Đào tạo kỹ sư tương đương trình độ thạc sĩ

Chủ nhật - 28/06/2020 13:02:45
Ngày 27.6, tại Đà Nẵng, lần đầu tiên 7 trường ĐH khối kỹ thuật cùng ký kết thống nhất phát triển chương trình đào tạo kỹ sư, nâng chuẩn đào tạo kỹ sư Việt Nam phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
 
thạc sĩ

*  Được cấp bằng cử nhân và kỹ sư cùng một ngành học
Chương trình đào tạo kỹ sư có sự tham gia của 7 trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Đà Nẵng, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thủy lợi và Mỏ - Địa chất.

Chuẩn kỹ sư bậc 7 theo khung trình độ quốc gia Việt Nam

PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ lý do các trường ĐH khối kỹ thuật phải cùng ngồi lại xây dựng khung chương trình chuẩn trong đào tạo, kỹ sư, đó là nâng chuẩn đào tạo kỹ sư Việt Nam lên với trình độ chuyên môn hóa.

“Trước nay, khi học các trường khối kỹ thuật thì nghiễm nhiên khi ra trường sẽ được cấp bằng kỹ sư. Và thực tế chất lượng bằng kỹ sư ở các trường cũng có sự khác biệt. Hiện nay, luật Giáo dục ĐH được điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là các trường ĐH sẽ cấp bằng cử nhân (kể cả các trường khối kỹ thuật), thì các chương trình đào tạo kỹ sư cũng phải được cân đối, nâng chuẩn đào tạo”, PGS-TS Mai Thanh Phong nói.

Để làm được điều này, nhóm các khối ngành kỹ thuật đã cùng nhau thống nhất khung chương trình đào tạo kỹ sư Việt Nam như nâng số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.

Cụ thể, các chương trình đào tạo kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo người học tốt nghiệp tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo khung trình độ quốc gia Việt Nam. Các sinh viên khối ngành kỹ thuật sẽ phải đảm bảo khối lượng kiến thức toàn khóa tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hóa. Người tốt nghiệp có thể cân nhắc chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ.

“Chương trình đào tạo theo khung chuẩn mới sẽ không chỉ dừng lại ở việc tăng khối lượng kiến thức lên 180 tín chỉ, mà trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được đào tạo những kỹ năng chuyên sâu gắn với thực tiễn nền công nghiệp. Các cơ sở thực hành, thí nghiệm của các đơn vị đào tạo cũng phải cải tiến theo sự thay đổi của nền công nghiệp 4.0”, PGS-TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chia sẻ thêm.

Linh động lựa chọn mô hình đào tạo

Cùng với khung chương trình đào tạo kỹ sư được ký kết, các chương trình đào tạo cũng sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính. Đó là mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp cử nhân - kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng cử nhân và kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khóa được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm).

Mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng cử nhân và kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.

Theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, “Thông qua chương trình đào tạo như thế này thì người học sẽ có sự lựa chọn đa dạng hơn. Hoặc lựa chọn chương trình cử nhân với khối lượng kiến thức từ 120 - 132 tín chỉ và tốt nghiệp trong khoảng thời gian từ 3,5 - 4 năm. Mặt khác, sinh viên cũng có thể lựa chọn đào tạo kỹ sư với thời gian tốt nghiệp từ 5 - 5,5 năm để có tấm bằng chuyên nghiệp, có thể đưa vào thực tiễn ngay, thậm chí có lựa chọn chương trình thạc sĩ với thời lượng và khối lượng kiến thức tương đương”.

Tại buổi ký kết khung chương trình đào tạo chung, đại diện 7 trường khối kỹ thuật cho biết lộ trình thực hiện chương trình sẽ nằm trong giai đoạn 2020 - 2021. Tuy nhiên, thực tế các chương tình đào tạo cho thấy có nhiều đơn vị sẽ triển khai khung chuẩn đào tạo kỹ sư ngay từ đầu năm học tới.

 
Theo An Dy
Thanh niên



 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây