Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Trường sư phạm khó tuyển được sinh viên khá, giỏi?

Tình trạng không thể phủ nhận, diện học sinh khá, giỏi “quay lưng" với ngành sư phạm vì có nhiều lựa chọn ở các ngành khác.
 
supham
 

Ai tâm huyết với ngành giáo dục đều có chung nỗi trăn trở: Chất lượng giáo dục đào tạo sẽ ra sao nếu như không có các thầy cô giáo giỏi?

Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung giải quyết phần ngọn, nhưng chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ là sinh viên ra trường phải có việc làm, có thu nhập tốt, cần cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo.

Về cơ chế, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành quy định ngưỡng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp.

Tuy chất lượng sinh viên, giáo viên sẽ được cải thiện trong tương lai, song trước mắt, quy định mới này sẽ gây nhiều khó khăn cho các trường sư phạm, thậm chí đã có trường nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh vì người học quá ít.

Năm 2017, dư luận xã hội "dậy sóng" khi một số chuyên ngành của một số trường sư phạm có ngưỡng điểm xét tuyển thấp, mỗi môn mức ngưỡng yếu (2, 3 điểm) gây lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Năm 2019, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, ngành sư phạm buộc phải bảo đảm tiêu chí học lực khi xét đầu vào, cụ thể:

Ðối với trình độ Đại học, chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi, các ngành sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên;

Đối với trình độ Cao đẳng, Trung cấp chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên, các ngành Cao đẳng sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, Trung cấp sư phạm thể dục thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Nâng tiêu chuẩn đầu vào nhưng việc có tuyển được sinh viên có chất lượng hay không là một vấn đề đang được đặt ra.

Nhiều cán bộ, giảng trường đào tạo sư phạm cho rằng, trường sư phạm phải thu hút được học sinh khá, giỏi vì giáo viên là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng giảng dạy và đổi mới giáo dục.

Việc quy định ngưỡng đầu vào cho trường sư phạm là cần thiết, nhưng năm nay, các trường sư phạm có thể gặp tình trạng tuyển được ít sinh viên hơn.

Nguyên nhân là do thời gian qua, học sinh khá, giỏi đã không còn mặn mà với ngành sư phạm nữa.

Không khó để chỉ ra hàng loạt trường công lập ở các thành phố lớn có điểm đầu vào cao, chỉ có vài phần trăm số học sinh đăng ký dự thi ngành sư phạm. Song số học sinh này đều không phải là những học sinh xuất sắc của trường.
 

Tình trạng không thể phủ nhận, diện học sinh khá, giỏi “quay lưng" với ngành sư phạm vì có nhiều lựa chọn ở các ngành khác; tương lai ra trường không mấy sáng sủa khi chế độ lương, điều kiện sống của nhà giáo không cao so với các ngành khác trong xã hội, trong khi áp lực từ xã hội đối với giáo viên ngày càng lớn.

Có em học sinh lớp 12, ở thành phố Đà Nẵng tâm sự trên báo chí: "Từ bé em đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên dạy môn Địa lý, nhưng em đã không theo đuổi ước mơ của mình vì ra trường khó xin việc làm, chế độ đãi ngộ còn thấp.

Em dự định sẽ dự thi một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao như lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.”

Từ đây cho ra một bức tranh buồn, ngành sư phạm khó có thể cạnh tranh với các ngành khác trong các mùa tuyển sinh những năm tới.

Do đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cùng với việc thắt chặt đầu vào, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần tính đầu ra cho sinh viên sư phạm.

Mặc dù bản thân rất yêu nghề nhưng lại lo lắng cho các em học sinh thi vào ngành sư phạm. Bởi vì sau khi tốt nghiệp, các em không biết có được bao nhiêu phần trăm cơ hội được lên lớp.

Ðiều mà mọi người quan tâm nhất, cần nhất là đầu ra, nhưng rất tiếc là điểm mấu chốt này vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập rốt ráo.

Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm từng kiến nghị, để "hút" được người giỏi vào ngành sư phạm, cần nhiều giải pháp chứ không chỉ là tập trung nâng chuẩn đầu vào.

Ðó là, cần phải giải quyết được việc làm cho số sinh viên thất nghiệp. Được biết, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm trên cả nước giảm 20% so với tổng số sinh viên thực tuyển năm 2017, với mục đích hạn chế tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm và nâng cao chất lượng đào tạo.

Có thể, số lượng sinh viên trúng tuyển hoặc đăng ký xét tuyển năm nay ít đi, nhưng ngành giáo dục không sợ thiếu nhân lực vì trong một thời gian dài đi qua, nguồn nhân lực đã qua đào tạo khá dồi dào, có nhiều địa phương dư thừa hàng ngàn giáo sinh đã tốt nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay, Bộ Giáo dục sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng giảng viên của các địa phương và tổng hợp thành nhu cầu của toàn quốc trong những năm đến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các bộ, ban, ngành để rà soát, sửa đổi chính sách, cơ chế hợp lý nhất cho đội ngũ nhà giáo.

Một khi chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên đã dựa vào nhu cầu sử dụng lao động thì tỷ lệ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp có việc làm sẽ được cải thiện hơn.

Theo SÔNG TRÀ
Giaoduc.net.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây