Để chọn ngành công nghiệp bán dẫn trường nào đào tạo?

Chủ nhật - 14/01/2024 11:05:13


Khi chọn ngành học nên tham khảo các yếu tố nào? Trường nào đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn? Môn ngoại ngữ không bắt buộc, liệu cơ hội xét tuyển có giảm?...

dựa vào đâu


Nhiều băn khoăn của học sinh Thanh Hóa đã được các thầy cô tận tình giải đáp trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 14-1 ở địa phương này.

Bốn yếu tố chọn ngành học

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương, đưa ra 4 yếu tố để thí sinh và các bậc phụ huynh tham vấn khi chọn ngành học. Đầu tiên, cần căn cứ vào năng lực, cụ thể là năng lực thể hiện trong việc học tập ở phổ thông và các năng lực tích lũy.

Tiếp theo là cần tìm hiểu và ưu tiên lựa chọn những ngành, nghề mà các em yêu thích, hoặc thấy phù hợp với sở trường của mình.

Thứ ba là cần nắm bắt thông tin về thị trường lao động trong khoảng thời gian 4-5 năm tới sau khi sinh viên ra trường và thứ tư là mức thu nhập ngắn hạn và dài hạn của các ngành, nghề.

Theo các chuyên gia tư vấn, tùy theo ưu tiên của mình với yếu tố nào, thí sinh có thể sắp xếp thứ tự để lập một danh mục ngành nghề, lĩnh vực ngành nghề thí sinh dự định đăng ký xét tuyển. Ví dụ có thí sinh ưu tiên những ngành nghề mình yêu thích hơn, nhưng có thí sinh ưu tiên yếu tố "dễ kiếm việc" hoặc "việc có thu nhập tốt" lên đầu.

Sau khi có danh mục các ngành, thí sinh có thể tìm hiểu các ngành đó nơi nào đào tạo. Mỗi trường sẽ có những điểm riêng, thế mạnh để các bạn lựa chọn. Ví dụ có trường nghiêng về nghiên cứu, có trường nghiêng về thực hành, ứng dụng. Có trường có thế mạnh trong việc phát triển thêm các kỹ năng mềm trong quá trình học tập…

Từ năm 2025, môn ngoại ngữ không bắt buộc, liệu cơ hội xét tuyển có giảm?

Trả lời câu hỏi này của một học sinh lớp 11, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội, chia sẻ: Năm nay, ngoại ngữ vẫn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và sẽ là năm cuối cùng nó là môn thi bắt buộc. 

Từ năm 2025, môn ngoại ngữ thuộc nhóm môn tự chọn. Việc này hợp lý hơn vì với những học sinh không có sở trường là ngoại ngữ và cũng không cần sử dụng sau khi tốt nghiệp thì không cần chọn thi. 

Nhưng hiện tại các trường đại học đều có quy định về trình độ ngoại ngữ trong chuẩn đầu ra. Vì thế nếu các em xác định sẽ học đại học, dù học ở trường nào, ngành nào các em cũng cần học tốt ngoại ngữ. Không vì nó không phải môn thi bắt buộc mà ta có thể bỏ nó nếu các em xác định sẽ tiếp tục học đại học sau khi tốt nghiệp THPT.

Các chuyên gia của ban tư vấn cũng cho rằng trong đề án tuyển sinh của các trường năm nay và cả từ năm 2025, chắc chắn sẽ vẫn sử dụng các tổ hợp có ngoại ngữ.

Những trường nào đào tạo ngành bán dẫn?

Liên quan tới câu hỏi này, PGS.TS Vũ Duy Hải, trưởng ban tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết từ năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số cơ sở đại học thuộc nhóm kỹ thuật công nghệ sẽ mở đào tạo ngành chip bán dẫn. 

Thầy Hải cũng cho biết sau khi Nhà nước có chủ trương, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh lực công nghiệp chip bán dẫn đã vào Việt Nam. Theo đó, nhu cầu nhân lực trong tương lai gần sẽ nhiều. Nếu yêu thích, quan tâm, các em có thể tìm hiểu kỹ và nắm thông tin tuyển sinh ngành này trên website của các trường để đón trước nhu cầu nhân lực.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng những học sinh đang học tốt các môn học ở tổ hợp toán, lý, hóa hay toán, lý, tiếng Anh thì thuận tiện khi muốn đăng ký xét tuyển vào ngành đào tạo công nghiệp bán dẫn.

Muốn đi du học, chuẩn bị những gì?

Với câu hỏi này, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết có ba điểm quan trọng. Thứ nhất là trình độ ngoại ngữ phù hợp với nước mình dự kiến du học. Thứ hai là trình độ văn hóa (theo chương trình phổ thông). Thứ ba, dịch vụ cung cấp thông tin du học hiện nay rất nhiều và đa dạng nên học sinh và các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ để tìm một ngành đào tạo phù hợp với sở trường, mong muốn nhưng cũng phù hợp với điều kiện tài chính của mình.

Có một số học sinh muốn đi du học nên chỉ lựa chọn trường, quốc gia sẽ đến và tài chính nhưng lại ít quan tâm đến sự phù hợp của mình với ngành đào tạo. Do ít thông tin và không tìm hiểu kỹ nên nhiều em sau khi du học nửa chặng đường mới thấy mình không hợp với ngành học, phải chọn lại, hoặc có em sau khi du học xong lại về Việt Nam học một ngành khác mà mình thấy phù hợp hơn. 

Để tiết kiệm thời gian, tài chính, các chuyên gia khuyên học sinh du học tìm hiểu kỹ thông tin để chọn nghề cho hợp.

Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, hiện các cơ sở đại học có các chương trình học chuyển tiếp ở cả Việt Nam và trường đại học đối tác ở nước ngoài. Việc này thuận lợi hơn cho nhiều sinh viên không có điều kiện du học, vì sinh viên vẫn có khoảng thời gian học tập ở nước ngoài. Thậm chí có sinh viên trong giai đoạn học chuyển tiếp còn tìm kiếm được cả cơ hội công việc ở các nước.

Để hỗ trợ các bạn học sinh tìm hiểu về du học, tại các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức có sự tham gia của các cơ sở tư vấn du học để trực tiếp cung cấp thông tin cho học sinh quan tâm.

 

Theo Vĩnh Hà
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây