Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Nữ sinh Việt Nam học đâu tốt nghiệp thủ khoa ở đấy

Tốt nghiệp THPT nằm trong tốp một trong những thí sinh cao điểm nhất, Lan Anh sau đó lần lượt tốt nghiệp thủ khoa ở bậc đại và cao học. Hiện cô đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh ở một trường sư phạm hàng đầu nước Pháp.  
 
Nữ sinh

“Có lẽ vì em lỡ mê ngành học khá đặc thù và kén người học, nên khi học em dành hết tâm huyết của mình”, Lê Lan Anh (28 tuổi, TP.HCM) cười giải thích về cái duyên học đâu tốt nghiệp thủ khoa ở đấy.

Chọn ngành học vì đam mê

Chia sẻ về cái duyên dành hơn 20 năm gắn bó với ngôn ngữ của một quốc gia khác, Lê Lan Anh cho biết ngay từ khi vào lớp 1 cô đã được cha mẹ cho theo học tiếng Pháp theo chương trình song ngữ tiếng Pháp hệ 12 năm.

Tốt nghiệp THCS, Lan Anh thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tiếp tục chọn học chuyên Pháp và đạt rất nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi thành phố ở bộ môn này.

“Lúc đầu em không biết mình có thích không, vì được bố mẹ chọn. Ông bà nội đều biết ngôn ngữ này nên em gắn bó từ nhỏ nên tiếng Pháp trở thành một phần trong cuộc sống của mình nhưng khi càng tìm hiểu đi sâu vào ngôn ngữ này em càng mê”, Lan Anh nói.

Chính vì chữ mê này, tốt nghiệp THPT Lan Anh quyết tâm chọn thi vào khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Vốn là học sinh giỏi toàn diện ở tất cả các môn, lúc đó, cả gia đình mong muốn Lan Anh theo đuổi ngành y khoa. Bạn bè trong lớp hầu hết cũng chọn theo học những ngành được xem là “ngành hot” nên khi biết cô chọn theo ngành học được xem là kén việc này cả gia đình, bạn bè và thầy cô không khỏi khuyên ngăn. Chưa kể, nhiều người còn định kiến theo ngành sư phạm, sau này sẽ nghèo.

“Lúc em chọn đi theo chuyên ngành tiếng Pháp nhiều người thân, bạn bè em đều đặt câu hỏi ‘mày học ngành đó ra để làm gì?’. Chính bản thân em nhiều lúc cũng không trả lời thoả đáng được câu hỏi này, nhưng những lúc như vậy chỉ biết cắm đầu vào học. Nhiều khi, nhìn bạn bè cùng lứa ở trường chuyên ngày xưa giờ đều đã học xong, ra trường và nhiều bạn rất thành công em cũng không khỏi nóng lòng. Giờ em đã 28 tuổi vẫn miệt mài làm nghiên cứu sinh. Nhưng nếu được chọn lại từ đầu, em vẫn chọn theo đuổi ngành học này, có thể là vì em lỡ mê ngôn ngữ này rồi”, nữ sinh này chia sẻ.

Thủ khoa ngành ngôn ngữ Pháp ngay tại nước Pháp

Chọn ngành học được xem là khô khan, khó nhằn, Lan Anh mong muốn trở thành giáo viên tiếng Pháp. Với mục tiêu này, Lan Anh luôn dành hết tâm huyết cho việc học của mình. Cô sau đó tốt nghiệp thủ khoa ngành Ngữ văn Pháp Trường ĐH Khoa học xã hội &nhân văn TP.HCM.

Tuy nhiên Lan Anh không phải là kiểu người “mọt sách” chỉ biết học. Thời sinh viên Lan Anh còn làm Bí thư Đoàn khoa Ngữ văn Pháp, Ủy viên BCH Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội &nhân văn TP.HCM. Cô giành hàng loạt danh hiệu khác như: Sinh viên xuất sắc trong học tập, rèn luyện và tham gia hoạt động phong trào; giấy khen của Hội sinh viên trường, giấy khen của Đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM; sinh viên 5 tốt cấp trường; được tuyên dương trong lễ vinh danh thủ khoa TP.HCM…

Tốt nghiệp thủ khoa, Lan Anh được mời ở lại Khoa Ngữ văn Pháp làm giảng viên, tuy nhiên vì yêu cầu mới giảng viên phải có bằng thạc sĩ trở lên nên cô đã quyết định học thêm thạc sĩ ngành ngôn ngữ ngay tại trường mình. Dù vậy, khi đã gần tốt nghiệp Lan Anh cảm thấy có gì đó “sai sai”, ngành ngôn ngữ thật sự không phù hợp với định hướng chuyên môn tiếng Pháp của mình.

“Lúc đó, dù chỉ còn làm nốt luận văn là xong chương trình thạc sĩ, em có thể hợp thức hoá được việc đi dạy nhưng cuối cùng em quyết định đi du học, theo đuổi đam mê ngôn ngữ Pháp của mình”, Lan Anh nhớ lại.

Cô quyết bắt đầu lại từ đầu bằng việc chọn học song 2 ngành thạc sĩ là ngành giảng dạy tiếng Pháp và Văn học Pháp tại  ĐH Perpignan (Pháp) 

Điều đặc biệt là, dù du học ngành Ngôn ngữ Pháp ngay tại đất nước bản địa, phải cạnh tranh với rất nhiều sinh viên trong nước nhưng cô vẫn tốt nghiệp thủ khoa ngành này với điểm luận văn 18/20. Điều này khiến không ít bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.

Lan Anh sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ và văn học Pháp tại Trường ĐH Sư phạm cao cấp Paris, một trong những trường sư phạm hàng đầu nước Pháp, nơi đào tạo ra rất nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới.

Muốn vào được trường này, ở bậc đại học, cao đẳng, thí sinh phải bước qua kỳ thi gay gắt. Còn ở bậc tiến sĩ, do tốt nghiệp thủ khoa trước đó cùng với việc nhận được thư giới thiệu từ các chuyên gia nổi tiếng nên may mắn cô được nhận vào học. Khi học ở trường sư phạm hàng đầu của Pháp, Lan Anh cho biết rất áp lực, vì con đường làm tiến sĩ mất 3-4 năm, đây lại là nơi quy tụ rất nhiều sinh viên xuất sắc nhưng trước mắt cô vẫn luôn cố gắng để theo đuổi đam mê riêng của mình.

“Ngôn ngữ này không phổ biến như tiếng Anh, nhiều người cũng nhìn nhận ngành học này rất khô khan, khó nhằn nên bản thân mình muốn đi sâu tìm hiểu để có thêm kinh nghiệm khi chia sẻ, giảng dạy với sinh viên. Và dù học lên tới tiến sĩ thì định hướng của em vẫn sẽ quay về Việt Nam để theo nghiệp sư phạm của mình", Lan Anh, nữ sinh Việt nhiều lần đạt danh hiệu thủ khoa, chia sẻ về dự định của mình.
Theo Nguyễn Loan
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây