Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Thi THPT Quốc gia 2018 sẽ không hỏi quá khó về tính toán

Đây là chia sẻ của TS Sái Công Hồng, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT tại buổi họp báo về việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27-4.
 

Nhắc lại định hướng đề thi năm 2018, ông Hồng cho biết: "Căn cứ vào đề thi tham khảo đã công bố thì tỉ lệ kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là của lớp 12".
 

Điều chỉnh độ khó so với đề tham khảo

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, đề thi môn khoa học tự nhiên sẽ không làm khó thí sinh về việc tính toán, mà độ khó câu hỏi thi đi vào bản chất, hiện tượng. 

Đề thi cũng sẽ bắt đầu đưa các câu hỏi mang tính định hướng thực hành, thí nghiệm để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Môn toán sẽ không chỉ có các câu hỏi để học sinh chỉ cần thuộc các bước giải toán là ra kết quả, mà còn bổ sung các câu hỏi lý thuyết toán.

Tuy nhiên, ông Sái Công Hồng cũng cho biết lộ trình đổi mới ra đề thi sẽ không đột ngột, mà thực hiện dần để từng bước tạo sự thay đổi việc dạy học ở phổ thông theo hướng đánh giá năng lực học sinh.

"Chúng tôi định hướng phần kiểm tra, đánh giá sẽ quay lại và tác động lại phần dạy học. Nếu các trường nào bỏ qua phần thí nghiệm thì các em đi thi sẽ gặp khó khăn hơn" - ông Hồng nhấn mạnh.

Nhiều câu hỏi băn khoăn về việc đề thi tham khảo 2018 quá khó, chưa thực sự phù hợp cho đề thi của kỳ thi quốc gia. 

Thực tế từ đề thi tham khảo, nhiều trung tâm luyện thi, trường phổ thông cũng ra những đề thi thử rất khó khiến tâm lý thí sinh bị căng thẳng, lo lắng.

Ông Sái Công Hồng cho biết Bộ GD-ĐT cũng nhận được ý kiến trực tiếp của một số hiệu trưởng cho rằng "đề thi tham khảo đã công bố khó quá". 

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ, ông Hồng cho biết có một số phản ánh cho rằng đề thi không phải khó về hiện tượng, bản chất, mà khó về tính toán nên đã được tiếp thu, rà soát và điều chỉnh.

Hiện nay, Cục Quản lý chất lượng đang triển khai thử nghiệm, chọn mẫu, định cỡ các câu hỏi thi để làm nguồn cho hội đồng ra đề thi sử dụng trong quá trình xây dựng đề thi chính thức.

Việc chọn mẫu để thử nghiệm tại các trường THPT khác nhau trên toàn quốc là cách để xây dựng câu hỏi được chuẩn hóa với các độ khó khác nhau. 

Với tỉ lệ các câu hỏi có độ khó khác nhau, đề thi sẽ đảm bảo yêu cầu bám sát chương trình giáo dục phổ thông và có tính phân hóa nhằm đạt cả hai mục tiêu của kỳ thi.

Đại diện Bộ GD-ĐT tại cuộc họp báo cũng cho rằng việc công bố đề thi tham khảo nhằm giúp học sinh có định hướng nội dung ôn tập. 

Nhưng như thế không có nghĩa là bỏ phần nào, ôn phần nào. Nếu có khó thì là khó chung nhưng sẽ công bằng với tất cả thí sinh, không phải chỉ có một nhóm thí sinh nào có lợi thế hơn.
 

Chỉ tiêu sư phạm giảm sâu

Theo thống kê, năm 2018, Bộ GD-ĐT đã phải khống chế chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm toàn quốc, với tổng chỉ tiêu giảm đến 38% so với năm 2017. 

Còn số nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm cũng giảm 29%, trong đó số nguyện vọng 1 giảm 27% so với năm 2017.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết để xác lập được tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho toàn ngành đào tạo giáo viên năm 2018, Bộ

GD-ĐT đã phải kết hợp cả số liệu khảo sát từ nhu cầu thực tế của địa phương cũng như kết quả nghiên cứu từ các trường ĐH sư phạm và sở GD-ĐT phối hợp thực hiện.

Theo đó, việc tuyển sinh năm 2018 sẽ phục vụ nhu cầu nhân lực cho năm 2021-2022 khi lứa sinh viên này ra trường. 

Khảo sát nhu cầu từ 63 tỉnh, thành gửi về Bộ GD-ĐT cho thấy đến thời điểm đó, nhu cầu giáo viên của cả nước là 59.000 người. 

Tuy nhiên, bộ còn dựa vào kết quả nghiên cứu được các trường ĐH sư phạm thực hiện, chỉ ra số sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp trong 2 năm qua vẫn chưa có việc làm và cả những sinh viên sẽ tốt nghiệp trong những năm tới có thể chưa có việc làm.

Dựa trên nghiên cứu về việc các sinh viên chưa có việc đúng ngành đào tạo đã tìm việc khác hay vẫn chờ cơ hội vào ngành sư phạm, hay kể cả sinh viên đã tìm việc khác nhưng sẵn sàng trở lại ngành sư phạm khi có cơ hội, xác định được số sinh viên sư phạm tốt nghiệp mà chưa có việc làm ngay dự kiến đến năm 2018-2019 là trên 40.000 người. 

Trong số đó có hơn 50% đang chờ cơ hội để theo đuổi ngành sư phạm, hoặc thậm chí dù đang làm ngành khác nhưng sẵn sàng từ bỏ để trở lại nghề giáo khi có cơ hội.

Dựa trên những thống kê này, tổng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm từ trình độ trung cấp, CĐ đến ĐH là khoảng 37.000, ít hơn nhu cầu báo cáo từ các địa phương lên đến hơn 20.000 chỉ tiêu.
 

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Không hỏi quá khó về tính toán - Ảnh 2.


Các số liệu so sánh Kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển đại học 2017 - 2018 - Đồ họa: TẤN ĐẠT
 

Nhiều nguyện vọng vào nhóm kinh doanh, quản lý

Theo thống kê, nhóm ngành kinh doanh và quản lý vẫn đang rất "hot" với hơn 121.000 chỉ tiêu, nhưng có tới hơn 830.000 nguyện vọng đăng ký. Đây chính là nhóm có số nguyện vọng đăng ký nhiều nhất năm 2018. 

Cũng theo thống kê, tỉ lệ "chọi" cao nhất rơi vào khối dịch vụ, quốc phòng, an ninh (7,88%). Trong đó nếu tách riêng khối quốc phòng, an ninh thì tỉ lệ "chọi" vào nhóm ngành này sẽ còn cao hơn nhiều.

Ngành không được thí sinh mặn mà lắm, có tỉ lệ "chọi" khiêm tốn nhất là nhóm ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên (3,11); khối kinh doanh, quản lý và khối sức khỏe có tỉ lệ "chọi" tương đương nhau (6,86 và 6,87).

Riêng tổ hợp đăng ký xét tuyển thì khoảng 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào 5 tổ hợp truyền thống, 10% số nguyện vọng đăng ký hàng trăm tổ hợp còn lại. 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.
 

Thí sinh có... 50 nguyện vọng

Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (chiếm 37%), 444.538 thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội (48%), 36.016 thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp (4%).

Có khoảng 11% số thí sinh đăng ký dự thi các môn thành phần của các bài thi tổ hợp. Đây là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2017, chỉ dự thi để xét tuyển sinh hoặc thí sinh tự do dự thi để xét tốt nghiệp THPT nhưng được bảo lưu các môn thành phần trong bài thi tổ hợp năm 2017.

Đáng chú ý, năm nay, một thí sinh tại Hà Nội có số nguyện vọng nhiều nhất là 50.


dang ky du thi


Học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: N.HÙNG
 

Trung cấp sư phạm vẫn còn phù hợp

Ngành sư phạm có 5.300 chỉ tiêu trung cấp và hơn 13.000 chỉ tiêu cao đẳng, trong khi có yêu cầu nâng chuẩn trình độ giáo viên. Vậy khi xác lập chỉ tiêu, bộ có quan tâm đến số phận của sinh viên, học sinh sau tốt nghiệp?

Đáp lại câu hỏi này của Tuổi Trẻ, bà Phụng cho biết chỉ tiêu dành cho trình độ trung cấp sư phạm năm 2018 còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu báo cáo của các địa phương.

Nhiều tỉnh thành, nhất là các thành phố lớn, hiện đang rất thiếu giáo viên mầm non. Những nơi này cần nguồn giáo viên đào tạo ngắn nhất để có thể sử dụng ngay, nên trình độ đào tạo trung cấp 2 năm rất phù hợp.

Còn lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên phải 5-6 năm tới mới thực hiện được, nên việc đào tạo hiện tại ngoài việc giải quyết nâng chuẩn vừa phải đáp ứng sự thiếu hụt về đội ngũ ở các cấp học, môn học cụ thể.

 
Theo V.HÀ - N.HÀ - Tuổi Trẻ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây