Kỹ thuật cầm máu tối ưu cứu người xuất huyết ồ ạt

Chủ nhật - 10/11/2019 11:23:23

Một bệnh nhân được chuyển viện từ Cà Mau đến Bệnh viện Chợ Rẫy, trên đường đi đến Cần Thơ đã bị ngất do nôn ra máu tươi, choáng mất máu nặng và đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cấp cứu kịp thời.

 
cầm máu
 

Điều đáng nói là trước đó bệnh nhân này - bà Lâm Kiều O (56 tuổi, ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau) - vốn bị nhiều bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm và bị thoái hóa khớp, đau cột sống. Bệnh nhân thường xuyên sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kể cả thuốc tây y lẫn đông y do người quen hướng dẫn để điều trị tình trạng đau nhức xương khớp, đái tháo đường.

Lúc nhập Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, ngoài việc nôn ra máu, mất máu nặng, bệnh nhân còn bị huyết áp tuột, da niêm trắng bệt, tri giác lơ mơ, lượng huyết sắc tố trong máu giảm nghiêm trọng.

Ngay lập tức bệnh nhân được hồi sức chống sốc tích cực, thở oxy, dịch truyền chảy tối đa, truyền hồng cầu lắng cùng nhóm cấp cứu. Sau đó các bác sĩ sử dụng thuốc ức chế bơm proton, nội soi dạ dày tá tràng cấp cứu tại giường kiểm tra. Kết quả hội chẩn cấp bệnh viện gồm nhiều chuyên khoa chẩn đoán bệnh nhân bị choáng mất máu do xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng/ tiền sử bệnh nhân đái tháo đường có nhiều bệnh lý khác đi kèm.

Nội soi cho thấy bệnh nhân bị viêm teo niêm mạc dạ dày, giãn mao mạch, xuất huyết phình vị - thân vị bờ cong nhỏ mức độ nặng. Êkip quyết định nội soi can thiệp cầm máu, thấy có nhiều mao mạch giãn đang chảy máu, quyết định dùng khí argon plasma phun vào vị trí các mao mạch đang chảy máu. Ngay sau thủ thuật, tình trạng xuất huyết đã được kiểm soát, các vị trí mao mạch không chảy máu thêm. Hiện tình trạng bệnh nhân ổn định và chuẩn bị được xuất viện.

Bác sĩ Bồ Kim Phương - trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết với những tổn thương có nhiều mao mạch đang chảy máu, kỹ thuật đông bằng argon plasma là phương án cầm máu tối ưu và ít gây tai biến.

"Các thuốc kháng viêm thường có các tác dụng phụ rất nguy hiểm, có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến cơ thể người sử dụng (đặc biệt nhóm chứa corticosteroid). Do đó khi sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau cần tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc, đồng thời tầm soát vi khuẩn H. pylori gây viêm loét dạ dày, tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, kể cả thuốc đông được" - BS Phương nói.
 

Theo T.Lũy
Tuổi trẻ

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây