Học sinh lớp 9 phải thi lại: Cách kiểm tra, đánh giá... lỗi thời

Thứ bảy - 21/12/2019 03:01:51
Từ sự cố 'thi lại' để vớt điểm cho học sinh lớp 9 không làm được bài vì cách ra đề thi mới của Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân (Hà Nội) đã bộc lộ nhiều vấn đề lo ngại về cách kiểm tra, đánh giá định kỳ.
 
Đề toán khó
 

Tại sao kiểm tra định kỳ lại căng thẳng ?

Đánh giá định kỳ là đánh giá kết quả giáo dục của học sinh (HS) sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của HS so với chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Thông thường, các nhà trường, các phòng giáo dục/sở giáo dục sẽ tổ chức đánh giá định kỳ về học tập vào giữa/cuối học kỳ, cuối năm học.
Ghi nhận của PV Thanh Niên hàng chục năm nay cho thấy mỗi kỳ kiểm tra, HS và phụ huynh và cả các trường tỏ ra rất căng thẳng. Nhiều phụ huynh cho biết, theo cách tính điểm hiện nay thì điểm kiểm tra học kỳ được tính hệ số 3 nên sẽ giúp kéo lên hoặc làm tụt đi kết quả của cả một học kỳ, một năm học. Do vậy, học bạ của HS “đẹp” hay “xấu” phụ thuộc vào kết quả của những kỳ kiểm tra này.

"Giáo viên và học sinh có xu hướng dạy và học để ứng phó với các kỳ thi, chạy theo thành tích, thay vì hướng đến việc đạt được mục đích giáo dục. Do đó, các kỳ thi và kiểm tra đã tạo ra nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và xã hội nói chung" - PGS-TS NGUYỄN VĂN KHÁNH, Chủ biên chương trình môn vật lý trong Chương trình giáo dục phổ thông mới


PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục Viện Khoa học giáo dục VN (Bộ GD-ĐT), chỉ ra nguyên nhân khiến giáo viên, phụ huynh, HS quá chú trọng tới kết quả của bài kiểm tra đánh giá định kỳ mà không coi trọng cải tổ cả quá trình dạy học. “Ma trận” đề thi thế nào, kiểu đề thi thế nào,... thì người ta sẽ “làm quen”, “ôn luyện”,... để cho bằng được kết quả tốt. Nếu không, cá nhân thì bị điểm kém, mà chất lượng của lớp/của trường không cao thì giáo viên và lãnh đạo ở trường đó sẽ bị phê bình. Do vậy, việc “đánh giá quá trình học tập”, giáo viên phải dựa vào quá trình học của HS mà đánh giá, để xác nhận kết quả học tập hoặc sự tiến bộ của HS vẫn không được như mong muốn, trong khi vẫn bị kết quả đánh giá định kỳ “dẫn hướng” hết.
PGS-TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên chương trình môn vật lý trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng cho biết: “Giáo viên và HS có xu hướng dạy và học để ứng phó với các kỳ thi, chạy theo thành tích, thay vì hướng đến việc đạt được mục đích giáo dục. Do đó, các kỳ thi và kiểm tra đã tạo ra nhiều áp lực cho HS, giáo viên, cha mẹ HS và xã hội nói chung”.

Đáng báo động về cách dạy học dập khuôn, máy móc

Lý giải về việc điểm kiểm tra môn toán của HS lớp 9 Q.Thanh Xuân học kỳ 1 có hơn 70% kết quả dưới trung bình, phải kiểm tra lại, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân, cho rằng do cấu trúc đề có một số câu hỏi theo hướng mới, các trường chưa được tập huấn, làm quen nên kết quả bài làm của HS chưa hợp lý.
Bình luận về cách giải thích này, PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng: “Xảy ra điều ấy thì cần nhất là cải thiện quá trình dạy, chứ không phải “có đề thi minh họa” thì dạy sẽ khác”.
Một chuyên gia về đánh giá sau khi nghiên cứu đề kiểm tra môn toán trên đã cho rằng đề không khó đến mức 70% HS điểm dưới trung bình. Dù về mặt kỹ thuật, đề thi đại trà, đánh giá định kỳ như vậy là không ổn nhưng kết quả này cũng cho thấy việc dạy và học toán ở các nhà trường đang rất đáng báo động. HS chỉ quen làm toán theo dạng bài, cứng nhắc và dập khuôn, khi gặp dạng đề mới, câu hỏi không theo lối mòn là không làm được bài.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng cách thay đổi dạy học nhanh nhất, thông minh nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh người VN là thay đổi cách ra đề thi. Ông Thái cũng dẫn chứng về cách ra đề tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019 ở TP.HCM, thay vì ra đề theo một cách truyền thống... thì Sở GD-ĐT TP đã quyết định thay đổi, ra bài toán gắn liền với thực tế. Kết quả là năm đó HS làm bài không tốt vì chưa quen, nhưng hiệu ứng tích cực là sau đó các nhà trường lập tức chuyển sang dạy những bài toán có ứng dụng thực tế, việc đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực HS đã có chuyển biến.

Bộ GD-ĐT cần sớm công bố thay đổi về kiểm tra, đánh giá

Khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), điều đáng thất vọng nhất là Bộ GD-ĐT đã không công bố được việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử... sẽ ra sao để xã hội và các nhà trường yên tâm về một cuộc đổi mới đồng bộ giữa cách dạy học và cách đánh giá. Ngay tại các buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên cốt cán về chương trình mới, nhiều ý kiến cũng băn khoăn khi chương trình mới yêu cầu dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của HS nhưng nếu cứ áp dụng cách kiểm tra, đánh giá họ như hiện nay thì việc dạy học và đánh giá chưa khớp với nhau.
Trong khi đó, những hướng dẫn đổi mới của Bộ GD-ĐT về kiểm tra đánh giá gần đây rất chung chung, mới dừng ở mức hô hào, khuyến khích là chính. Trong văn bản hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2019 - 2020, Bộ GD-ĐT yêu cầu: tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Theo PGS Nguyễn Văn Khánh, nếu không thực hiện đánh giá quá trình một cách khoa học thì cũng không thể giúp người học hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực một cách tối ưu được. Chính vì những lý do này mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của HS.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên các môn học ở cấp THPT. Tuy nhiên, cái mà các nhà trường và xã hội mong đợi vẫn là một hướng dẫn cụ thể về cách thức kiểm tra, đánh giá, tính điểm, xếp loại học sinh ra sao... chứ không phải những hướng dẫn chung chung và “thí điểm” ở một cấp học kiểu như vậy.
PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng, từ năm 2014, ngành GD-ĐT đã chọn “tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về công tác kiểm tra, đánh giá” và từ những năm sau đó, các chỉ đạo giáo dục phổ thông xoay quanh “đổi mới đồng bộ phương pháp, kiểm tra đánh giá”. Lần này, chuẩn bị cho chương trình phổ thông 2018, chúng ta đang có cơ hội làm đúng, làm mới. Vì thế, rất hy vọng, sự đổi mới của chúng ta không bị lặp lại ở những việc tập huấn, bồi dưỡng cho “có” như trước.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây