Cậu bé 10 tuổi sống cô độc giữa rừng

Thứ tư - 27/11/2019 12:34:35
Một ngày giữa tháng 11, cậu bé Đặng Văn Khuyên (SN 2009, quê ở Tuyên Quang) đang ngồi trong lớp học bỗng nghe tin dữ từ người bác ruột: Bố em qua đời sau một tai nạn ở biên giới Lạng Sơn. Cậu không khóc, chỉ cúi gằm mặt. Tay cậu nắm chặt, người run lên, rồi lặng lẽ xin cô giáo cho vắng mặt 3 ngày.
 
Cậu bé 10
 

Cậu cảm thấy nhớ bố da diết, dù gương mặt bố không còn rõ ràng trong tâm trí. 12 tiếng đồng hồ chờ thi hài bố về, cậu vẫn hy vọng rằng được nghe thấy lời bố dặn dò. Nhưng cậu không còn cơ hội.

Đón bố về, Khuyên không dám nhìn, chỉ im lặng ôm di ảnh đứng từ sáng đến tối, không khóc, không ăn uống. Ai hỏi han, cậu cũng cố gượng, ra vẻ ổn.
 

Kể từ ngày bố mất, gần như sáng nào Khuyên cũng dậy sớm. Cậu trầm lặng nhìn di ảnh của bố đằng sau bát hương. Trong căn nhà sàn lạnh toát, chỗ nào cũng thủng, Khuyên nhè nhẹ chân đi bới cơm vì sợ mình lọt xuống đất, rồi vác xẻng lên đồi đào sắn.

Một năm qua Khuyên sống một mình như vậy ở thôn Phúc Long 1, xã Thành Long, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Bà nội tuổi 75 tuổi đi lấy chồng cách nhà 60 km, bố đi làm cách nhà 200 km, nhiều năm không gặp. Mỗi khi đi học về, Khuyên thẫn thờ nhìn ra những dãy đồi. Bạn học đến chơi, Khuyên lấy tay dụi mắt rồi giả vờ cười.

Năm 2018, bà nội đi lấy chồng, đêm nào Khuyên cũng khóc. Cứ thế 3 tháng liên tục, người bác của em, ở gần nhà, phải đến trông chừng. Bác kêu Khuyên về ở chung, nhưng em không đồng ý vì cảm thấy không thoải mái. "Nhà bác nghèo, lại đông người, em ở chỉ thêm gánh nặng", Khuyên thỏ thẻ.

Chưa biết nấu ăn, Khuyên ăn mì gói. Đến khi ngán, cậu lại vào rừng, có quả hay rau củ dại, cậu đem luộc ngay tại chỗ bằng chiếc nồi gang chuẩn bị sẵn, ăn qua bữa.
 

Một lần, Khuyên mơ thấy bố về, bố đưa cung tên bảo Khuyên đi săn. Khuyên chạy mãi rồi kiệt sức, nhưng cuối cùng cũng săn được một con thỏ. Bố dặn em phải "sống phải bản lĩnh". Khuyên choàng tỉnh giấc, xung quanh vẫn đồi núi hoang vu, nhưng cậu thấy tim mình ấm lên.

Ngày hôm sau, Khuyên được nghỉ hè, cậu lẽo đẽo theo người dân để kiếm một chân làm việc. Trúng mùa măng, cậu được dạy hái măng. Những búp măng xù xì, sắt lịm được cậu cắt ngọt xớt chỉ sau 2 ngày học hỏi. Bàn tay cậu rắn chắc, đến độ nhiều người bất ngờ. Ai cũng đeo găng tay, cậu thì không. Mỗi buổi được 3-4 kg măng, cậu có 20 nghìn đồng.

"Em biết bố muốn em tự lập như vậy. Là đàn ông không được phép dựa dẫm vào ai", Khuyên nói, tay kéo lưng quần rộng thùng thình.

Ở một mình cô đơn, Khuyên lại đi tìm sắn để đào, đó là niềm vui duy nhất của cậu, cũng là nguồn thu nhập chính. Sắn rừng nằm trên những ngọn đồi cao vài trăm mét, cậu bé như người tí hon với chiếc bao tải lớn trên lưng và cái xẻng cắt sắn vắt vẻo trên tay.

Có lần đi xa nhà 5 km, đào được 10 kg sắn, Khuyên sợ mất nên quyết định đem về hết một lần. Cuối cùng, khi xuống dốc, cậu bị bao tải đè, nằm nửa ngày trời mới có người giải thoát, nhưng vẫn cười xòa.

Ngoài công việc hái sắn, hái măng đi bán, Khuyên còn đi tải lúa cho người trong làng bằng xe đạp. Đổi lại, cậu có gạo ăn đầy đủ suốt 4 mùa, vì mỗi lần nấu một bát gạo, cậu ăn cả ngày không hết. Cậu hay ăn cơm trắng, nhìn vào bếp lửa, tưởng tượng đến thịt gà, thịt bò...
 

Khuyên nấu ăn bằng bếp than. Có hôm gió lớn nổi lên, Khuyên đi chặt thêm củi không để ý, tàn lửa bắt vào chăn, cháy xém. Một tháng sau, bác qua nhà thăm thấy chăn cháy, mới cho cái chăn khác để đắp. Sau này, cái bếp than luôn ám ảnh với Khuyên, cậu luôn cẩn thận với nó. Trong những ngày nóng, ngồi cạnh bếp, mồ hôi cậu đổ như vừa tắm mưa.

Không ai kèm cặp, Khuyên vẫn tự giác học bài. Cậu học giỏi môn Văn, rảnh tay, lại mang thơ ra đọc. Tiếng cậu đọc vang vọng trong rừng núi, xen với tiếng chíu chít của đám chim sâu.

"Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ

Đã nuôi em khôn lớn từng ngày

Tay bồng bế sớm khuya vất vả

Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay"...

"Ước mơ duy nhất của em là được ở cùng bà nội, được bà vuốt tóc. Những lúc như vậy, em ngủ ngon vô cùng...", Khuyên nói, mắt vẫn buồn, nhìn qua khung cửa.
 

Theo Hoàng Vân
VTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây