Bí thư Hà Giang không biết con mình bị can thiệp nâng điểm!?

Thứ năm - 11/04/2019 15:42:42
Trong số 114 thí sinh Hà Giang bị hạ điểm sau chấm thẩm định, có không ít người là con cháu của lãnh đạo tỉnh, cán bộ ngành giáo dục. Cụ thể, con của lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Vị Xuyên bị hạ hơn 10 điểm, con của một hiệu trưởng bị hạ hơn 6 điểm, con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng bị giảm 5,4 điểm...
 
son la(2)

Liên quan đến đường dây nâng điểm, ông Đặng Hữu Thủy - Hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La (thứ hai từ phải qua) - bị khởi tố (Ảnh do công an cung cấp)

28 thí sinh liên quan đến vụ tiêu cực thi cử nghiêm trọng ở Hòa Bình đã bị các trường Bộ Công an trả về địa phương. Danh sách thí sinh bị trả về do tiêu cực thi cử sẽ còn dài thêm trong những ngày tới khi các trường công an, quân đội cũng như các trường dân sự đang tiếp tục rà soát danh sách thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, Hòa Bình.
 
Thí sinh được nâng điểm là con ai?
 
Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, trợ lý tuyển sinh của Cục Đào tạo - Bộ Công an, cho biết đơn vị này vẫn chưa nhận được trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La về danh sách thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi. Do vậy, quy trình rà soát thí sinh Sơn La gian lận điểm thi ở các trường công an nhân dân chưa thể thực hiện. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng cho biết việc rà soát những thí sinh liên quan tiêu cực thi cử ở Hòa Bình, Sơn La tại các trường quân đội vẫn chưa hoàn tất.
Theo Bộ GD-ĐT, trong vụ gian lận thi cử tại Sơn La, có 44 thí sinh đã được sửa, nâng điểm, gồm cả điểm thi trắc nghiệm và điểm thi tự luận. Một nguồn tin cho hay những thí sinh được nâng điểm trong danh sách này là có bố mẹ là cán bộ ngành GD-ĐT, ngành công an, lãnh đạo ngành thuế, Văn phòng Tỉnh ủy Sơn La và con em một số gia đình buôn bán lớn tại tỉnh này.
 
Thí sinh được sửa điểm nhiều nhất ở Sơn La là N.A.T (con một gia đình buôn bán lớn tại TP Sơn La). Em này có điểm thi THPT quốc gia 2018 của 3 môn toán, lý, ngoại ngữ lần lượt là 9 - 9 - 9 nhưng kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT cho thấy điểm số thực 3 môn của thí sinh này lần lượt là 0 - 0,25 - 0,2, tức tổng điểm 3 môn chưa đến 0,5 điểm.
 
Trường hợp được nâng điểm nhiều thứ hai là thí sinh N.T.H. Điểm thi 3 môn toán, lý, ngoại ngữ của thí sinh này lần lượt là 9,4 - 9,5 - 9,2. Tuy nhiên, kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT cho ra kết quả điểm thực của em này lần lượt là 2,6 - 2,75 - 5. Như vậy, thí sinh này đã được sửa nâng điểm tới 17,75 điểm. H. cũng là thí sinh có phụ huynh công tác trong ngành công an của tỉnh Sơn La.
 
Trong số 114 thí sinh Hà Giang bị hạ điểm sau chấm thẩm định, có không ít người là con cháu của lãnh đạo tỉnh, cán bộ ngành giáo dục. Cụ thể, con của lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Vị Xuyên bị hạ hơn 10 điểm, con của một hiệu trưởng bị hạ hơn 6 điểm, con của một lãnh đạo khác của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang có điểm toán bị hạ từ 9,4 còn 6 điểm. Con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng bị giảm 5,4 điểm.
 
Về việc này, ông Triệu Tài Vinh nói không có chuyện ông xin điểm cho con và không hề biết chuyện con bị can thiệp nâng điểm.
 
"Mua" điểm, phải xử lý hình sự
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, từng chia sẻ quan điểm sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, trước câu hỏi có công khai các phụ huynh đã tham gia vào việc chạy điểm, mua điểm, ông Trinh cho rằng vụ việc đang trong quá trình điều tra và việc công bố danh tính hay không phụ thuộc vào cơ quan điều tra.
 
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, cho rằng những thí sinh không đạt được tiêu chí tuyển sinh thì phải đưa ra khỏi trường. "Xử lý thí sinh nhất thiết phải tuân theo quy chế thi. Nếu có chứng cứ thí sinh gian lận thì không chỉ công khai tên tuổi mà còn phải xử lý theo đúng quy định trong quy chế. Thí sinh quay cóp trong phòng thi đã bị xử lý rất nặng, đằng này tiêu cực cả đường dây thì phải xử lý nghiêm" - ông Khuyến nói.
 
Theo ông Khuyến, rõ ràng đã có hàng trăm phụ huynh của hàng trăm thí sinh liên quan đến vụ tiêu cực thi cử này. Về cách xử lý đối với thí sinh, ông Khuyến cho rằng nếu có chứng cứ tiêu cực thì dứt khoát phải xử lý hình sự chứ không chỉ xử lý hành chính, phê bình. "Không có gì phải giấu tên, dù họ là ai. Có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ, theo pháp luật thì cả người đưa hay nhận hối lộ đều có tội" - ông Khuyến nêu quan điểm. 


Khởi tố cựu thiếu tá liên quan gian lận thi cử
 Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh Hải Sơn - cựu thiếu tá, nguyên phó đội trưởng Đội Giáo dục thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Sơn La - về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo điều tra ban đầu, với trách nhiệm được phân công, ông Sơn đã tích cực trợ giúp các đối tượng trong đường dây gian lận thi cử, tiến hành sửa chữa nâng điểm một số bài thi. Trong số các thí sinh được sửa chữa nâng điểm, có một thí sinh là em vợ của ông Sơn.
 
Trước đó, liên quan đến sai phạm điểm thi THPT Sơn La, ngày 13-2-2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La cũng ra quyết định khởi tố trung tá Đỗ Khắc Hưng - cựu cán bộ Phòng PA03 công an tỉnh này - về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ".



* Tựa bài viết do tuvantuyensinh đặt lại
Theo NLĐ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây