Kì thi THPT quốc gia 2019: Không làm học sinh hoang mang

Thứ tư - 06/03/2019 07:15:49

Lo lắng quên ăn, quên ngủ

Đinh Lê Anh Tuấn, học sinh lớp 12 trường THPT Lý Thường Kiệt, Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Từ nay đến khi diễn ra kỳ thi thời gian không còn dài, cả lớp em đang tăng tốc để học, một ngày em học liền 3 ca rồi đêm về cày đề nhưng em và nhiều bạn của mình vẫn cảm thấy chưa đủ, chúng em ước một ngày dài hơn để học”.
 

Kì thi THPT quốc gia 2019: Không làm học sinh hoang mang
Thí sinh chuẩn bị vào thi

 

Cũng theo Anh Tuấn, sáng và chiều em học ở trường, tối về nhà ăn vội bát cơm rồi lại phải chạy đi học Văn ở Yên Viên hoặc học Toán ở quận Ba Đình, sau đó về học gia sư môn tiếng Anh tại nhà. Đến hơn 22h đêm mới kết thúc các ca học. Tắm giặt xong, Anh Tuấn lại tiếp tục ngồi vào bàn học đến 1 giờ sáng mới đi ngủ.

“Càng ngày cánh cửa vào các trường đại học top trên càng hẹp, chính vì vậy muốn có cơ hội vào được trường tốt thì bản thân phải thực sự có năng lực. Những năm gần đây, có những trường bình quân mỗi môn được 8-9 điểm vẫn không có cơ hội vào trường nên chúng em càng áp lực. Sáng ra đến lớp, không chỉ em mà rất nhiều bạn cùng lớp ngáp ngắn ngáp dài do buồn ngủ. Trưa về ngủ mê mệt không biết giờ dậy, em phải nhờ người nhà gọi, nếu không thì ngủ luôn đến chiều vì thiếu ngủ kéo dài” Anh Tuấn chia sẻ.

Vũ Anh Thảo, học sinh trường THPT Việt Đức cũng cho biết, em đăng kí vào ĐH Ngoại Thương, vì vậy áp lực với em càng lớn. Kết thúc buổi học ở trường lúc 17h, em tiếp tục đến lò luyện thi để ôn luyện theo bộ đề, rồi sau đó đến nhà các thầy cô dạy riêng theo từng môn. Về đến nhà cũng đã hơn 22h, tắm giặt, nghỉ ngơi một lúc là em lại lao vào ôn bài đến khoảng hơn 1 giờ sáng mới đi ngủ.

Nhiều học sinh cho biết, những thay đổi trong kì thi sắp tới như: siết chặt việc coi thi, giám sát chặt chẽ khâu chấm điểm… đã khiến các em cảm thấy rất vui và hi vọng một kì thi công bằng, nghiêm túc và an toàn.

Ôn thi có trọng tâm

Việc ôn luyện cho học sinh ở các trường cũng đang diễn ra gấp rút. Tuy nhiên hầu hết các trường THPT đều ôn thi theo định hướng của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội. Điều quan trọng nhất là các trường đều ôn thi theo trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kiến thức lớp 12. Vấn đề mà một số trường quan tâm là không làm cho học sinh hoang mang.

Theo ông Dương Hai Bảy Mươi, hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt, việc ôn thi của trường vẫn diễn ra bình thường, ôn thi chủ yếu vào kiến thức lớp 12. Mức độ đề năm nay nếu theo gợi ý của Bộ thì sẽ nhẹ hơn năm trước. Tuy nhiên, việc ôn thi không vì đề thi đó mà lơ là, bởi năm nay trọng số 70% và 30% (70% điểm thi và 30% kết quả học tập lớp 12 để tính điểm thi tốt nghiệp) là cực kì nghiệt ngã. Học sinh thi được 4 điểm vẫn có thể trượt. “Thực ra đề thi minh họa giảm nhẹ cấp độ khó nhưng tăng thêm về chất lượng học để học sinh phải học đều lên và các em phải có học lực trung bình để đạt từ 4,5 điểm trở lên thì mới có khả năng đỗ. Vì vậy, học sinh cần phải nắm vững kiến thức cơ bản”.

Cũng theo hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt, giáo viên dạy đến thời điểm này bắt đầu chốt theo chương, bài. Trường có các bài thi khảo sát xem các con đang đứng ở vị trí nào. Từ đó có cái định hướng và ôn thi tiếp theo. Điều quan trọng nhất là trường chỉ chú trọng ôn kiến thức cho học sinh chương trình lớp 12 và theo định hướng của Bộ. Giáo viên sẽ tham khảo thêm đề minh họa của Bộ và cả những bộ đề của nhiều trường ĐH để củng cố kiến thức cho học sinh.Tuy nhiên ông Dương Hai Bảy Mươi nhấn mạnh: “Không thể để học sinh lo lắng, vì vậy nhà trường chỉ dạy kiến thức cơ bản. Tôi cho rằng không nên làm đề nhiều, làm đề nhiều học sinh sẽ có cảm giác hoang mang, vì mức độ ma trận đề khiến học sinh thấy kiến thức dàn trải, không trọng tâm. Tôi cho rằng nên tổng hợp kiến thức lại rồi dạy các con, nắm được kiến thức cơ bản cũng đã làm bài rất tốt. Học tốt rồi sau đó mới mở rộng thêm ra”.

Theo kế hoạch, trong các ngày 27, 28 và 29/3 tới, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát chất lượng giáo dục đối với học sinh lớp 12 đang học tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Lịch kiểm tra từng môn như sau: Ngày 27/3: Sáng: Ngữ văn; chiều: Toán; Ngày 28/3: Sáng: Khoa học tự nhiên; chiều: Tiếng Anh; Ngày 29/3: Sáng: Khoa học xã hội
 

Mỗi học sinh THPT dự kiến kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và 1 bài tự chọn trong số 2 bài: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Với học sinh theo học chương trình GDTX, mỗi em làm 3 bài kiểm tra, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài tự chọn: Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Các bài kiểm tra đều được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng bài kiểm tra môn ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận. Việc tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh tập dượt về kỹ năng, sẵn sàng cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Theo Mai Khôi - Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây