Hiệu trưởng ĐH: Hội đồng trường có được độc lập quyết định?

Thứ bảy - 16/11/2019 10:50:25
Hội đồng trường quyết định chức danh hiệu trưởng nhưng vẫn phải trong quy trình bổ nhiệm nhân sự mà quy trình này có thể có sự chi phối của các tổ chức Đảng, các quy định công chức viên chức…
 
Hiệu trưởng

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đã nêu thông tin trên tại hội thảo khoa học về tự chủ ĐH thời kỳ hội nhập do Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam, phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển phương đông, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức hôm nay 15.11.
Phải trong quy trình bổ nhiệm nhân sự

Tại hội thảo, một số ý kiến đã đặt ra băn khoăn trong việc tự chủ về nhân sự, trong đó có việc quy hoạch hiệu trưởng trường ĐH.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, theo luật trước đây nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hội đồng trường. Nhưng quy định hiện nay thì nhiệm kỳ của hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định trong nhiệm kỳ của hội đồng trường. Vì vậy không có quy định nhiệm kỳ hiệu trưởng là 1 năm, 2 năm hay 5 năm và hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định phù hợp với điều kiện thực tế.
Tuy nhiên, bà Phụng nói: "Theo tôi biết một trong những điều chúng ta đang mắc là về vấn đề nhân sự". Thông tin thêm về việc này, bà Phụng cho biết theo quy định, thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường ĐH, chức danh quản lý khác của trường trong quy trình bổ nhiệm nhân sự.
"Điều này nói rõ rằng mặc dù hội đồng trường quyết định chức danh hiệu trưởng nhưng vẫn phải trong quy trình bổ nhiệm nhân sự mà quy trình này có thể có sự chi phối của các tổ chức Đảng, các quy định công chức viên chức. Do vậy, quy trình quyết định hiệu trưởng hay nhân sự khác còn bị chi phối bởi một số cơ quan có thẩm quyền chứ không phải độc lập của hội đồng trường. Điều này đã được Quốc hội ban hành nên chúng ta phải tuân thủ", Vụ trưởng khẳng định.
Về vấn đề hội đồng trường, theo bà Phụng, Bộ GD-ĐT đã có các quy định hướng dẫn các cơ sở trực thuộc bộ này quy trình hoàn toàn tự chủ. Theo đó những chức danh nào hội đồng trường có quyền quyết định thì hội đồng trường thực hiện quy hoạch.
"Ví dụ khi trình lên nhân sự hiệu trưởng thì bộ chỉ xem có đúng tiêu chuẩn và quy trình không, nếu đúng thì bộ không can thiệp về mặt con người, con người do các quy trình ở dưới đưa lên và bộ chỉ công nhận theo đúng luật", bà Phụng nhấn mạnh.
Không ban hành nghị quyết riêng với 3 trường ĐH tự chủ 
Việc 3 trường ĐH được cho phép tự chủ ở mức độ cao hơn cũng được tiến sĩ Phụng giải đáp tại đây. Theo đó, từ năm 2018 Bộ GD-ĐT đã chủ động yêu cầu 3 trường (Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản của Bộ GD-ĐT.
Chính phủ đã có chủ trương cho một số trường tốt được tự chủ ở mức cao hơn. Đầu tiên Bộ GD-ĐT giao cho 3 trường ĐH làm đề án nhưng nội dung trường đưa vào thì đã có trong các luật khác nhau nên không ban hành nghị quyết riêng mà đưa vào Nghị quyết 39/2019 của Chính phủ. Theo nghị quyết này thì 3 trường này có mức tự chủ cao hơn trong đó có sử dụng nhân lực nước ngoài và độ tuổi của người quản lý.
Băn khoăn của đại biểu tham dự về thẩm quyền của hội đồng trường, theo bà Phụng, thẩm quyền này đã quy định rất rõ trong luật. Quốc hội không giao cho Chính phủ quy định về thẩm quyển của hội động trường. Do vậy, nếu luật quy định và giao quyền tự chủ đó cho hội đồng trường mà cơ quan chủ quản còn có quy định trái với quy định đó thì luật đã là văn bản quy định cao hơn. Văn bản của bộ chủ quản trong trường hợp này không thể phủ định văn bản cấp cao hơn.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, việc tiếp theo phải làm là khi sửa các luật khác như luật công chức viên chức thì cần tiếp nối tinh thần của luật giáo dục là có cơ chế tự chủ cho các trường công mà cơ quan chủ quản không chi phối hoặc không chi phối nhiều ảnh hưởng đến cơ chế tự chủ của các trường.

 
Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây