Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Sinh viên trường này được học môn học của trường khác!

Theo Quy chế đào tạo trình độ đại học mới được Bộ GD-ĐT ban hành, sinh viên của trường này có thể học các môn học của trường khác để tích lũy tín chỉ theo hình thức trao đổi sinh viên.
 
Sinh viên

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học với nhiều điểm mới tạo điều kiện cho sinh viên. Trong đó có một quy định rất mới là sinh viên trường này sẽ được học môn học của trường khác để tích lũy tín chỉ. 

Có dễ thực hiện?

Cụ thể, quy chế này đưa hoạt động “trao đổi sinh viên” vào quy định. Theo đó, các cơ sở đào tạo được công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ, làm căn cứ cho phép sinh viên của cơ sở đào tạo này được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại.

Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau, sinh viên của cơ sở đào tạo này có thể đăng ký thực hiện học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đồng ý với số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, quy định với nội dung mới này thật sự có lợi cho sinh viên. Nội dung này rất giống việc đào tạo ĐH tại các nước phát triển. Chẳng hạn, tại Mỹ, sinh viên có thể đăng ký học bất kỳ môn học nào tại các trường ĐH khác trường mình đang học. Trường ĐH mà sinh viên đang học có trách nhiệm xem xét và công nhận các tín chỉ này. Như vậy, sinh viên sẽ được tự do lựa chọn môn học có giảng viên, cách đào tạo... mà mình thích để học. 

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nhân, thời gian trước, ngay khi Dự thảo Quy chế đào tạo ĐH ban hành đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn từ lãnh đạo các trường ĐH. Muốn thực hiện điều này, sinh viên phải được sự đồng ý của lãnh đạo 2 trường ĐH. Với tình hình hiện nay thì rất khó. 
"Ngoài ra, hiện nay, các trường ĐH có mức học phí tính trên tín chỉ khác nhau. Nếu tất cả sinh viên các trường có học phí cao đổ xô sang các trường có mức học phí thấp thì không ổn. Vì vậy, cần có một cách vận dụng phù hợp đối với quy định này" - tiến sĩ Nhân nhận định. 

Sinh viên chuyển trường, chuyển ngành thế nào?

Trong Quy chế đào tạo ĐH cũng có quy định rõ về việc cho phép sinh viên chuyển trường, chuyển ngành. Cụ thể, sinh viên được xét chuyển trường nếu đáp ứng các yêu cầu: xin chuyển đến trường có cùng ngành hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học, được sự đồng ý của trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến, không thuộc một trong các trường hợp không được phép chuyển trường quy định.

Trong đó, sinh viên sẽ không được phép chuyển trường nếu không đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành học hoặc chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập, là sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo có sinh viên xin chuyển đến quyết định việc học tập tiếp tục của sinh viên, công nhận các học phần được chuyển đổi kết quả và số học phần phải học bổ sung, trên cơ sở so sánh chương trình đào tạo của trường sinh viên xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.

Sinh viên cũng được xem xét chuyển ngành đào tạo, chuyển sang một phân hiệu khác của trường (hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính) nếu không đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập, được sự đồng ý của người đứng đầu các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách phân hiệu hoặc của hiệu trưởng cơ sở đào tạo nơi chuyển đi và chuyển đến.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo, phân hiệu hoặc trụ sở chính hay nơi chuyển đến phải có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định của Bộ GD-ĐT.  

Bên cạnh đó, đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép, nhưng chỉ được hưởng các quyền lợi chính thức và được xem xét công nhận tốt nghiệp chương trình thứ hai khi đã đăng ký thành công học chương trình thứ hai theo quy định.

Sinh viên được đăng ký học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Tại thời điểm đăng ký, sinh viên phải đáp ứng 1 trong 2 điều kiện là có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; hoặc học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh...

 
Theo Đăng Nguyên
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây