, đối với ông Lương, nếu có hành vi nhận hoặc sẽ nhận tiền, lợi ích vật chất khác để nâng điểm cho học sinh thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ. 

Tuy nhiên, hình phạt của tội Nhận hối lộ nghiêm khắc hơn so với tội Đưa hối lộ. Theo Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, tội này có khung hình phạt cao nhất đến tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ 1 tỷ đồng.

Theo luật sư, nếu có việc đưa và nhận hối lộ thì các tin nhắn liên quan đến việc nâng điểm đều là chứng cứ trực tiếp chứng minh cho hành vi vi phạm pháp luật của các bên. Không nhất thiết phải được ông Lương nhắn tin lại đồng ý mà chỉ cần có hành vi nâng điểm thì đồng nghĩa ông Lương chấp nhận đề nghị của người nhắn tin. “Giao dịch” đưa và nhận hối lộ đã hoàn thành.

Ngoài tin nhắn, cơ quan điều tra còn thu thập nhiều chứng cứ khác từ các nguồn khác nhau để củng cố căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự của các bên liên quan như lời khai của các bên, giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng (nếu có), lời khai của các nhân chứng…
 


Tối 17/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Công an về kết quả thi bất thường tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định cần đảm bảo kết quả của thí sinh sao cho hoàn thành. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục làm rõ những người liên quan sai phạm.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm.

 
 
 
Nguoi nho nang diem cho thi sinh o Ha Giang co bi xu ly? hinh anh 2

 
Theo Hoàng Lam - Zing

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây