Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Thi tốt nghiệp THPT: Để từng khâu không có 'lỗ hổng'

Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 5.6 đã bàn nhiều tới việc làm sao để từng khâu, từng việc trong kỳ thi này không có 'lỗ hổng'.
 
lo hong

Lo lắng về phần mềm quản lý thi

Tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đưa ra cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi. Đó là công tác in sao, vận chuyển đề thi, bảo quản đề thi và bài thi, cần phải đặc biệt coi trọng việc lựa chọn cán bộ tham gia công tác này.
Bên cạnh đó, trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi, ông Trinh cho biết hằng năm, cá biệt có một số địa phương chuẩn bị một số điều kiện tổ chức thi không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và tiến độ, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ thi.

Về chấm thi, lưu ý đây là khâu dễ phát sinh gian lận, tiêu cực, ông Trinh đề nghị cần thực hiện nghiêm túc quy chế thi ở tất cả khâu của công tác chấm thi; chú trọng lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia công tác này.

Ở khâu phúc khảo, do năm nay kỳ thi diễn ra rất muộn nên đại diện các địa phương đề nghị Bộ cần tính toán để kết thúc việc chấm và công bố kết quả phúc khảo trước thời điểm tựu trường năm học mới.

Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo địa phương cũng bày tỏ lo lắng về phần mềm quản lý thi và chấm thi dẫn tới những trục trặc không mong muốn trong kỳ thi các năm trước. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ cần nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm, quét lỗi chính xác hơn để không ảnh hưởng tới thí sinh và kết quả kỳ thi.

Thanh tra 3 cấp có “chồng chéo” ?

Năm nay, có tới 3 cấp tham gia thanh tra kỳ thi. Điều này khiến lãnh đạo không ít sở GD-ĐT bày tỏ băn khoăn liệu có xảy ra tình trạng chồng chéo?

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết dù rút khỏi khâu coi thi và chấm thi nhưng mỗi điểm thi có ít nhất 3 cán bộ của trường ĐH về thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT nhấn mạnh dù giao kỳ thi cho địa phương nhưng không có nghĩa là Bộ buông xuôi hoặc khoán trắng, mà phải thực hiện thanh tra, kiểm tra, cũng chính là Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình. “Thanh tra cấp Bộ không làm thay công tác thanh kiểm tra của địa phương”, ông Thưởng khẳng định.
Trước băn khoăn về thanh tra 3 cấp có chồng chéo hay không, ông Thưởng khẳng định sẽ phân trách nhiệm của từng cấp thanh tra với “5 rõ” và cùng một đối tượng sẽ không có các cấp thanh tra chồng chéo, không vi phạm luật Thanh tra.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị: “Phải rà soát thật kỹ, dù là chi tiết nhỏ nhất để không xảy ra tình trạng “một lỗ thủng nhỏ làm đắm cả con thuyền” trong kỳ thi này”. Ông Nhạ khẳng định để tránh tình trạng “khoảng tối dưới chân đèn”, tới đây thanh tra Bộ sẽ kiểm tra công tác thực hiện của các địa phương.

Giám đốc Sở GD-ĐT lo áp lực với phổ điểm thi

Tại hội nghị, có giám đốc sở GD-ĐT tỏ ra ngần ngại với việc xếp thứ tự kết quả thi này giữa các địa phương. Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, tuy đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT sử dụng dữ liệu điểm thi để đánh giá, phân tích kết quả kỳ thi tốt nghiệp để đối chiếu, so sánh với kết quả học tập của học sinh, song bày tỏ mong muốn Bộ không nên tiếp tục việc xếp thứ tự điểm trung bình của các môn thi của các địa phương. “Bởi vì việc này rất bất cập và gây áp lực cho các sở GD-ĐT. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh tăng dần, như vậy kết quả xếp hạng không có tính thuyết phục”, ông Quốc lý giải.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay việc phân tích và công bố phổ điểm thi của từng địa phương là cơ sở để xem đâu là việc cần phải lưu ý trong công tác dạy học và tổ chức thi. Theo ông Nhạ, cứ làm tốt, thực chất, công khai, minh bạch thì sẽ có được kết quả đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi. “Thậm chí, đây cũng là chỉ số để Bộ GD-ĐT theo dõi nếu như có những bất thường thì sẽ chỉ đạo làm rõ thêm vấn đề”, ông Nhạ nói.

Giảm câu hỏi khó trong đề thi
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các sở GD-ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các trường dạy học, ôn tập theo chương trình, hướng dẫn của Bộ, bảo đảm chất lượng để học sinh yên tâm, tự tin dự thi. Kỳ thi năm nay chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi.
Theo lịch, ngày 26.8, hoàn thành công tác chấm thi. Ngày 27.8, tất cả địa phương trên cả nước sẽ công bố kết quả thi.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây