Học sinh lớp 1 trải nghiệm quý giá nhờ... không học chữ trước

Thứ tư - 16/09/2020 07:23:38
Vào lớp 1 con mới bắt đầu tập viết những nét chữ đầu tiên trong khi các bạn trong lớp đều đã học chữ trước đó nên đêm nào con và vợ chồng tôi phải ‘vật vã’ tập viết, làm bài tập.
 
Học sinh lớp 1

Áp lực giúp con có cách sáng tạo riêng

Hôm trước có người mẹ gửi cho mình bài viết đang khá "hot" trên mạng xã hội "Không học trước, năm lớp 1 của con tôi thành cơn ác mộng" và hỏi "thế năm lớp 1 của con cô Nga ra sao vì nghe đâu cháu cũng không học chữ trước?". Mình đáp rất thật lòng "Có lúc ác mộng thật nhưng đi qua rồi nếu chọn lại mình vẫn không cho con đi học chữ trước". Vì sao? Vì trải nghiệm đi qua năm học đầu đời của con từ lúc mới biết viết nét chữ đầu tiên đến khi chép được nguyên một bài thơ thật là đáng giá.

Vợ chồng tôi có quan điểm về việc học của con khá rõ ràng: Con học như thế nào quan trọng hơn việc con học được gì. Vì vậy, trước lúc học lớp 1, mình dành cả mùa hè đọc cho con nghe những cuốn sách hay ho về trường học để nuôi dưỡng tinh thần háo hức được đi học cho thằng bé thay vì dạy chữ trước cho con.

Đến ngày đăng ký mình chọn trường tiểu học công lập gần nhà cho con đi học cùng với bạn thân của nó. Xong, và "ác mộng" cũng bắt đầu!

Trong lớp các bạn hầu như đã viết rất đẹp nhưng thằng bé thì mới bắt đầu bài tập viết với những nét chữ cơ bản đầu tiên: ngang, xiên, móc... nhưng mọi việc thật khó khăn. Mỗi tối cô giao bài tập về nhà 2 trang giấy, cả nhà đánh vật với nhau để hoàn thành.

Được 2 tuần cô gọi bố, mẹ vào "chỉnh đốn" việc học của con với cảnh báo "phải rèn thêm chứ con không theo kịp các bạn mất". Mỗi tối cả nhà lại cùng nhau viết chữ. Dù đã xác định tinh thần kỹ càng, động viên nhau con mình không cần theo kịp ai, nhưng có đôi lúc bố mẹ cũng nổi nóng với con vì thằng bé bắt đầu thấy chán nản với việc học chữ khi ngày nào cũng phải hoàn thiện mấy trang bài tập về nhà.

Một bữa, bài tập về nhà là chép lại một trang vần "ân", thằng bé nổi khùng phản đối: "Thật vô lý, chẳng có lý do gì mà bắt con viết đi viết lại mấy dòng vần "ân" như thế cả, con sẽ tự làm bài thơ "Cái cân" chứa nhiều vẫn "ân" nhất của con". Vậy là nó tự làm bài thơ của nó như sau:

"Trong khoảng sân nhỏ/ Có một cái cân/ Em leo lên đấy/ Kim nhích dần dần"!

Hoàn thiện bài thơ nó thỏa mãn ra mặt. Tất nhiên là nó chỉ dám chép vào vở nháp của nó, cuốn vở mà cô giáo sẽ không xem được vì sợ bị mắng. Và bài tập về nhà chép vần "ân" của nó hôm đó không hoàn thành như cô yêu cầu nhưng chúng tôi chấp nhận và khen ngợi sự sáng tạo của con.

Nếu con bạn không đi học chữ trước mà vào lớp 1 trường công thì đứa trẻ của bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ mục tiêu của các bạn cho con là gì: học để theo kịp các bạn, học để có điểm tốt, hay học để yêu thích, để có tư duy sáng tạo? 

Từ đó chúng tôi đổi chiến thuật để thằng bé tự học chữ theo cách của nó yêu thích, viết bất cứ thứ gì mà nó thích vào vở nháp. Nó viết công thức nấu ăn, viết thư cho một người nó yêu quý, viết một bài thơ nó nghĩ ra, viết thiệp chúc mừng sinh nhật bố... Thằng bé viết sai chính tả, chúng tôi lại sửa. Bài tập ở lớp thường bị phê là không hoàn thành, chữ viết của thằng bé cũng không được đẹp, chuẩn đúng ô ly như các bạn nhưng thằng bé vẫn yêu việc đọc sách và luôn hào hứng đọc cho mẹ nghe hay bàn luận về một bài thơ mới mà nó mới được học. Có hôm mới gặp mẹ ở cổng trường nó đã hào hứng khoe "hôm nay con nghe lỏm các anh chị lớp 2 đọc một bài thơ hay lắm, để con đọc cho mẹ nghe nhé".

Trải nghiệm đáng giá

Kết thúc học kì 1, thằng bé quả thực không theo kịp các bạn trong lớp thật. Và điều nguy hiểm là nó bắt đầu nói với bố mẹ "Con học ngu phải không mẹ? Con không làm được việc đó đâu, con ngu lắm....".

Nghe xong chúng tôi tá hỏa lo lắng vì suy nghĩ "mình yếu kém, mình ngu" bắt đầu hình thành trong đầu của con. Chúng tôi động viên con rất nhiều và xác định mình phải gỡ bỏ tâm lý cho chính mình đầu tiên để đồng hành cùng con chứ nhà trường thì không thể yêu cầu họ thay đổi được rồi. Chúng tôi tiếp tục động viên con học theo cách nó muốn.

Kết thúc năm học, thằng bé cũng được nhận giấy khen "có thành tích học vượt trội", thằng bé vui lắm ôm chồng vở về khoe với mẹ. Tối hôm đó tôi bảo con lấy cuốn vở của con ra và nói: "Chúng ta hãy lật cuốn vở này từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng để xem con trai mẹ từ ngày đầu tiên mới viết nét ngang mà đến cuối vở đã chép được một bài thơ dài thế này rồi nè, vậy là năm qua con đã rất cố gắng, và con thấy không chỉ cần con cố gắng ắt sẽ có thành quả".

Thằng bé nghe xong khuôn mặt rạng rỡ và gật đầu nói "đúng rồi, nếu mình chăm chỉ luyện tập mình sẽ làm được bất cứ việc gì phải không mẹ?”.

Với chúng tôi năm lớp 1 của con vậy là đã thành công. Con chúng tôi không cần học kịp các bạn, không cần học sinh giỏi, không cần đạt vở sạch chữ đẹp, con chỉ cần có được tư duy "nếu mình chăm chỉ, cố gắng mình sẽ làm được bất cứ việc gì mình muốn"! Tư duy đó nếu con biết chữ ngay trước khi vào lớp 1, việc học chữ diễn ra dễ dàng, không vấp phải những khó khăn liệu có thể có được không?

Nhiều bố mẹ lo sợ con không biết chữ sẽ không theo kịp các bạn, sinh ra tâm lý chán nản, việc học cả nhà sẽ gặp áp lực... Đúng rồi, nếu con bạn không đi học chữ trước mà vào lớp 1 trường công thì đứa trẻ của bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn nêu trên. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ mục tiêu của các bạn cho con là gì: học để theo kịp các bạn, học để có điểm tốt, hay học để yêu thích, để có tư duy sáng tạo?

Học chữ ở năm lớp 1 là một cột mốc mang tính thử thách chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn cuộc đời mà con đối mặt sau này. Con có thể được bố mẹ chuẩn bị thật kỹ để đi qua cột mốc đó dễ dàng cũng có thể tự mình vượt qua khó khăn để đi qua nó. Chọn cách nào cũng đúng cả, chỉ là bạn xác định mục tiêu nuôi dạy con của mình như thế nào mà thôi.

 
Theo Hà Ngọc Nga
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây