Đại học sẽ tự chủ ở mức cao nhất

Thứ ba - 07/01/2020 09:11:52
Hôm qua (6.1), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99 hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GD ĐH. 
 
tự chủ

Trước khi diễn ra hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT đã chia sẻ một số nội dung còn gây băn khoăn trong dư luận.

Tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự

Thưa bà, một số ý kiến cho rằng Nghị định 99 đã “cởi trói” khá nhiều song một số hoạt động của trường ĐH vẫn phải chịu sự kiểm soát của cơ quan chủ quản. Chẳng hạn, trong điều kiện chuyển trường ĐH thành ĐH thì phải “có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập”. Bà nghĩ sao?
Trường tự chủ hay không tự chủ, trường công hay trường tư thì người sở hữu/đại diện cho quyền sở hữu trường vẫn phải có tiếng nói đối với sự phát triển của nhà trường. Ở quy định này, ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp có tính chất đại diện cho người sở hữu trường, giống như nhà đầu tư, để có định hướng đầu tư phát triển trường theo hướng nào chứ không nên hiểu ở góc độ là cơ quan quản lý trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của trường. Với vai trò đại diện cho quyền sở hữu nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản công tại các cơ sở GD ĐH công lập như hiện nay thì không thể phủ nhận vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp trong việc đầu tư, phát triển trường từ trường ĐH thành ĐH.

Nghị định số 99/2019 đã hướng dẫn chi tiết những vấn đề mà Luật số 34 quy định Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, đặc biệt là thực hiện chủ trương mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GD ĐH. Những nội dung hướng dẫn chi tiết về quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các trường ĐH đã được thể hiện khá rõ trong nghị định. Những vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính, các trường thực hiện theo những quy định chung của Luật số 34, nghị định này và các quy định hiện hành. Nghị định 99/2019 cũng mở rộng quy định cho cơ sở GD ĐH công lập có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương, phụ cấp từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các nghị định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, quyền tự chủ của các cơ sở GD ĐH công lập sẽ được quy định đồng bộ.

Tổ chức kiểm định công bố danh sách ĐH nghiên cứu

Xin bà cho biết cơ sở nào để Bộ GD-ĐT đưa ra các con số công nhận một trường ĐH nghiên cứu?
Để xác định các tiêu chí, con số cụ thể của cơ sở GD ĐH định hướng nghiên cứu phải tham khảo các chuyên gia hiểu biết sâu sắc về mô hình này, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực, các tiêu chí của các bảng xếp hạng mà phần lớn các ĐH nghiên cứu tham gia, tỷ lệ ĐH nghiên cứu trong hệ thống GD ĐH của một số nước... Đào tạo sau ĐH và công bố quốc tế là những chỉ số quan trọng để phân biệt ĐH nghiên cứu với các ĐH khác nhưng đó chỉ là 2 trong số 6 tiêu chí góp phần làm nên ĐH nghiên cứu.
Trên cơ sở các tiêu chí chung để xác định cơ sở GD ĐH định hướng nghiên cứu, đối chiếu với thực tế hệ thống GD ĐH, tốc độ phát triển của các cơ sở GD ĐH ở Việt Nam theo các tiêu chí của ĐH nghiên cứu... để xây dựng các kịch bản phù hợp, đánh giá tác động của mỗi kịch bản để xác định các tiêu chí/điều kiện cụ thể trong nghị định sao cho vừa phải đảm bảo tính hợp lý, khả thi ở Việt Nam vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Nếu so với các ĐH nghiên cứu của thế giới thì ta chưa so được, chẳng hạn như số lượng bài báo công bố. Nên các con số đưa ra là để phù hợp với mức độ thực tế mà các trường trong nước có thể đạt được.
Việc kiểm tra các điều kiện, tiêu chí nói chung và công bố quốc tế cơ sở GD ĐH định hướng nghiên cứu thuộc thẩm quyền của tổ chức kiểm định chất lượng GD ĐH. Theo đề nghị của cơ sở GD ĐH, các tổ chức kiểm định này sẽ công bố danh sách các cơ sở GD ĐH đạt tiêu chuẩn định hướng nghiên cứu trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng GD ĐH.

Vì sao cần trường ĐH thành ĐH ?
Theo Nghị định 99, một trong số các điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH là “có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập” và “có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 sinh viên”.
Bà Phụng cho biết: Có ý kiến cho rằng không cần phải có 15.000 sinh viên, vì có những trường chỉ 2.000 - 3.000 nhưng vẫn là trường tốt. Cho nên, cần phải hiểu rằng, ĐH hay trường ĐH cũng chưa nói lên chất lượng đào tạo. ĐH khác với trường ĐH ở chỗ ĐH là một cơ sở đào tạo lớn mạnh, đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực, để giải quyết những vấn đề của nền kinh tế, xã hội của vùng, miền, quốc gia... đang đặt ra.
Ở một góc độ khác, để giáo dục ĐH Việt Nam xuất hiện trên bản đồ giáo dục ĐH thế giới thì nên bắt đầu từ những cơ sở đào tạo ĐH lớn, như các ĐH quốc gia, hay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội... Có những trường chất lượng đào tạo rất tốt, như Trường ĐH Y Hà Nội, dù có thể tỷ lệ công bố quốc tế uy tín tính theo đầu giảng viên cũng không kém một số trường lớn, nhưng không lọt được vào các bảng xếp hạng, là bởi quy mô nhỏ, so với các trường đa ngành quốc tế thì như một chấm bé nhỏ.
Nâng cấp nhiều trường ĐH lên thành một ĐH trước hết là để tạo ra cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực, giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành/lĩnh vực, từ đó mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy, không phải chuyển thành ĐH mà thay đổi ngay chất lượng đào tạo; cũng không phải những trường đơn ngành là những trường chất lượng không tốt.

Theo Quý Hiên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây