HS lớp 12 học các môn toán, văn, Anh văn như thế nào để thi tốt?

Chủ nhật - 25/04/2021 08:35:04
Toán, văn, Anh văn là 3 môn chính, rất quan trọng đối với học sinh lớp 12 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ năm 2021. Vậy học sinh phải học những môn này như thế nào để thi tốt?
 
Học sinh

Hãy nghe những sinh viên có sở trường về những môn học trên chia sẻ về cách học của mình, cũng như cách làm bài thi đạt điểm cao.

Đọc kỹ tác phẩm, ghi nhớ những chi tiết quan trọng

Mặc dù là dân chuyên khối B nhưng Nguyễn Thúy Anh hiện là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cũng từng đoạt giải ba cấp tỉnh cuộc thi Học sinh giỏi môn ngữ văn năm 2018-2019. Thúy Anh cho rằng: “Đối với môn văn, nếu bạn học vẹt thì khi vào thi sẽ rất dễ quên nên phải học từ chính cách hiểu của mình. Tức là học ý chính của bài và khi làm bài thì hãy diễn đạt ra bằng cách hành văn của mình, nói chung là hiểu sao thì viết vậy, càng chân thật càng tốt. Đặc biệt, để học giỏi môn văn đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng nhiều kỹ năng và kiến thức từ học tập cũng như trong cuộc sống”.

Theo Thúy Anh, nếu ở trên lớp học, các bạn chú ý nghe giảng bài kỹ thì có thể nắm được và rút ra được ý chính rồi, đồng thời phải đọc lại những văn bản trong sách để có thể nhớ được các dẫn chứng áp dụng vào bài làm khi phân tích.

Với các bạn thi khối có môn văn, Thúy Anh nói: “Nên tìm hiểu thêm các tài liệu, đọc những bài văn hay để rút kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu sâu hơn những phần liên hệ... để có thể đạt điểm cao trong bài làm của mình”.

Theo Thúy Anh, học văn sẽ nhẹ nhàng hơn nếu bạn học đúng cách. Trước hết, để có thể làm bài được, buộc chúng ta phải nắm kỹ tác phẩm. Khi tiếp cận một tác phẩm, bước đầu bạn phải đọc thật kỹ tác phẩm, ghi nhớ những chi tiết quan trọng và nổi bật, sau đó dựa vào sự hướng dẫn của giáo viên, bạn có thể nắm bắt được các ý chính, từ đó có thể vận dụng để làm bài. “Để có thể cải thiện được kỹ năng viết của mình, chúng ta cần phải đọc. Đọc tác phẩm và những gì có liên quan đến tác phẩm sẽ giúp bạn cải thiện khả năng tư duy văn học của mình”, Thúy Anh nói

Cũng theo Thúy Anh, khi chúng ta đọc đề bài, cần chú ý những từ then chốt. Việc nhìn ra từ then chốt sẽ quyết định bạn có đi đúng hướng làm bài hay không. “Ví dụ, nếu như bài văn yêu cầu phân tích tâm trạng nhân vật nhưng bạn chỉ phân tích nhân vật thì dù bạn viết có dài, có hay, điểm của bạn cũng sẽ không cao. Thế nên, khi đi thi, cần đặc biệt chú ý những từ then chốt, và tốt hơn là nên gạch chân chúng để không bị thiếu sót hay sai lệch ý...”, Thúy Anh lưu ý.

Ôn tập kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa

Là thí sinh đạt 9,4 điểm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Đỗ Ngọc Thành Danh, hiện là sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Đối với môn toán và đề thi trắc nghiệm như những năm gần đây nếu học sinh đặt mục tiêu lấy điểm từ 5, 6 điểm thì các bạn cần ôn tập kỹ kiến thức trong sách giáo khoa. Và trong quá trình làm bài từ câu 1 đến câu 30 tuyệt đối không được sai vì đây là những phần cơ bản”.

Vậy làm thế nào để làm chắc những câu này? Danh “bật mí”: “Rất đơn giản, bạn chỉ cần thường xuyên làm thử các bài kiểm tra miễn phí trên mạng. Khi làm các dạng bài kiểm tra này, bạn sẽ phát hiện ra lỗ hổng kiến thức của mình, quên phần nào thì ôn lại ngay phần đó, cứ như thế sẽ giúp cho bạn có một nền tảng kiến thức vững chắc. Những lỗi quên, sai nên viết vào một cuốn tập để thường xuyên đọc lại, như một cách khắc ghi lần sau không được quên, sai nữa”.

Còn những bạn có mục tiêu lấy trên 8 điểm thì theo Danh các bạn cần luyện tốc độ trong lúc luyện đề. “Nên luyện thêm nhiều chuyên đề nâng cao và thường xuyên giải đề thi thử (2-3 ngày cho một đề), nên chọn đề từ các trường, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành hay web luyện thi uy tín để đạt hiệu quả cao nhất”, Danh khuyên.

Siêng luyên tập và làm thử các đề thi những năm trước

Chia sẻ về cách ôn tập và học môn tiếng Anh, Nguyễn Thị Bích Ngọc (thí sinh duy nhất của tỉnh Bình Phước đạt 10 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019), nói: “Phải nắm các kiến thức có trong sách giáo khoa, vì thông thường đề thi cũng chỉ dựa vào kiến thức chuẩn nên bạn tuyệt đối không để sót kiến thức. Bạn nên xem các đề thi thử của Bộ GD-ĐT và đọc, tự rút ra bố cục đề thi để biết cần ôn tập phần nào và phân bố thời gian hợp lý cho từng phần. Rồi mua các sách luyện tập từng chuyên đề, hãy giải từ các bài tập cơ bản đến nâng cao (vì đề sẽ có 2 - 3 điểm phân biệt khá - giỏi)”.

Ngọc khuyên học sinh hãy siêng luyện tập. “Chỉ có luyện tập mới giúp mình ít sai. Hãy luyện nhiều nhất có thể và nhớ chấm điểm ngay sau khi mình làm thử các đề thi những năm trước đó. Làm xong đề nào kiểm tra và đối chiếu kết quả ngay đề đó chứ đừng để dồn cả đống rồi mới chấm, như vậy sẽ khiến mình không ghi sâu được vào đầu các câu đã sai. Những câu mình làm sai trong đề, hãy luôn nhớ phải chép lại và tự tìm hiểu hoặc nhờ thầy cô, bạn bè chỉ giúp”.

 
Theo Lê Thanh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây