Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Sinh viên ĐH Trà Vinh tự chế xe điện mang “hơi thở” BMW

Một chiếc xe điện hoàn hảo, tỉ mỉ và cực kỳ ấn tượng mang hình mẫu BMW HP Kunst Hydrogen này được thiết kế hoàn toàn thủ công của nam sinh viên ngành cơ khí chế tạo của ĐH Trà Vinh.
 
BMW

Phạm Lâm Vũ tốt nghiệp ngành Cơ khí chế tạo vào năm 2019, đã bỏ thời gian hơn 8 tháng để design một chiếc xe điện nhằm thỏa đam mê của mình. Vũ cho biết, chiếc xe dựa trên mẫu thiết kế bản vẽ của BMW HP Kunst Hydrogen Concept - một ý tưởng được trình bày cách đây gần chục năm bởi các sinh viên tại trường thiết kế nổi tiếng ở Pháp ISD Rubika.

Biến bản concept trên giấy thành hiện thực

Với niềm đam mê thiết kế và kiến thức được học về ngành cơ khí chế tạo, trong quá trình lên ý tưởng, Vũ đã ấn tượng khi nhìn thấy mẫu xe này trên mạng và quyết tâm theo đuổi “dự án” cũng như chấp nhận bỏ ra thời gian và một khoản chi phí khá lớn để chế tạo sản phẩm. Theo Vũ, nếu đam mê, cùng với quyết tâm và lên kế hoạch đúng phương pháp thì sẽ thành công.

Vũ giành thời gian và chi phí ủng hộ từ gia đình và tích cóp của bản thân để mua những linh kiện, phụ kiện và tự tay lắp ráp một chiếc xe mơ ước. Anh chàng cho biết, chiếc xe hoàn thiện với tổng chi phí gần 3000 USD tương đương hơn 60 triệu đồng.

Để làm được điều này, Vũ phải mài mò, học hỏi rất nhiều tài liệu trên internet, kết hợp với kiến thức chuyên môn vừa học tại trường, đặc biệt là sự quyết tâm theo đuổi đam mê để hoàn thành mốt sản phẩm cực kỳ ấn tượng này.

Tự tay làm tất để tạo ra sản phẩm mơ ước, nhiều bản nháp làm xong rồi bỏ, rồi lại hoàn thiện, cùng với sự góp ý của các nhóm sinh viên quốc tế để được mẫu sản phẩm ưng ý như vậy.

Trước tiên, phần thiết kế khung sườn Vũ sử dụng phần mềm Autodesk Inventor để vẽ các chi tiết linh kiện dàn áo chiếc xe, Vũ mô phỏng chiếc xe theo dạng 3D sau đó chuyển sang 2D rồi in ra giấy với kích thước thật. Tiếp theo, Vũ tự cắt thép và hàn chúng lại với nhau thành một khối rất chắc chắn, khó có thể tin được rằng những chi tiết hoàn thiện của chiếc xe lại là một tay Vũ tự làm.

Vũ bật mí: "Nhiều linh kiện lắp ghép lại từ những mẫu chiếc xe khác, và điều ấn tượng nhất đó là dàn áo của chiếc xe được làm bằng ống nhựa PVC (nhựa dùng làm ống nước). Ống nhựa PVC đem về xẻ đôi và ép phẳng, sau đó, dán mẫu vẽ 2D lên, ép, rọc các cạnh, khoan lỗ rồi dán keo, phun sơn rất tỉ mỉ, chắc chắn tạo thành lớp áo xe rất tinh tế và sắc xảo, ấn tượng".

Phần khung giữa và gắp sau của xe, nối với bánh mâm, Vũ lấy từ chiếc Exciter 150 nên chúng ta sẽ cảm thấy thiết kế của mâm khá quen thuộc mà theo Vũ thì trông có vẻ giống loại xe mô tô thể thao mà mình ưa thích.
Thân xe, phuộc xe, Vũ mua những thanh sắt, thép, nhôm và ứng dụng kỹ năng chuyên ngành để hàn, tiện, phay và khoan lỗ, bắt ốc rất chỉnh chu chắc chắn.

“Về phần này đối với em là không khó, do nằm trong chuyên môn của mình, phần khó nhất đó là lập trình hệ thống điện cho chiếc xe, em phải nghiên cứu, đọc rất nhiều tài liệu, học hỏi từ các bạn mới hoàn thiện được dự án này”. Chàng sinh viên vui vẻ bộc bạch.

Màn hình màu của xe được Vũ mua lại từ chiếc xe điện thường có kích thước 6 inch, không cảm ứng. Sau đó, Vũ đã chế lại và thêm các chi tiết như hiệu điện thế và số ampe động cơ tiêu thụ.

Chiếc xe điện sạc một lần chạy hơn 80km

Chiếc xe mà Vũ tạo ra vận hành dựa vào động cơ điện (công suất 2000 watt), tốc độ tối đa đạt được có thể lên đến 85 km/h. Ngoài ra, bộ pin lithium-ion trang bị có thể giúp xe đi được quãng đường 80km mỗi lần sạc đầy.

Quan sát thực tế, chúng ta có thể thấy chiếc xe được hoàn thiện rất tỉ mỉ, chi tiết sắc sảo, từ gắp, bộ pin, phuộc, yên hay bảng đồng hồ, tất cả đều được hoàn thiện một cách chỉnh chu nhất.
“Khi lần đầu tiên bắt gặp hình của của chiếc xe được chia sẻ trên các trang mạng, mình thật sự không nghĩ đây là một sản phẩm được chế tạo bởi kỹ sư Việt Nam, thật tuyệt vời. Mong là có nhà sản xuất nào "hứng thú" với dự án này và thương mại hóa nó vào một ngày nào đó không xa trong tương lai”. Một Blogger trên mạng xã hội đã chia sẻ.

Khi viết bài này, chúng tôi đã mời Vũ tham gia hoạt động review chiếc xe và chạy một vòng khuôn viên của ĐH Trà Vinh liên tục với hơn 20km, thực tế pin của chiếc xe vẫn nguyên vẹn không sụt giảm. Có thể nói hệ thống điện được Vũ sử dụng cho động cơ đáp ứng được công suất thực tế của chiếc xe. Điều thú vị của chiếc xe có thể lùi, và độ nhạy rất cao, khi chạy rất êm và vận tốc có thể lên đến 85km/h.(Chưa thử).

Với những đam mê và khả năng thiết kế của mình, Vũ mong muốn có các doanh nghiệp, công ty mời để tham gia vào lĩnh vực thiết kế và đóng góp một phần sáng tạo của mình vào lĩnh vực này. Hoặc có thể lập một nhóm khởi nghiệp để cùng chia sẻ ý tưởng, phát triển các dự án góp phần mang lại diện mạo mới trong lĩnh vực cơ khí nói chung, những chiếc xe điện mang phong cách mới phù hợp với người tiêu dùng trong tương lai.


Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, giảng viên Khoa kỹ thuật công nghệ - ĐH Trà Vinh cho biết thêm, Phạm Lâm Vũ rất đam mê sáng tạo và cũng là một trong những sinh viên tham gia cuộc thi Olympic cơ học quốc gia năm 2018 đạt giải. Vũ từng ‎chế tạo máy xỏ hạt đeo tay tự động, có thể tạo ra trong 5 phút 1m dây hạt (100 hạt)‎ và có thể điều chỉnh phù hợp theo từng kích thước hạt  - Đề tài tốt nghiệp của anh chàng sinh viên này đã được hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp đánh cao và được chọn tham gia dự thi Sáng tạo khoa học tỉnh Trà Vinh lần thứ 5 (2018-2019).

Theo Vũ đây chỉ là sản phẩm đầu tiên, có thể còn rất nhiều chi tiết cải tiến. Hy vọng sẽ có nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng bạn bè, các kỹ sư chuyên môn đặc biệt của hãng xe này để Vũ hoàn thiện những phiên bản sau hoàn hảo hơn, chất lượng hơn.

 
Theo Nguyễn Hành - Thanh Sơn
Dân trí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây