Nên đầu tư cho kỳ thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực?

Chủ nhật - 28/01/2024 08:32:11


Ngày 27.1, chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 26 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại Trường ĐH Đồng Nai, thu hút khoảng 9.000 học sinh lớp 12 của nhiều trường THPT tham dự trực tiếp.

nên đầu tư


Tại đây, đại diện Bộ GD-ĐT và chuyên gia tuyển sinh các trường chia sẻ nhiều lưu ý quan trọng tới thí sinh (TS).

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên kênh thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Nếu rớt tốt nghiệp năm nay, năm 2025 thi thế nào?

Thông tin tại chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ đã ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT. Dự thảo này không thay đổi nhiều so với năm ngoái, chỉ cập nhật thêm một số chứng chỉ ngoại ngữ để thuận lợi hơn cho học sinh (HS). "Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ sẽ ban hành quy chế thống nhất với tinh thần giữ ổn định không ảnh hưởng đến HS năm nay", Vụ trưởng Thu Thủy thông tin thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm nay được giữ ổn định về cấu trúc bài thi, chỉ có những thay đổi nhỏ giúp TS thuận lợi hơn trong dự thi (đợt 1 ngày 7.4, đợt 2 ngày 2.6). Ở đợt 2 sẽ mở rộng nhiều điểm thi hơn, trong đó Đồng Nai là địa phương có tổ chức cả 2 đợt thi.

Tại chương trình, Cẩm Tú (HS Trường THPT Lê Hồng Phong, Đồng Nai) hỏi: "Năm nay thi tốt nghiệp chẳng may bị rớt, năm sau thi lại cùng với HS thi tốt nghiệp Chương trình GDPT mới, thì có nhất thiết phải học lại hết kiến thức 3 năm không?". Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nêu ý kiến: "Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS đã có sự chuẩn bị 3 năm, nếu trượt là lỗi của mình quá lớn. Đầu tiên là không để đặt ra tình huống mình trượt kỳ thi này".

PGS Thủy nói thêm: "Chưa kể đến năm 2025, HS của chương trình GDPT mới bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ không có điều kiện riêng biệt cho các bạn trong kỳ thi năm sau. Tuy nhiên, có thể cách đo lường khác nhau nhưng kiến thức nền tảng như nhau. Nếu học đúng bản chất thì dù đánh giá bằng cách nào, kết quả nào cũng không chênh lệch. Một HS có học lực giỏi thì không kỳ thi nào có thể làm khó mình".

Tốt nghiệp THPT là điều kiện tiên quyết để học lên cao

Quan tâm tới việc xét tuyển ĐH, Mạnh Đạt (HS Trường THPT Lê Quý Đôn, Đồng Nai) hỏi: "Hiện xu hướng các kỳ thi đánh giá năng lực dần trở nên phổ biến và được nhiều trường sử dụng để xét tuyển. HS có nên đầu tư cho kỳ thi đánh giá năng lực nhiều hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT không?".

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho rằng HS cần phải tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì việc được công nhận xét tốt nghiệp chính là điều kiện tiên quyết trước khi vào bậc học cao hơn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp cũng là cơ hội để xét tuyển vào nhiều trường rất tốt trong toàn quốc. Do đó, ngoài kỳ thi chung, nếu muốn HS nên lựa chọn thêm 1 - 2 kỳ thi riêng của các trường nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm với sự lựa chọn rõ ràng.

Tuy nhiên, PGS Thủy lưu ý thêm, năm nay TS xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của TS, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của TS theo thứ tự ưu tiên. "Đây chính là tính ưu việt của hệ thống xét tuyển chung nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất của TS. Các em cứ yên tâm, khi có kết quả học tập tốt nhất định sẽ đỗ vào ngành, trường yêu thích nhất", bà Thủy nói thêm.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng TS cần đặt mục tiêu hàng đầu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dù có xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần phải tốt nghiệp.

Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nói: "Kỳ thi nào cũng đánh giá năng lực học tập nên TS học tập tốt sẽ đạt được điểm cao. Mỗi kỳ thi có cách đánh giá người học khác nhau, nhưng đều có sự tương đồng với kiến thức mà HS đã học. Do đó, HS không nhất thiết phải luyện thi cụ thể cho 1 kỳ thi riêng nào mà cách chuẩn bị tốt nhất là học tốt chương trình phổ thông. Tuy nhiên, HS cần tìm hiểu đặc trưng riêng từng kỳ thi để có sự chuẩn bị cho tốt".

 

Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây