Kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học: Ai rồi cũng đậu

Thứ hai - 11/09/2023 06:55:55


Trong hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có 660.258 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 là 612.283 thí sinh, chiếm 92,7%.

Các trường đại học (ĐH) đã kết thúc tuyển sinh đợt 1 năm 2023. Bộ GD&ĐT cũng vừa thông tin số liệu thống kê về tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2023 với kết quả khá bất ngờ.

92,7% thí sinh đăng ký xét tuyển trúng tuyển ĐH

Theo đó, trong hơn 1 triệu thí sinh (TS) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT có 660.258 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, chiếm 65,9%. Số TS trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống là 612.283 TS, chiếm 61,1% so với số TS dự thi, chiếm 92,7% so với số TS đăng ký xét tuyển.

Cũng theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, TS trúng tuyển ở ba nguyện vọng đầu tiên là 74,9% số TS đăng ký xét tuyển. TS trúng tuyển ở năm nguyện vọng đầu tiên là 85,1% số TS đăng ký xét tuyển.

Kết thúc đợt 1


Trung bình một TS đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. TS trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 là 32,2%. TS trúng tuyển thẳng theo quy chế xác nhận nhập học ngay chỉ 30,48%.

Tính đến 17 giờ ngày 8-9, ghi nhận trên hệ thống của Bộ GD&ĐT có 494.488 TS xác nhận nhập học, chiếm 49,3% so với số TS dự thi; 74,9% so với số TS đăng ký xét tuyển và 80,8% so với số TS trúng tuyển. Như vậy, có đến 117.795 TS không xác nhận nhập học trên hệ thống. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nếu không có lý do chính đáng, các em đã chính thức từ chối nhập học, chỉ có thể đăng ký xét tuyển bổ sung.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2023-2024 của giáo dục ĐH, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết năm 2023, các trường có nhiều phương thức xét tuyển quá phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bố chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho TS và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm chưa dự báo được số lượng TS ảo.

Về phương hướng cho năm học 2023-2024, bà Thủy cho rằng các cơ sở giáo dục ĐH phải hoàn thiện phương thức tuyển sinh cơ bản giữ ổn định, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đầu tư và chiến lược cho giáo dục. Đồng thời, các trường đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số quốc gia, đặc biệt thí điểm triển khai ĐH số. Tăng cường các điều kiện về bảo đảm và quản lý chất lượng...

Nhiều ngành tuyển không đủ chỉ tiêu

Đánh giá về kỳ tuyển sinh năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết đã tốt hơn nhiều so với năm ngoái từ khâu đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng cho đến lệ phí xét tuyển..., tất nhiên trong quá trình lọc ảo do số lượng nguyện vọng nhiều, phương thức cũng có điều chỉnh nên có trục trặc, tuy nhiên về cơ bản khá ổn.

Ông Nhân cũng cho biết thực tế hiện nay có những ngành, lĩnh vực không tuyển được vì TS không quan tâm mà đổ dồn vào những ngành, lĩnh vực hot như khối ngành công nghệ thông tin, kinh doanh, quản lý, sức khỏe. Vì vậy, các trường ĐH không bao giờ tuyển đủ so với chỉ tiêu. Hiện trường cũng có một số ngành như khoa học cơ bản và một số lĩnh vực khối ngành kỹ thuật, công nghệ và môi trường, công trình giao thông cũng khó tuyển sinh.

“Tình hình này kéo dài sẽ gây mất cân đối giữa các lĩnh vực, ngành nghề, gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội, do đó Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ như học bổng, học phí hay cam kết tuyển dụng” - ông Nhân nói thêm.

Trước ý kiến cho rằng vào ĐH hiện nay khá dễ, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết dễ đỗ ĐH cần phải xem xét đỗ vào trường nào. Nếu đỗ vào các trường đúng như mong muốn của người học sẽ không bao giờ dễ và luôn luôn là như thế.

Theo ông Khang, điểm cộng lớn nhất của Bộ GD&ĐT trong kỳ tuyển sinh vừa rồi chính là việc cộng điểm khu vực ưu tiên đã trở nên hợp lý hơn rất nhiều so với các năm trước.

Đề cập đến phương hướng tuyển sinh cho năm học 2023-2024, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết điều cần phải thay đổi là quá trình đào tạo phải tiếp cận với công nghệ mới và nhu cầu của các doanh nghiệp lớn. “Các cơ sở giáo dục phải tìm hiểu xem các doanh nghiệp lớn cần gì? Làm việc như thế nào? Áp dụng công nghệ gì?... Điều này rất quan trọng trong khâu đào tạo” - ông Sơn nhấn mạnh.

 

Theo Nguyễn Quyên
Pháp luật Tp.HCM

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây