Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Những nghi vấn về phổ điểm thi môn Toán THPT quốc gia 2018

Ngày 11/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018 của thí sinh, đồng thời đưa ra phổ điểm và thống kê điểm số ở các môn. Kết quả môn Toán được chờ đợi hơn cả vì những tranh luận về đề thi quá dài và khó trước đó.

Xin giới thiệu bài viết của TS Trần Nam Dũng, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận xét về phổ điểm môn Toán năm nay. Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.


 
Thí sinh làm bài thi

Ảnh minh họa

Gần 1.000 điểm 0 bí ẩn
 

Môn Toán có 917.484 thí sinh dự thi, đạt điểm trung bình 4,86, trung vị là 5. Có 1.558 thí sinh bị điểm liệt (≤ 1) trong đó có 951 điểm 0. Có 2 thí sinh đạt điểm 10, 561 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên và 11.286 thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên).

So với phổ điểm dạng hình thang của năm 2017, phổ điểm năm nay đẹp hơn, đã tiệm cận hình chuông của phân phối chuẩn.

Tuy nhiên, chuông hơi bị lệch về bên phải và nhóm điểm trung bình vẫn chiếm đại đa số, điểm 9 trở lên chưa đến 0,07% và điểm 8 trở lên chỉ là 1,23%. Do điều này cũng xảy ra ở các môn khác (trừ Giáo dục Công dân) nên chắc chắn điểm chuẩn của các trường tốp trên sẽ giảm sâu. Điểm chuẩn các trường tốp giữa sẽ giảm ít hơn và có sự phân hóa hơn.

Con số điểm 0 với 951 bài thi vẫn là điều bí ẩn. Nếu tất cả điểm số từ 0,2 đến 1 khá phù hợp với phân phối nhị thức (do thực sự thí sinh đã khoanh bừa với xác suất đúng là 1/4) thì con số 951 điểm 0 khá vô lý.

Theo lý thuyết xác suất, xác suất một thí sinh nếu tô đủ tất cả 50 câu mà vẫn được 0 điểm bằng 0,000000567.

Như vậy với gần một triệu thí sinh dự thi (và khoanh bừa hết), khả năng sẽ có một hoặc 2 em được 0 điểm là cùng. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã bỏ tất cả thí sinh không dự thi khỏi thống kê nên chỉ có thể giải thích là học sinh bị 0 điểm này đã đến thi nhưng không làm bài, tức là không tô đáp án. 
 

Cuộc chơi may rủi ở môn Toán

 

Nhìn chung, nếu nói về điểm thì kỳ thi năm nay tốt hơn kỳ thi năm trước. Số điểm cao ít thực ra không ảnh hưởng nhiều việc tuyển sinh của các trường. Sự phân hóa năm nay rõ ràng hơn. Nhưng đấy chỉ là bề nổi bên ngoài, về điểm số thôi.
 

pho diem mon toan
Phổ điểm môn Toán năm 2018.


Điều rất đáng lo lắng của năm nay là liệu đề thi quá khó, học sinh phải khoanh bừa nhiều có tạo ra một cuộc chơi may rủi hay không?

Ở đây không nói đến những em đạt điểm cao (trên 9). Chắc chắn những em này đều giỏi và có ôn luyện tốt mới đạt được điểm số như vậy. Nhưng các em ở cỡ điểm 6-8 chắc chắn sẽ có yếu tố may rủi.

Cụ thể là do số câu khó quá nhiều, phần cơ bản lại quá dễ nên số em làm được chắc 30 câu sẽ rất nhiều. Còn lại 20 câu đánh lụi, trung bình có thể được 5 câu đúng, nhưng may mắn hơn có thể được 10 câu đúng và xui xẻo có thể chỉ có 1, 2 câu đúng (đã có trường hợp đánh lụi 10 trúng 7 và có trường hợp đánh lụi 10 không trúng câu nào).

Đúng là đã thi trắc nghiệm thì luôn có yếu tố may rủi, nhưng nếu ta ra đề vừa sức thì sẽ hạn chế được tối thiểu tình trạng bạn giỏi hơn lại thấp điểm hơn.
 

Điểm thi ở Hà Giang có vấn đề?

 

Cuối cùng, quay lại với số liệu thống kê, có những con số đáng để ta ngạc nhiên, suy ngẫm và lo lắng. Nếu như số điểm xuất sắc (từ 9 trở lên) ở môn Toán chỉ là 567, chiếm chưa đến 0,07%, thì ở Hà Giang, số điểm này là 57 trên khoảng 5.000 thí sinh dự thi, chiếm hơn 1%, tức là bằng 14 lần chỉ số trung bình.

Chúng ta không khẳng định rằng Hà Giang không có học sinh giỏi Toán, đủ sức làm được 9 điểm, nhưng trên bình diện số đông thì quả là khó giải thích. Vấn đề nằm ở khâu nào: Bảo mật đề thi, coi thi hay chấm thi?

Vì nếu khâu nào cũng tốt và đúng quy trình thì không thể giải thích nổi về số điểm 9 trở lên, Hà Giang lại vượt cả Hà Nội, TP.HCM, Nam Định, Nghệ An là những nơi có số thí sinh dự thi đông hơn, cũng là những vùng đất học.

Như vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực (như phổ điểm tốt hơn, tránh được lạm phát điểm 10) thì kỳ thi năm nay vẫn còn có rất nhiều vấn đề cần rà soát và rút kinh nghiệm, từ khâu ra đề, bảo mật đề, đến coi thi, chấm thi, để tạo ra một kỳ thi công bằng, không quá áp lực và đánh giá đúng được năng lực học sinh, tránh tối đa yếu tố may rủi, luyện tủ hay tiêu cực.

Đã làm thì phải có sai sót, khuyết điểm. Vấn đề là phải thẳng thắn ghi nhận và điều chỉnh, đừng chỉ lấp liếm hay tô hồng.
 

TS. Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Theo Zing.vn

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây