Chọn sách giáo khoa, ai biết "ma ăn cỗ lúc nào?"

Thứ hai - 02/03/2020 07:46:58
Sẽ vô cùng khó vì nhiều thầy cô giáo trong ngành giáo dục luôn sống cam chịu, đề cao cách sống “dĩ hòa vi quý” và tuyệt đối phục tùng sự chỉ đạo của cấp trên.
 
giáo khoa

Thời gian này, các trường lựa chọn sách giáo khoa, có không ít câu hỏi thắc mắc: “Có sự định hướng trong việc chọn sách giáo khoa không?”;

“Mình bỏ công sức nghiên cứu, nghiền ngẫm thế này để chọn lựa nhưng rốt cuộc có được chấp nhận không?”.

Cũng chẳng bất ngờ khi hàng loạt ý kiến được đưa ra: “Tổ chức lựa chọn để mang tính dân chủ thôi chứ ai biết ma ăn cỗ lúc nào?”;

“Tổ chức bình chọn kiểu này tránh sao việc không định hướng?”; “Mà nếu có định hướng cũng chẳng ai biết được, chẳng có bằng chứng nào để nói”…

Vì sao giáo viên lại luôn nghi ngờ tính minh bạch? Vì sao lại chẳng ai tin tưởng vào ngành giáo dục đang trao vào tay nhiều giáo viên cái quyền được chọn lựa bộ sách tốt nhất cho chính học sinh của mình?

Cả huyện, cả thị hoặc cả tỉnh chọn một bộ sách
 

Hiện có nhiều địa phương đã tổ chức xong việc lựa chọn sách thế nhưng chính giáo viên cũng chẳng thể biết được sang năm học sinh mình sẽ học bộ sách nào?

Bởi, cả huyện sẽ thống nhất chọn để dùng chung một bộ sách cho tiện việc tập huấn và tạo điều kiện cho việc mua sách của phụ huynh.

Vì thế, dù từng trường đã tổ chức lựa chọn xong, tên bộ sách cũng đã được gút lại ghi vào biên bản. Thế nhưng, tất cả các biên bản của vài chục trường học trong huyện sẽ được tổng hợp về phòng giáo dục.

Được biết, phòng giáo dục sẽ tổ chức một hội đồng chọn sách để chọn ra bộ sách được nhiều trường học lựa chọn nhất và bộ sách ấy sẽ trở thành bộ sách chung cho cả huyện học trong năm tới.

Tránh sao khỏi việc không định hướng? Ai biết “Ma ăn cỗ lúc nào?”

Việc chọn một bộ sách chung cho cả huyện lúc này sẽ phụ thuộc toàn bộ vào sự lựa chọn của phòng giáo dục. Bởi thế, nhiều người nói đùa: “Biết ma ăn cỗ lúc nào?”.

Nếu như người đứng đầu đã kết bộ sách A thì khi phân tích ý kiến bình chọn của các trường, người đứng đầu sẽ nhấn mạnh vào những ưu điểm của bộ sách A để ngầm thông báo và hướng các ý kiến của hội đồng vào bộ sách ấy.

Biên bản sẽ được lập ngay trong cuộc họp ấy một cách hợp pháp. Ý kiến bình chọn của các trường lúc ấy sẽ trở thành những góp ý mang tính tham khảo mà thôi.

Chọn sách theo định hướng có lợi gì?
 

Cái lợi lớn nhất dành cho người đứng đầu ngành giáo dục địa phương ấy là món hoa hồng khổng lồ.

Cái lợi cho các trường khi đồng ý chọn bộ sách theo định hướng sẽ không bị làm khó về mọi mặt.

Chỉ có học sinh, giáo viên là chịu thiệt thòi khi thầy cô phải dạy một bộ sách không phù hợp với học sinh mình, khi các em phải học bộ sách quá tải so với năng lực.

Không chọn sách theo định hướng có được không?

Sẽ vô cùng khó khi nhiều thầy cô giáo trong ngành giáo dục luôn sống cam chịu, đề cao cách sống “dĩ hòa vi quý” nên tuyệt đối phục tùng sự chỉ đạo của cấp trên.

Chỉ một ý kiến trái chiều cũng sẽ bị quy kết vào việc “không chấp hành sự chỉ đạo…”, là “cứng đầu”…

Vì thế, mọi sự chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người đứng đầu. Nếu vì học sinh, vì sự học của địa phương họ sẽ làm đúng quy định và ngược lại.

Theo Trúc Mai
Giaoduc.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây