Bằng tốt nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB-XH nhưng đóng dấu của... Bộ GD-ĐT

Thứ hai - 30/09/2019 13:30:45
Nhiều sinh viên học tại các trường CĐ tư thục năm nay sẽ nhận bằng tốt nghiệp có đóng dấu của Bộ GD-ĐT dù bộ này không còn chức năng quản lý các trường này nữa.
 
Bằng tốt
 

Theo Thông tư 01 về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, thì phía trên bên trái sẽ là tên của cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp. Trước đây, các trường vẫn ghi chữ “Bộ GD-ĐT” ở vị trí này, và ngay phía dưới là tên trường. Đến nay, khi đã chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH thì bắt buộc phải ghi “Bộ LĐ-TB-XH”. Tuy nhiên, phía cuối văn bản, con dấu lại vẫn là dấu của Bộ GD-ĐT.

“Đầu” một đằng, “đuôi” một nẻo

Ba năm nay, khoảng 40 trường CĐ tư thục thuộc Bộ GD-ĐT trước đây rơi vào tình huống hết sức hài hước khi trong tất cả văn bản, giấy tờ làm việc đều “đầu một đằng, đuôi một nẻo”.
Lý giải về điều này, hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho biết: “Ngay sau khi chuyển đổi, chúng tôi đã nghĩ đến việc thay đổi con dấu cho thống nhất khi trình bày văn bản giấy tờ. Thế nhưng khi làm hồ sơ ra công an, thì công an yêu cầu phải có biên bản bàn giao giữa Bộ GD-ĐT với Bộ LĐ-TB-XH. Chúng tôi bèn gửi công văn ra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) để xin hỗ trợ thì Tổng cục cho biết năm nay cứ tạm thời sử dụng con dấu cũ. Thế nên trường đành phải… lách bằng cách có một số văn bản trường không để tên cơ quan chủ quản ở phía trên, dù biết như vậy là không đúng thể thức, nhưng còn hơn là trên ghi một cơ quan khác, dưới lại dấu của một cơ quan khác”.
Năm nay, trường này có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp dùng phôi bằng mới của Bộ LĐ-TB-XH, nhưng phải đóng dấu có tên Bộ GD-ĐT dù không còn thuộc Bộ GD-ĐT, là một điều hết sức vô lý.
Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cũng chia sẻ thời gian qua trường gặp phải một số rắc rối khi ban hành văn bản mà đầu với cuối không có sự thống nhất.
“Nhiều nơi họ thấy công văn như vậy, họ không tin. Mới đây, khi trường xin nhập cảnh cho một giảng viên Ấn Độ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an thấy phía trên là Bộ LĐ-TB-XH, phía dưới lại là dấu của Bộ
GD-ĐT, nên thắc mắc. Vì thế, khi giao dịch với các cơ quan, ở một số văn bản, chúng tôi chỉ ghi tên trường ở phía trên để bớt rắc rối. Trường cũng soạn sẵn một nội dung để trả lời các đơn vị nếu như họ có băn khoăn”, tiến sĩ Hải thông tin.

“Không gây ảnh hưởng gì cả” !

Đại diện một trường CĐ tại TP.HCM cũng chia sẻ: “Trường tôi đã ra cơ quan công an 2 lần để xin đổi dấu nhưng vì không có văn bản bàn giao giữa 2 bộ như yêu cầu của công an nên không được giải quyết. Các trường trước giờ chưa được hướng dẫn về việc này. Năm nay trường có một khóa tốt nghiệp (khoảng hơn 200 sinh viên) cần con dấu có tên Bộ LĐ-TB-XH nhưng tạm thời phải đóng dấu của Bộ GD-ĐT”.
Theo tìm hiểu, ngày 29.8.2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có công văn gửi các sở LĐ-TB-XH về việc đăng ký lại mẫu con dấu của cơ sở giáo dục tư thục gồm các trường CĐ, trung cấp đã được Bộ GD-ĐT bàn giao chức năng quản lý nhà nước. Văn bản có hướng dẫn các sở lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục để xem văn bản bàn giao giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH và văn bản của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) hướng dẫn về con dấu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục để về hướng dẫn lại cho các trường trung cấp. Đại diện các trường CĐ cho biết mình không nhận được công văn này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Tạm thời các trường cứ sử dụng con dấu cũ để đóng dấu giấy tờ và bằng tốt nghiệp, không gây ảnh hưởng gì cả! Việc này cũng giống như các trường CĐ có cơ quan chủ quản là bộ, ngành khác thì vẫn dùng dấu của bộ, ngành khác. Nếu các trường muốn đổi dấu thì cứ làm hồ sơ theo quy định trong Nghị định 99 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu. Các trường chỉ cần mang quyết định thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra công an. Nếu công an yêu cầu biên bản bàn giao là không đúng quy định”.
Tuy nhiên, trên thực tế, đại diện các trường cho biết việc đổi con dấu lại rất phức tạp, không dễ dàng như chia sẻ của đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Hơn nữa, các trường này đã không còn thuộc Bộ GD-ĐT nữa thì việc thay đổi con dấu là hết sức cần thiết nhằm tránh những rắc rối cho các trường trong quá trình làm việc với các cơ quan, đơn vị khác bằng văn bản. Bên cạnh đó, cũng tránh rắc rối cho sinh viên trong quá trình nộp hồ sơ ứng tuyển tại các cơ quan, doanh nghiệp.

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây