Lịch sử trở thành môn bắt buộc, dạy học gần giống phân ban?

Thứ bảy - 06/08/2022 07:18:08

Môn lịch sử trở thành bắt buộc ở cấp THPT, số môn học lựa chọn giảm và thay đổi cách thức tổ chức được đánh giá là thuận lợi cho các trường nhưng không giữ được tinh thần dạy học phân hóa ở cấp THPT.
 
Lịch sử

Sự lựa chọn về gần như 2 ban trước đây

Lịch sử từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn khoa học xã hội trở thành môn học bắt buộc. Như vậy, chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.

Đáng chú ý, theo Thông tư điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Bộ GD-ĐT mới ban hành, số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Việc Bộ GD-ĐT quyết định bỏ quy định nhóm môn và không bắt buộc phải chọn ít nhất một môn ở cả 3 nhóm môn như trước, khiến các trường “thở phào nhẹ nhõm” bởi sẽ giúp các trường không xáo trộn công tác chuẩn bị cho năm học mới và học sinh (HS) sẽ chọn theo từng lĩnh vực.

Ghi nhận thực tế cho thấy hầu hết các trường THPT chưa thể tổ chức dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật; môn công nghệ cũng có rất ít trường tổ chức nên thực tế các môn mà phần lớn HS được lựa chọn chỉ là các môn “truyền thống”: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, tin học. Như vậy, một số môn lần đầu xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10 như: công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật mới chỉ có tên gọi chứ thực tế chưa “đi vào cuộc sống”.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết trước đây có 7 môn bắt buộc, trường có 6 tổ hợp, do chủ trương về tầm quan trọng của môn công cụ là tin học nên cả 6 tổ hợp của trường đều có môn tin học (dù đây chỉ là môn tự chọn). Nay lịch sử thành bắt buộc, có 8 môn bắt buộc và trước đó 6 tổ hợp của trường đều có môn tin học. Vì vậy, đối với HS Trường Marie Curie có 9 môn bắt buộc (thêm lịch sử và tin học) nên chỉ còn 2 tổ hợp lựa chọn là khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH) với các môn tương ứng.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho hay chọn 4 môn trong 9 môn nên dễ triển khai hơn cho các trường. HS theo khối KHTN có thể chọn đủ vật lý, hóa học, sinh học và một môn bất kỳ, nhà trường chỉ phải sắp xếp lại kế hoạch dạy học, thời khóa biểu, trên cơ sở các môn mà HS chọn từ trước.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết ngày 8.8 tới, nhà trường sẽ mời HS lớp 10 năm học tới đến để nghe phổ biến về các thay đổi mà Bộ GD-ĐT mới ban hành cũng như một số điều chỉnh trong sắp xếp môn học lựa chọn của nhà trường so với thời điểm các em đăng ký nhập học. Theo bà Quỳnh, về cơ bản sẽ chỉ còn 2 tổ hợp môn là KHTN và KHXH. “Hướng dẫn điều chỉnh mới nhất cho thấy việc dạy học tự chọn gần giống với phân ban hiện nay”, bà Quỳnh nói.

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho rằng về cơ bản, việc tổ chức dạy học lớp 10 năm học tới dù theo chương trình mới nhưng không thay đổi nhiều so với chương trình hiện hành.

Chọn môn khi chưa biết thi cử năm 2025 thế nào

Bà Nguyễn Bội Quỳnh cho rằng điều mà phụ huynh và HS đặc biệt quan tâm khi lựa chọn môn học là việc thi, tuyển sinh ĐH năm 2025 (khi các em tốt nghiệp THPT) sẽ ra sao. Bộ GD-ĐT mới chỉ thông tin là đến năm 2025 khi “lứa” HS đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp THPT thì mới có thay đổi lớn về thi và tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào thì chưa có thông tin. Nếu bộ có định hướng về thi cử thì sẽ giúp các nhà trường và HS vững tâm hơn khi tổ chức dạy học lựa chọn. Hiện HS vẫn chọn môn theo các khối thi ĐH như hiện nay.

Trường THPT Lê Lợi - Hà Đông (Hà Nội) cũng cho biết dự kiến xếp tổ hợp môn theo trụ là các khối tuyển sinh ĐH. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại nếu như cách thi theo khối thi ĐH như hiện nay và chọn môn tổ hợp để thi tốt nghiệp thì môn KHTN có xu hướng “teo tóp” dần dẫn tới nguy cơ về vị trí việc làm của giáo viên dạy các môn lý, hóa, sinh trong trường THPT phải tính toán lại.

Ông Đàm Tiến Nam cho biết xu hướng chọn môn học và môn thi KHTN của trường ngày càng giảm, nếu trước đây là tương đương nhau thì hiện nay số HS chọn các môn KHTN chỉ còn khoảng 1/3, còn lại là KHXH. Bà Nguyễn Bội Quỳnh cũng cho hay số HS lớp 10 chọn các môn KHXH năm học tới cũng lớn hơn nhiều so với KHTN. Cụ thể, toàn trường có 11 lớp KHXH, 7 lớp KHTN.

HS muốn chọn các môn nghệ thuật mà trường chưa tổ chức được

Hầu như rất hiếm trường THPT ở Hà Nội đưa 2 môn học mới là âm nhạc, mỹ thuật vào giảng dạy và cho HS lựa chọn. Tuy nhiên, nguyên nhân là các trường hiện đang “trắng” giáo viên các môn học này về nguồn lực hiện có cũng như nguồn tuyển, chứ không phải do HS không muốn chọn.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh cho biết Trường THPT Việt Đức đang quyết tâm sang năm học 2023 - 2024 sẽ đưa môn âm nhạc, mỹ thuật vào giảng dạy bằng cách xây dựng thêm phòng học cho các bộ môn này và hợp đồng giáo viên. “HS nhập học lớp 10 năm nay sau khi tìm hiểu về chương trình mới thì rất nhiều em hỏi các thầy cô về việc có được chọn các môn nghệ thuật không, nhu cầu của các em lớn nên đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng làm, như vậy mới tăng cơ hội lựa chọn cho HS”, bà Quỳnh nói.

Ông Đàm Tiến Nam chia sẻ: “Nhu cầu học các môn nghệ thuật của HS có thể nhìn thấy rất rõ. Bằng chứng là năm học này, nhà trường tổ chức và có tới 10/22 lớp 10 có môn âm nhạc, 6 lớp có môn mỹ thuật”.

Các chuyên đề học tập

Thông tư của Bộ GD-ĐT nêu: ngoài 4 môn học còn có các chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của mỗi môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp HS tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng… Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây