Chấm dứt méo mó trong giáo dục

Thứ năm - 23/05/2019 20:14:02

'Bây giờ cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn; cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương...'. Các phát biểu trên cho thấy hiện trạng méo mó, bất thường trong giáo dục.

gianlan
 

Những hành vi sai phạm và tội phạm bị phát hiện tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình trong kỳ thi THPT tuy rất đau lòng, gây bất bình trong xã hội, nhưng nó cũng có ý nghĩa thiết thực với các nhà lập pháp khi dự án Luật giáo dục (sửa đổi) được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội, với những âu lo trước giờ "bấm nút".

"Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong vụ việc trên cũng cần phải suy xét đến tận cùng gốc rễ của vấn đề. Sai của người lớn từ trong gia đình đến xã hội không chỉ gây hệ lụy quá lớn cho giáo dục mà còn góp phần nhào nặn nên nhân cách của con em mình, sẽ đau xót và thậm chí phẫn nộ khi nhắc lại vấn đề này" - đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bức xúc.

Đại biểu Trọng Nhân cho rằng để nảy sinh những vấn đề bức xúc trong môi trường giáo dục thời gian qua, sẽ rất bất công nếu đổ hết lỗi cho nhà trường. Những bậc làm cha mẹ có trách nhiệm tạo điều kiện cho con em hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc theo quy định, thì một số (đặc biệt là một số bậc cha mẹ có quyền thế, địa vị) "lại đi theo một cách thức phi giáo dục".

"Nếu học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp thì con em chúng ta sẽ ảo tưởng về năng lực của mình và rồi tương lai xã hội sẽ ra sao?". Câu hỏi này được đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu giữa phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội).

Giọng ông chùng xuống như tự trách mình: "Liệu chúng ta có đổ lỗi mãi cho mặt trái của cơ chế thị trường được không, có đổ lỗi mãi cho vấn đề của mạng xã hội không, mà chúng ta lại không thấy phương pháp, nhận thức của chúng ta về giáo dục?".

Thế hệ ông Phương những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn nhưng học hành nghiêm túc.

"Ở lớp lưu ban là chuyện bình thường, có bạn lưu ban 2, 3 năm, tốt nghiệp cấp II, cấp III tỉ lệ thấp là chuyện bình thường. Trường tôi năm 1977 chỉ có 40% đỗ tốt nghiệp và nhiều trường cũng chỉ 60%, 70%, cao là 80% đỗ tốt nghiệp, mọi chuyện vẫn bình thường" - ông nói.

"Vậy bây giờ cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc đánh giá không cần dùng điểm; cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội" - ông Phương tỏ bày.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nêu đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu để xét tốt nghiệp, chứ thi mà năm nào cũng gần 100% học sinh tốt nghiệp thì lãng phí thời gian, tiền của.

Các phát biểu nêu trên đã cho thấy hiện trạng méo mó, bất thường. Vấn đề đặt ra là, rất khó để "hiệu chỉnh" sự méo mó ấy chỉ bằng Luật giáo dục, dẫu đạo luật ấy có được sửa đổi đến cỡ nào.

Cũng giống như tình trạng không ít các đạo luật khác, vấn đề hiệu quả lại chính là ở khâu thực thi. Các quy định trong dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội ngày 21-5 đã được "dày công", vì thế đã tiệm cận với xu thế quốc tế, tạo nền tảng cho vận hành một nền giáo dục hiện đại.

Nhưng mục tiêu đổi mới "căn bản, toàn diện" nền giáo dục chỉ thành công khi các quy định được thực thi quyết liệt, nghiêm minh, với sự trong sáng và công tâm của những người có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, cùng với các bậc phụ huynh, thầy cô và học trò. 
 

Theo Lê Kiên 
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây