Ba giáo viên bị bắt vì sửa nâng điểm, Cục Nhà giáo nói gì?

Thứ năm - 25/04/2019 17:00:07

'Mỗi hành vi của thầy cô là khuôn mẫu, mực thước, là tấm gương để học sinh noi theo. Ba giáo viên tại Hòa Bình bị bắt vì liên quan đến gian lận thi cử không đơn thuần là vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà là vi phạm pháp luật'.

 
Cuc nha giao

Ông Phạm Tuấn Anh - phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo
 

Ông Phạm Tuấn Anh - phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, đã nhấn mạnh như vậy trước việc ba cô giáo tại Hòa Bình vừa bị bắt tạm giam vì đã tham gia vào việc nâng sửa điểm bài thi THPT quốc gia 2018.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-4, ông Tuấn Anh nói hành vi của ba giáo viên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Những giáo viên vi phạm ngay lập tức phải dừng ngay việc giảng dạy để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an.

Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, đề nghị có hình thức kỷ luật nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm nghiêm trọng, cần kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục.

"Quan điểm của ngành và của cá nhân tôi là không chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo đang hằng ngày đứng trên bục giảng đảm nhiệm vai trò giảng dạy và giáo dục học sinh. Là nhà quản lý giáo dục, tôi thấy đáng tiếc khi phải bày tỏ quan điểm xử lý nghiêm khắc này" - ông Tuấn Anh nói.

Vậy Cục Nhà giáo nhìn nhận thế nào về việc giáo viên nâng sửa điểm thi, trực tiếp làm thay đổi điểm thi, đánh mất sự trung thực công bằng trong thi cử?

Theo ông Tuấn Anh, mỗi hành vi của thầy giáo, cô giáo là khuôn mẫu, mực thước, là 'tấm gương' để học sinh noi theo. Về việc ba cô giáo tại Hòa Bình bị bắt vì liên quan đến gian lận thi cử, cơ quan công an đã vào cuộc để điều tra, xác minh.

Hành vi vi phạm của ba cô giáo không đơn thuần là vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà là vi phạm pháp luật.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó việc xử lý bây giờ không đơn thuần là xử lý giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo mà là xử lý công dân vi phạm pháp luật.

Tùy thuộc mức độ sai phạm, cơ quan công an sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

"Sự việc xảy ra là vô cùng đáng tiếc, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và uy tín của số đông đội ngũ nhà giáo trong toàn quốc; đánh mất sự công bằng trong thi cử và làm mất đi cơ hội của những thí sinh thực sự có năng lực.

Đây cũng là bài học sâu sắc cho các thầy giáo, cô giáo khác để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần có ý thức hơn nữa trong việc trau dồi, nâng cao phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước đó, khi lên tiếng về vụ gian lận thi cử chấn động năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ thái độ kiên quyết không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.

 

Ba cô giáo làm sai lệch kết quả thi

Trước đó ngày 24-4, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của 3 giáo viên trong tổ chấm thi môn tự luận tại Hòa Bình.

Ba cô giáo bị bắt gồm Nguyễn Thị Thu Loan - giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân, Nguyễn Thị Hồng Chung - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, và Bùi Thanh Trà - giáo viên Trường THPT Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.

Kết quả điều tra xác minh cho thấy ba giáo viên đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các giám khảo khác thực hiện chấm thi tự luận môn ngữ văn trái Quy chế thi THPT quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
 

Theo Ngọc Hà
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây