Lật tẩy loạt mánh khóe gian lận thi cử của sinh viên

Thứ ba - 13/12/2022 06:17:07


Gian lận trong học tập không phải là câu chuyện mới, đặc biệt ở môi trường đại học, các chiêu trò gian lận ngày càng trở nên tinh vi và tồn tại bằng nhiều hình thức khác nhau.

Loạt mánh khóe gian lận trong thi cử của sinh viên

N.V.H (Trường ĐH K.T) tiết lộ: "Trước đây mình từng sử dụng "phao" băng dính. Mình sẽ đi in tài liệu theo kích thước mong muốn, sau đó, dùng băng dính dán lên tài liệu rồi mang đi ngâm nước.

Ngâm tầm vài phút rồi sẽ bóc ra lớp băng dính ra và chà lớp giấy đi. Vậy là mình sẽ có được chiếc "phao" trong suốt có thể dán ở bất kỳ đâu.

lật tẩy


Đối với những môn thi tính toán cần sử dụng công thức thì mình sẽ dùng giấy ghi nhớ cỡ nhỏ dán vào bút hoặc chép tài liệu xuống bàn chân, vào phòng thi chỉ cần gác chân lên hoặc xoay bút là có thể nhìn thấy nội dung để làm bài".

Ngoài ra, H. cũng chia sẻ ngoài việc sử dụng các mánh thủ công trên, H. cũng được bạn bè mách cho một số cách thức tinh vi hơn.

Do sự nhỏ gọn của các thiết bị công nghệ như tai nghe không dây, điện thoại thông minh, sinh viên có thể mang vào phòng thi và khó bị phát hiện. Người dùng chỉ cần đeo chiếc tai nghe kết nối cuộc gọi với bạn bè ở ngoài và nhận được câu trả lời cho đề thi, trong trường hợp giám thị coi thi không quá nghiêm ngặt.

Hoặc để kín đáo hơn thì có một bộ thiết bị khác bao gồm: camera ngụy trang cúc áo siêu nhỏ để chụp đề thi ra bên ngoài và tai nghe hạt đậu để nhận đáp án với phạm vi truyền thông tin trong bán kính 25m.

Tuy nhiên những cách thức gian lận này cũng đã cũ, dễ bị lật tẩy.

Thời gian gần đây, giới sinh viên truyền tai nhau, với nội dung kiến thức dài cần ghi nhớ có thể dùng loại thuốc Modafinil (một loại thuốc để điều trị chứng buồn ngủ do chứng ngủ rũ, rối loạn giấc ngủ làm việc theo ca), để thúc đẩy sự tỉnh táo và tăng cường sự tập trung.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Ruairidh Battleday từ Trường Đại học Oxford nói rằng Modafinil thường có tác dụng trong khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ và có thể và tăng cường trí nhớ nhưng để lại nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe 

"Sinh viên hay gọi thuốc này là "thuốc thông minh". Thật sự thì nó không thần kỳ để có thể khiến mình trở nên giỏi hơn đâu, nhưng sử dụng thuốc sẽ giúp tăng cường sự tập trung của trí não lên gấp 2, gấp 3 lần trong thời gian ngắn.

Mình thấy nó giống như một dạng thuốc kích thích vậy, nhưng tất nhiên sử dụng quá liều sẽ đem lại nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe", H. cho biết.

Bạn H.N (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) bộc bạch: "Đặc sản thời sinh viên là tiểu luận. Có những kỳ mình phải viết hơn mười mấy cái tiểu luận cho cả thi giữa kỳ và cuối kỳ.

Khối lượng tài liệu phải đọc và số lượng trang phải viết quá nhiều cộng thêm việc đi làm nên đôi lúc mình cũng cảm thấy rất mệt mỏi".

N. giải thích thêm rằng, khi đánh giá tiểu luận, giảng viên sẽ dùng phần mềm kiểm tra đạo văn để chấm xem có bao nhiêu phần trăm nội dung độc nhất và bao nhiêu nội dung trùng lặp.

Để tránh bài bị dính nhãn đạo văn, N. chia sẻ bí kíp được sinh viên lan truyền nhiều đó là sao chép nội dung bằng tiếng nước ngoài rồi cho vào phần mềm dịch ra tiếng việt, tiếp tục dùng công cụ viết lại theo văn phong khác hoặc tự diễn giải lại.

"Cách này sinh viên bọn mình đảm bảo được nội dung học thuật, chỉ mất chút thời gian chỉnh sửa mà tỷ lệ dính đạo văn thấp", N. kể.

Dịch vụ gian lận, có cầu thì có cung

Bạn T.T (cựu sinh viên) chia sẻ: "Với mức điểm GPA (điểm trung bình các môn học trong một kỳ) khá cao, mình từng nhận làm bài tập, tiểu luận hộ các bạn để kiếm thêm thu nhập.

Mọi việc bắt đầu từ khi có một người bạn đã nhắn tin nhờ vả rồi hứa trả tiền cho mình khi nhờ làm một bài tập trên lớp. Sau đó, bạn kể cho mình rất nhiều góc khuất của vấn đề này.

Có rất nhiều hội nhóm hoạt động để học hộ, thi hộ và các vụ giao dịch mua bán như thế này không hề hiếm gặp, chỉ cần có cầu thì sẽ có cung".

T. cũng kể, vì tò mò và có mục đích riêng nên đã tạo tài khoản tham gia các nhóm kín trên. Sau đó, T. dần có thêm "khách hàng", do tự kiếm được hoặc có người giới thiệu.

T. chủ yếu nhận các "đơn đặt hàng" với hình thức thi hoặc làm bài trực tuyến, còn trực tiếp thì không dám nhận.

"Khi đã từng hoạt động trong "thị trường" này rồi, mình mới biết năng lực và điểm số không nhất thiết phải tương thích với nhau.

Có người nhận được tấm bằng Thạc sĩ bằng luận văn đi thuê viết hộ giá từ 3-5 triệu đồng, có bạn thuê hỗ trợ nhận được cả học bổng chỉ với số tiền vài trăm đồng/môn. Chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định, người thuê vừa có tiếng, vừa có miếng mà lại chẳng tốn chút công sức nào.

Mình thấy so với những bạn học thật, thi thật thì khá là bất công. Giữa một người phải học hết tất cả các môn để thi với một người thuê người làm thay, mỗi môn họ thuê người có chuyên môn chắc tay hơn thì người tự học dù giỏi cũng khó cạnh tranh nổi".

Dù là người từng gian lận, tham gia hỗ trợ gian lận thì cả H. và T. đều thấy rằng, có rất nhiều trường hợp gian lận công khai chia sẻ câu chuyện nhưng chưa hề bị bắt.

Tự tước bỏ cơ hội rèn luyện các kỹ năng

Chia sẻ với Dân Trí, một Phó giáo sư, Tiến sĩ đang công tác tại Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, nguyên do của tình trạng gian lận trong sinh viên có rất nhiều yếu tố tác động.

Dưới góc nhìn của giảng viên và người nghiên cứu xã hội học giáo dục, cô cho biết lý do chủ yếu là từ những cấp học dưới, học sinh đã được giảng dạy và học theo lối tầm chương trích cú (chỉ lối học hay lối viết, thiên về tìm tòi câu chữ, hình thức văn chương, mà không chú trọng đến nội dung).

Trong đó, cô cũng chỉ ra rằng, nếu như sinh viên có mức độ dựa dẫm vào đề cho sẵn cao cùng khả năng làm chủ kiến thức kém, thì mức độ gian lận của sinh viên đó càng cao.

"Phần lớn sinh viên gian lận đều mong được kết quả tốt, nhưng cũng có một số bạn chỉ đơn giản vì muốn qua môn. Hai trường hợp đó khác nhau nhiều về thái độ và tâm lý học tập, một bên thì do chịu nhiều áp lực học tập, một bên thì chỉ muốn hoàn thành cho xong nhiệm vụ.

Sinh viên hiện nay, ngoài việc học còn đi làm và tham gia nhiều hoạt động khác nhau, cho nên đôi lúc việc cân bằng và ưu tiên công việc cũng sẽ gặp vấn đề. Khi mất tự chủ về thời gian, sinh viên sẽ hoảng sợ và chọn đi đường tắt", giảng viên này cho biết.

Cô cũng nói thêm rằng, dù là bất cứ lý do gì thì việc gian lận trong học tập cũng không phù hợp về mặt đạo đức, về mặt chuyên môn và tất nhiên không nên được bình thường hóa.

Học tập tại trường là một quá trình rèn luyện lâu dài cả về kiến thức và thái độ. "Việc lựa chọn gian lận khiến cho một số sinh viên tự tước bỏ cơ hội rèn luyện các kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp như: kỹ năng nghiên cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin, viết, tư duy phản biện và rất nhiều thứ khác nữa.

Trong trường hợp bị phát giác, ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở việc cá nhân thiếu hụt các kỹ năng mà còn cả về danh tiếng không tốt của sinh viên, của ngôi trường sinh viên theo học.

Xa hơn nữa trong tương lai, sinh viên sẽ không biết cách thức thực hiện công việc chỉ ngay từ những việc nhỏ nhất do không được rèn luyện và trải nghiệm trước đó.

Dù là vậy, ở đâu có quy tắc thì ở đó vẫn có người phá vỡ quy tắc", giảng viên nhận định.

 

Theo Hồng Nhung
Dân trí

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây