Mối quan hệ khăng khít giữa hiệu trưởng và kế toán nhà trường

Thứ sáu - 07/02/2020 07:37:07
Kế toán nhà trường thường là người thân cận nhất của hiệu trưởng và cũng là người khiến hiệu trưởng phải ngán ngại và đề phòng nhiều nhất.
 
khăng khít
 

Nếu nói hiệu trưởng là người to nhất trong nhà trường cũng đúng bởi họ là thủ trưởng đơn vị, là chủ tài khoản và là người ký các quyết định kỷ luật, nâng lương, trừ bậc lương của giáo viên, nhân viên trong đơn vị mà mình quản lý.

Thế nhưng, trong thực tế thì hiệu trưởng vẫn ngán ngại một người mà vai vế thấp hơn, trình độ cũng có thể thấp hơn bởi người này thường là trung cấp thôi- đó là kế toán nhà trường.

Vì thế, kế toán vừa là người thân cận nhất của hiệu trưởng và cũng là người khiến hiệu trưởng phải để ý, đề phòng nhiều nhất.
 

Thực tế, nếu hiệu trưởng và kế toán nhà trường liêm khiết thì chẳng ai phải ngại ai, khi mỗi người, mỗi vị trí cứ làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, ông bà ta xưa từng nói: “dân thì gian, quan thì tham” nên nhiều khi cũng phát sinh ra nhiều chuyện.

Hàng năm, ngân sách nhà nước cấp về trường học rất nhiều. Trường nhỏ thì vài tỉ, trường lớn lên đến hàng chục tỉ đồng nên khi làm chủ tài khoản, làm người giữ tài khoản thì lòng tham không phải ai cũng biết dừng lại đúng lúc, đúng chỗ.

Nhất là hiệu trưởng còn phải có nhiều mối quan hệ với cấp trên của mình, đồng cấp của mình trong công việc. Những mối quan hệ ngoài tình cảm ra thì còn phải có tiền nữa. Và, đương nhiên là không ai dại gì lấy lương của mình đi quan hệ khi mình đang làm chủ một tài khoản lớn.

Những lúc cần tiếp khách của nhà trường thì hiệu trưởng, kế toán luôn phải song hành cùng nhau và đương nhiên người kế toán phải đứng ra thanh toán các khoản chi tiêu này.

Nhưng, tiền thì không phải là hiệu trưởng và kế toán cưa đôi để bỏ tiền túi ra trả mà họ phải tìm cách để lách vào kinh phí hoạt động của đơn vị.

Vì thế, trong chi tiêu, trong mua bán của nhà trường thì hiệu trưởng và kế toán luôn phải bàn bạc cụ thể với nhau và đương nhiên là phải kê khống giá chênh lệch để lấp những khoản khác.

Tất nhiên, khi công bố giá cả mua bán, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà trường thì giáo viên thường bàn tán vì nó thường cao hơn giá thị trường. Nhưng, không cao hơn làm sao được khi có nhiều khoản chi mà nhà trường không được phép chi.
 

Đó là chứ kể ngoài chuyện lấy chỗ nọ, lấp chỗ kia thì hiệu trưởng và kế toán nhà trường cũng muốn có một chút ít để “phòng thân” cho riêng mình.

Chính vì mối quan hệ mật thiết như vậy nên chúng ta thấy rõ một điều là ở trường học thì hiệu trưởng và kế toán có thể bất đồng chính kiến, quan điểm với người khác, còn 2 người này rất hiếm khi nóng nảy hay cãi cọ với nhau và tất nhiên là phải “hợp cạ” với nhau.

Cho dù có những lúc không ưa nhau, nhưng họ đều phải bằng mặt với nhau trước mọi người bởi chỉ cần người này không ưa người kia là có thể tố cáo nhau mà tố cáo nhau cũng có nghĩa là cả hai người “cùng chìm” vì cả 2 có mối quan hệ ràng buộc về các khoản chi tiêu trong nhà trường.

Cái khó của người hiệu trưởng

Mặc dù là chủ tài khoản đơn vị nhưng thực ra nhiều hiệu trưởng không nắm được tài chính- đó là một thực tế. Bởi, trước khi làm hiệu trưởng thì những giáo viên này chỉ có chuyên môn đơn thuần một môn học.

Khi được cơ cấu làm quản lý nhà trường thì họ được bồi dưỡng vài tuần về nghiệp vụ quản lý. Nhưng, học lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục cũng chỉ là tổng quát ở tất cả các mảng trong trường học.

Vì vậy, mảng tài chính cũng chỉ học được khoảng 10 tiết- theo giáo trình hiện nay. Chừng ấy thời gian, không đủ để một hiệu trưởng nắm kỹ về nghiệp vụ tài chính.

Đó là chưa kể một số hiệu trưởng trước đây không được học về nghiệp vụ quản lý mà chỉ được bồi dưỡng một số chuyên ngành qua một số buổi mà thôi.

Vì thế, ngoài những khoản thu thường xuyên, chi không thường xuyên theo quy định của nhà nước thì có nhiều khoản bắt buộc kế toán nhà trường phải tham mưu, đề xuất thì hiệu trưởng mới có thể biết được.
 

Trong khi, ở trường học thì có vô vàn khoản thu- chi, chế độ của giáo viên, học sinh, nhất là những trường nội trú, trường có học sinh dân tộc thiểu số…mà hiệu trưởng nhà trường chỉ biết ký chứ còn chi tiết, cụ thể như thế nào khó mà tường tận hết được.

Vì vậy, kế toán nhà trường có thể ăn mảnh một mình được nhưng hiệu trưởng muốn “ăn gì” đương nhiên phải thông qua và phải “cưa” với kế toán thì mới được. Vậy nên, kế toán nhà trường thường là người thân cận nhất của hiệu trưởng và cũng là người khiến hiệu trưởng phải ngán ngại và đề phòng nhiều nhất.

Hai năm về trước, trong buổi tiệc chia tay với một vị hiệu trưởng trước khi về hưu, khi gần tàn cuộc, chỉ còn lại ít người thì vị này đã tâm sự với anh em chúng tôi rằng: “Tôi đi dạy có 5 năm là làm hiệu trưởng đến khi về hưu nhưng điều thất bại nhất của tôi  là không nắm được tài chính của nhà trường.

Tất cả đều do kế toán nhà trường, tham mưu, đề xuất và chỉ biết ký khi kế toán đưa hồ sơ sổ sách. Cũng may là qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều đơn vị công tác nhưng cho giờ phút này mọi thứ đều êm xuôi và tôi được về hưu…an toàn”.

Điều này cho chúng ta thấy rằng vì sao mà hiệu trưởng và kế toán nhà trường lại có mối quan hệ khăng khít và vì sao mà họ luôn bảo vệ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Trường học yên ổn, phát triển được ngoài và sự cố gắng của tập thể sư phạm nhà trường thì điều mà hiệu trưởng cần nhất là có một kế toán giỏi, ít tham lam, biết tham mưu và biết lách được các khoản thu-chi khi cần thiết.

Khi có một kế toán giỏi cũng đồng nghĩa là trường học yên ổn vì mọi chế độ của giáo viên được. Bởi, đa phần các mâu thuẫn trong nhà trường đều bắt nguồn từ quyền lợi, chế độ của giáo viên mà thôi.

Theo NHẬT DUY
Giaoduc.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây