Học ĐH văn bằng 2 cần có điểm văn bằng 1 đạt loại giỏi?

Thứ năm - 23/01/2020 02:58:22
Người theo học ĐH văn bằng 2 các ngành sư phạm, sức khỏe thời gian tới có thể cần có điểm trung bình chung toàn khóa văn bằng 1 đạt loại giỏi.
 
VB2

Đây là 1 trong 3 tiêu chí ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 trình độ ĐH một số ngành sư phạm, sức khỏe được quy định tại dự thảo Quy chế tuyển sinh trình ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành đào tạo giáo viên mầm non năm 2020 vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến.

Văn bằng 2, liên thông cũng có 'sàn'

Dự thảo quy chế này còn quy đinh nhiều điểm mới về đào tạo cấp bằng 2 và đào tạo liên thông các ngành sức khỏe, sư phạm.
Cụ thể, tuyển sinh đào tạo cấp bằng thứ hai trình độ ĐH các ngành đào tạo giáo viên chỉ tuyển người đã có bằng tốt nghiệp trình độ ĐH trở lên. Riêng các ngành khối sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khỏe hoặc khối ngành tự nhiên. Người dự tuyển đào tạo cấp bằng CĐ thứ hai ngành giáo dục mầm non là người đã có bằng tốt nghiệp các ngành đào tạo giáo viên trình độ CĐ trở lên.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, dược học phải đạt một trong 3 tiêu chí sau: học lực lớp 12 đạt loại giỏi hoặc tốt nghiệp THPT loại giỏi hoặc điểm trung bình chung toàn khóa văn bằng 1 đạt loại giỏi.
Riêng các ngành (sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa) phải đạt một trong 3 tiêu chí sau: học lực lớp 12 đạt loại khá hoặc tốt nghiệp THPT loại khá hoặc điểm trung bình chung toàn khóa văn bằng 1 đạt loại khá trở lên.
Về tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ ĐH thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ. Riêng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, dược học phải đạt một trong 3 tiêu chí sau: học lực lớp 12 đạt loại giỏi; hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa THPT đạt từ 8 trở lên; hoặc tốt nghiệp THPT loại giỏi, hoặc tốt nghiệp trình độ CĐ hoặc TC đạt loại giỏi.
Các ngành (điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao) phải đạt một trong 3 tiêu chí. Cụ thể gồm: học lực lớp 12 đạt loại khá; hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa THPT đạt từ 6,5 trở lên; hoặc tốt nghiệp THPT loại khá hoặc tốt nghiệp trình độ CĐ hoặc TC đạt loại khá trở lên.

Nhiều điểm mới về 'sàn' sức khoẻ, sư phạm

Theo dự thảo này, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu (gọi tắt là "điểm sàn") vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ.
1. Đối với các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp thì "sàn" điểm thi quốc gia, điểm học bạ phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này. Các phương thức xét tuyển kết hợp này có thể giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT; hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT.
Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định.
Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ ĐH như sau: Các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, dược học tối thiểu là 8 trở lên. Các ngành (điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao) tối thiểu là 6,5 trở lên.
Ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng học bạ đối với các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu từ 5 trở lên. Điểm trung bình cộng học bạ THPT trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non tối thiểu là 6,5 trở lên.
2. Với các trường không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia vẫn phải đảm bảo ngưỡng tối thiểu với các ngành đặc thù. Tuy nhiên, so với quy định năm trước đó chỉ chấp nhận học sinh xét tuyển phương thức xét học bạ căn cứ trên xếp loại học lực lớp 12 thì dự thảo này bổ sung căn cứ điểm xét tốt nghiệp.
Cụ thể, với các ngành đào tạo giáo viên, trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên.
Riêng các ngành (sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao) xét học sinh có có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên. Ngành giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao xét tuyển các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.
Trình độ CĐ xét tuyển học sinh vào học ngành giáo dục mầm non có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp từ 6.5 trở lên.
Với các ngành các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp từ 8 trở lên vào các ngành: y khoa, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, dược học.
Xét tuyển học sinh tốt nghiệp có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên vào các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa.
Dự thảo quy chế cũng nêu rõ, các trường đào tạo sư phạm chỉ có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng (ngoài quy định chung) đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Ngoài ra, dự thảo quy chế tuyển sinh vừa công bố còn nêu nhiều điểm đáng chú ý về quy định với các trường tổ chức thi riêng, cách thức thí sinh đăng ký xét tuyển, các đối tượng thí sinh được hưởng ưu tiên khu vực và đối tượng...
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, sẽ có rất nhiều điểm mới trong tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2, liên thông các ngành sức khỏe và sư phạm thời gian tới.

 
Theo Hân Trân
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây