Giảng viên có cần 10 m2 để làm việc?

Thứ năm - 03/10/2019 09:10:34
Quy định mỗi giảng viên cần có 10 m2 để làm việc trong dự thảo được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến đang gây tranh cãi. Vấn đề đặt ra là quy định này có thực sự cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế VN?
 
Giảng viên
 
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo lần 1 về Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Nhiều trường ĐH “không đồng tình”

Theo đó, đáng chú ý nhất trong dự thảo này là định mức, tiêu chuẩn diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên. Cụ thể, mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 24 m2, mỗi phó giáo sư là 18 m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10 m2. Bên cạnh đó, cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng. Quy định này áp dụng đối với các cơ sở đào tạo ĐH và cả trường CĐ, TC có đào tạo nhóm ngành giáo viên. Các quy định tiêu chuẩn, định mức theo dự thảo sẽ áp dụng với các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp sau ngày thông tư chính thức có hiệu lực.
Trước dự thảo này, đại diện một số trường ĐH bày tỏ sự không đồng tình. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nói: “ĐH thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, không nên quy định theo kiểu 1.0 và cuối cùng nếu áp dụng thì phí đổ lên đầu sinh viên. Phòng hiệu trưởng của trường tôi hiện chỉ có 10 m2!”. Cũng theo ông Tùng, dù quy định chỉ áp dụng cho dự án mới nhưng trên quan điểm chất lượng điều này là không hợp lý vì chất lượng phải áp dụng cho cả trường cũ. Chưa kể quy định này sẽ vi phạm luật cạnh tranh vì cản trở các đối tác đầu tư mới tham gia thị trường giáo dục.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ý kiến: "Đây là tư duy cũ vẫn còn trong thời đại mới. Không cần giảng đường, không cần lớp học kiểu cũ. Thầy giáo giao tiếp online với sinh viên nên không cần phòng làm việc. Sinh viên cần những phòng nhỏ 3 - 5 nhóm, có wifi mạnh, có LED TV để trao đổi nhóm, có thiết bị để làm projects...".
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cũng thừa nhận: “Quy định như vậy thì cả nước chỉ một vài trường có thể đáp ứng được. Diện tích đất các trường hiện đang ưu tiên cho phòng học của sinh viên, còn giảng viên mới chỉ bố trí được phòng làm việc chung tại khoa hoặc khu vực nghỉ trưa chung”.

Không phù hợp với thực tế?

Trong khi đó, từ góc nhìn các giảng viên, quy định này được đánh giá là tín hiệu vui nhưng cho rằng không phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Giáo sư một trường ĐH tại TP.HCM nói: “Không gian làm việc riêng là nhu cầu thiết yếu với giảng viên. Ngoài việc lên lớp để làm nhiệm vụ giảng dạy, không gian này là nơi để giảng viên tập trung nghiên cứu, tìm tài liệu, viết báo... Chẳng hạn, với phòng làm việc 15 người chung một phòng tại khoa như hiện nay, trong khi giảng viên khác tiếp sinh viên thì giảng viên này rất khó để tập trung viết bài”. Giáo sư này thông tin thêm, nhiều trường ĐH nước ngoài, việc mỗi giảng viên có phòng làm việc riêng (bên cạnh phòng sinh hoạt chung) là bình thường. Thậm chí cả nghiên cứu sinh cũng có thể được xếp phòng riêng hoặc phòng có vách ngăn để làm việc theo nhóm. “Vì vậy, với những khuôn viên ĐH mới cần được thực hiện theo quy định này”, giáo sư này đề xuất.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thạc sĩ Lưu Minh Sang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, cũng nói: “Giảng viên cần không gian làm việc để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu. Nghiên cứu là hoạt động mang tính đặc thù nên cũng cần gắn với không gian làm việc đặc thù, nghiêm túc”. Theo thạc sĩ Sang, trong các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế đều có tiêu chí về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên. Chính vì vậy, yêu cầu về diện tích làm việc tối thiểu dành cho giảng viên là hợp lý và cấp thiết. Tất nhiên quy định này cần có lộ trình để các trường kịp đáp ứng.
Theo ông K., giảng viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, quy định này nếu được thực thi thì giảng viên sẽ rất vui mừng. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp trong điều kiện hiện tại khi mà cơ sở vật chất các trường đang còn nhiều yếu kém. “Thay vì mỗi giảng viên có phòng làm việc riêng, trước mắt chỉ cần có chỗ nghỉ trưa thoải mái, nhà vệ sinh thật sạch sẽ. Những ngày dạy từ sáng qua chiều thì nơi nghỉ trưa là cần thiết. Nhưng hiện thầy cô nhiều trường cho biết chỉ xếp ghế bố nằm chung phòng cũng chưa đủ chỗ”, giảng viên này mong muốn.
Ông K. cho biết thực tế hiện nay không ít giảng viên chưa có bàn làm việc riêng. Nơi sinh hoạt chủ yếu của họ là văn phòng khoa nhưng có những khoa lên tới 40 - 60 giảng viên nên chỉ khi có việc hoặc họp hành mới có mặt. “Nhìn chung trên địa bàn TP.HCM, hầu hết các trường ĐH đều phải sử dụng cùng lúc nhiều cơ sở để phục vụ giảng dạy, có những trường có tới hơn 10 cơ sở riêng lẻ khắp các quận huyện. Khi đó, quy định 10 m2 diện tích dành cho làm việc và 3 m2 diện tích cho nghỉ trưa với mỗi giảng viên là điều không thể thực hiện được với các trường...”, ông K. nói.
Vì thế, theo giảng viên này, có thể tính 10 m2 diện tích làm việc cho giảng viên bao gồm bàn làm việc riêng tại khoa, các phòng làm việc theo không gian chung dành cho giảng viên hoặc tại các thư viện.

 
Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây