GV là tiến sĩ trở lên không cần chứng chỉ nghiệp vụ SP?

Thứ sáu - 17/05/2019 19:52:39
Theo dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) chuẩn bị được thông qua, giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên ở bậc ĐH sẽ không yêu cầu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
 
giangvienmoi

Vừa qua, dư luận bàn tán nhiều về việc nhiều giáo sư, tiến sĩ là giảng viên các trường ĐH phải đi học nghiệp vụ sư phạm (NVSP) để lấy chứng chỉ. Tuy nhiên, trong luật Giáo dục (sửa đổi) chuẩn bị được thông qua, giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên sẽ không bắt buộc phải có chứng chỉ này.

Học nghiệp vụ sư phạm là cần thiết

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, ủng hộ chuyện tất cả giảng viên đều phải học nghiệp vụ sư phạm (NVSP), không loại trừ cả các tiến sĩ, giáo sư.

Ông Vinh chỉ ra nhiều lý do cho việc này. Một là kỹ năng sư phạm nói chung và kỹ năng dạy học nói riêng có thể xem là một nghệ thuật... Có người bẩm sinh đã có năng khiếu sư phạm, có tài ăn nói cuốn hút, biết lắng nghe người đối thoại... Nhưng đa số những người khác muốn nói tự tin trước đám đông, ngoài việc có chuyên môn sâu thì không thể không có kỹ năng truyền thông khác để nâng cao hiệu quả.

Thứ hai, một giảng viên muốn lên lớp hiệu quả ngoài kiến thức chuyên môn rất cần nghiên cứu mục đích bài giảng muốn sinh viên mình học và làm được điều gì? Họ có thể liên hệ với các nội dung khác thế nào?, Vận dụng trong thực tiễn ra sao? Và gợi mở tìm tòi sâu hơn cho sinh viên... Như vậy, giảng viên phải chuẩn bị kỹ cho bài giảng: Nội dung nào sẽ trình bày? Vấn đề nào sẽ đặt ra? Thiết bị hay tài liệu nào dùng đến? Đối tượng sinh viên của anh là ai? Những thứ ấy không tiến sĩ nào được dạy.

Hiện tượng một cử nhân dạy học chỉn chu hay hơn một tiến sĩ hay một GS là có thật... Trong lý thuyết Phát triển nguồn nhân lực và Quản lý nguồn nhân lực, muốn làm một chương trình bồi dưỡng bao giờ cũng căn cứ từ mô tả việc để đánh giá sự thiếu hụt năng lực cần thiết "đánh giá nhu cầu" hay "phân tích nhu cầu”, từ đó mới có chương trình bồi dưỡng. Do chúng ta làm không bài bản ngay từ đầu từ việc thiết kế, thực hiện chương trình và đánh giá học viên nên bệnh chúng ta muốn trị là trị theo chứng mà không theo căn... 

“Từ thực tế dạy học và công tác thuộc ngành, cho thấy giảng viên ĐH của ta còn thiếu nhiều thứ để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình hoàn hảo. Nói lấy sinh viên làm trung tâm nhưng hành vi giảng dạy thể hiện thầy làm trung tâm thường xảy ra. Giao một việc cho một người mà chưa rõ anh ta có làm được hay không chả khác nào "giao xe ô tô cho trẻ trâu lái mà không cần bằng lái" như một GS của Mỹ đã nói...”, tiến sĩ Vinh cho biết.

Ông Vinh cho rằng ông dạy ĐH khoảng gần 20 năm nhưng phải nói điều tiếc nuối là giá mà ông được học và trải nghiệm kỹ năng sư phạm dạy cho người lớn tuổi thì hàng trăm sinh viên của ông ra trường sẽ hưởng lợi hơn.

Hệ quả từ quá khứ

Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, từ gần 20 năm trước ông có thắc mắc "tại sao dạy bậc phổ thông đòi hỏi người dạy phải tốt nghiệp ngành sư phạm mà dạy ĐH thì không đòi hỏi như vậy?". Sau này luật giáo dục 2005 (điều 77) quy định giảng viên ở trường ĐH phải có chứng chỉ NVSP là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên khi áp dụng quy định này thì gây ra nhiều tranh luận.
 

Ông Xê cho rằng theo luật Công chức thì mỗi người đều được xếp vào một ngạch cụ thể, trong đó có 3 ngạch có chữ "giảng viên": giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp. Luật Công chức quy định khi chuyển từ ngạch thấp lên ngạch cao hơn thì phải tham dự một kỳ thi. Từ trước đến nay khi xét một cán bộ vào ngạch giảng viên hoặc xét điều kiện để dự thi nâng ngạch giảng viên không yêu cầu người dự thi phải có chứng chỉ NVSP. Kết quả dẫn tới có tất nhiều cán bộ được bổ nhiệm vào ngạch giảng viên nhưng chưa tham dự khóa bồi dưỡng NVSP. Khi Bộ GD-ĐT thực hiện luật Giáo dục, chiếu theo điều 77 để rà soát chuẩn giảng viên thì phát hiện ra những người "đang là giảng viên", nhưng chưa đủ tiêu chuẩn làm giảng viên vì chưa có chứng chỉ NVSP nên yêu cầu những người này phải học bổ sung. Yêu cầu này đã gây ra nhiều tranh cãi trong cả tháng vừa qua.

Cũng theo ông Xê, Bộ GD-ĐT đã đề nghị điều chỉnh luật GD để giải quyết sự "tréo ngoe" trên bằng điều 73 trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) 2019 sẽ được trình QH xem xét trong kỳ họp sắp tới. Theo điều 73 thì "giảng viên đạt trình độ tiến sĩ thì có thể giảng dạy từ bậc thạc sĩ trở lên không yêu cầu phải tham dự khóa bồi dưỡng NVSP". Có không ít người thấy quy định như vậy chưa hợp lý đã lên tiếng phản đối. Riêng cá nhân tôi nhận thấy quy định trong điều 73, luật Giáo dục sửa đổi 2019 là hợp lý".
Cũng theo ông Xê, muốn đánh giá điều này phải so sánh "mục đích của khóa bồi dưỡng NVSP với những gì người học tiếp thu được liên quan đến kỹ năng giảng dạy khi học từ bậc thạc sĩ lên tiến sĩ". Để có được kỹ năng nào đó thì phải "rèn luyện" chứ không phải chỉ có "học". Kỹ năng sư phạm cũng không ngoại lệ. Không lẽ trong thời gian học trên 6 năm (từ ĐH đến tiến sĩ) người học không tích lũy đủ kỹ năng để giảng dạy sao? Ngoài ra, muốn dạy tốt môn nào thì phải nắm vững kiến thức của môn đó, kỹ năng giảng dạy chỉ là phương tiện để truyền đạt kiến thức. Kỹ năng này sẽ được tích lũy dần theo thời gian trong quá trình giảng dạy chứ không phải chỉ khi học khóa bồi dưỡng NVSP mới có được.
Tuy nhiên, một số giảng viên, chuyên viên cho rằng hiện nay muốn bổ nhiệm ngạch giảng viên thì phải có chứng chỉ Giáo dục học đại học. Chứng chỉ này có nhiều điểm tương đương chứng chỉ về NVSP vì trong đó cũng học các môn lý luận dạy học, phương pháp giảng dạy... Ở nhiều trường, không có chứng chỉ Giáo dục học đại học thì chưa đủ tiêu chuẩn để được tuyển dụng ngạch giảng viên. Vì vậy, Bộ chỉ cần ra văn bản công nhận tương đương việc học Giáo dục học đại học trước đây với học NVSP hiện nay, không cần phải đề nghị sửa luật. Việc này cũng là chuyện bình thường nằm trong thẩm quyền của Bộ.

 

Theo Hà Ánh 
Thanh niên

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây