Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Thi THPT quốc gia: Đề xuất cho mang 'phao' vào phòng thi

Nhiều ý kiến băn khoăn về một kỳ thi vừa căn bản để xét tốt nghiệp, vừa phân hóa để tuyển sinh ĐH là rất khó. Câu hỏi đặt ra là có nên giữ kì thi 2 trong 1 này không? Bên cạnh đó cũng xuất hiện ý kiến nên cho phép học sinh mang tài liệu vào phòng thi.

Tại buổi họp báo chiều ngày 27/6, dù đại diện Bộ GD& ĐT khẳng định kỳ thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, nội dung đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về một kỳ thi phục vụ đồng thời hai mục đích vừa căn bản để xét tốt nghiệp, vừa phân hóa để tuyển sinh đại học là rất khó dù. Đặc biệt, đề thi năm nay làm thí sinh bất ngờ khi có nhiều câu được cho là quá khó.

 
Thí sinh làm bài thi

Đề quá khó, đến GS cũng phải “lắc đầu”?

Trả lời trong cuộc họp báo chiều 27/6 sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia 2018, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, ông đã nhận được rất nhiều phản hồi cũng như câu hỏi về đề thi các môn trong kì thi THPT quốc gia 2018.
Ông Hồng cho rằng, đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT thực hiện xây dựng đề thi chỉ môn Ngữ Văn theo hình thức tự luận, các môn còn lại mỗi vòng thi có 24 mã đề thi riêng.
Trước luồng ý kiến cho rằng, đề thi năm nay khó, thậm chí GS Toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng phải "lắc đầu", ông Hồng cho rằng, nếu nói về độ khó của đề cần căn cứ về nội dung ra đề trước.
Để tăng cường độ phân loại đối với thí sinh, phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Vì thế không phải tất cả đề thi khó mà là có một số câu hỏi dành phân loại cho thí sinh khá giỏi”- ông Hồng cho biết.
“Nói về độ khó của đề thi phải nói đến một dải dài kiến thức. Năm nay, đề thi được báo trước cho thí sinh là tăng độ phân hóa lên. Để tăng cường phân loại thí sinh thì phải tăng câu hỏi khó hơn. Ai năng lực tốt hơn mới làm được câu hỏi khó hơn. Như vậy, nói đề năm nay khó là điều hiển nhiên”- ông Hồng khẳng định.

Trả lời tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) ông Mai Văn Trinh cho biết, từ năm 2014 đề thi đã bắt đầu sử dụng câu hỏi mở. Vì thế, trên nguyên tắc câu hỏi mở thì đáp án cũng mở. Thí sinh làm bài thi không trái thuần phong, mỹ tục và luật pháp đều được chấp nhận.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, cách ra đề mở không mới. “Từ năm 2014, bộ đã bắt đầu sử dụng các câu hỏi mở. Trên nguyên tắc, câu hỏi mở thì đáp án cũng mở. Chỉ cần thí sinh làm bài thi không trái thuần phong mỹ tục và trái pháp luật thì đều được chấp nhận, cho điểm”, ông Trinh nói.

Đề mở, nên cho thí sinh sử dụng tài liệu khi làm bài?

Nói về kỳ thi THPT quốc gia 2018, GS. TKSKH Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đặt vấn đề: tại sao phải huy động hàng chục nghìn công an, giáo viên, thanh tra chỉ để kiểm soát học sinh làm bài trung thực, không mang điện thoại, máy tính vào phòng thi như soát kẻ gian... 

Đặc biệt, GS Phạm Tất Dong bày tỏ: Thời buổi công nghệ hiện đại, chúng ta nên ra đề theo hướng thực tiễn, cho phép học sinh được sử dụng tài liệu để làm bài. 

“Việc cấm sử dụng tài liệu như vậy khiến cho kỳ thi cũng chỉ là dùng trí nhớ. Trong khi nhà trường đang khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, phòng học thông minh, máy tính, internet… nhưng đến lúc đi thi lại cấm?”- ông Dong đặt vấn đề.

Cũng theo GS Dong, chúng ta phải thực tế lên. Thời đại mới là cần đào tạo trình độ tư duy, phản biện. Việc ra câu hỏi thi là làm thế nào đó, bằng cách nào đó, học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn. 

“Ví dụ, nếu nhận được một đơn đặt hàng thì anh kỹ sư không thể tự giải quyết, phải sử dụng nhiều sách vở, kiến thức của nước khác, tìm xem công nghệ mới nào các nước đang thực hiện để giải quyết. Chứ không phải yêu cầu đơn đặt hàng nào anh cũng phải tự có kiến thức để làm được”- GS Dong nhấn mạnh.

 
Theo Đỗ Hợp - Tiền Phong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây