Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Giá sách giáo khoa mới và những lời giải thích vô cảm

Có thể việc giá sách cao ngất ngưởng nhưng được giải thích bằng với những lý do rất chung chung và không thuyết phục sẽ làm cho người dân thêm thất vọng...
 
Giá sách
 

Giá cao ngất ngưởng

Được biết, mới đây Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giá của 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đây là các bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để các nhà trường lựa chọn và sử dụng trong năm học 2020-2021.

Điều đáng nói là, so với bộ sách giáo khoa hiện hành, các bộ sách này đều có giá bán cao ngất ngưởng.

Cụ thể, giá sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dao động từ 179.000 đến 194.000 đồng/bộ, nghĩa là tăng gấp 4 lần so với bộ sách giáo khoa hiện hành.

Qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, đây thật sự là thông tin gây choáng váng cho nhiều người nhất là các vị phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1 những ngay qua.

Trước tình hình như vậy, những người có trách nhiệm của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng vừa lên tiếng giải thích cho việc tăng giá này.

Thế nhưng, xem ra những lời giải thích này không những rất vô lý mà ở phương diện nào đó còn là sự vô cảm.
 

Tăng giá vì hình thức sách mới “đẹp”, “bắt mắt”, “hấp dẫn”… hơn sách cũ?

Còn nhớ tại buổi tọa đàm "Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa - Thuận lợi và thách thức" ngày 5/3 ở Hà Nội [1], ông Ngô Trần Ái, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam, cho rằng“các bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đều có hình thức đẹp, bắt mắt, khổ sách mới lớn hơn, giấy dày, màu đẹp, số lượng trang cũng nhiều hơn so với sách cũ nên khó có thể giữ mức giá cũ”. 

Tương tự như vậy là ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời cũng là Tổng chủ biên một bộ sách Tiếng Việt mới.

Theo đó ông Thuyết cho rằng không thể vì giá thành mà giảm chất lượng về mặt hình thức. Ông Thuyết phân tích như sau:

"Theo quan niệm mới, những hình trong sách không phải là minh họa mà là công cụ để học. Vì vậy thiết kế buộc phải có màu, dù là môn Mỹ thuật, Toán hay Tiếng Việt cũng cần thiết".

Thậm chí ông còn khẳng định rằng:

"Giá sách lên 200.000 hay 250.000 đồng một bộ cũng không phải quá cao so với chi tiêu của một gia đình.

Học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn có chính sách hỗ trợ.

Dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 4 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới để hỗ trợ vùng khó khăn." 
 

Dừng lại chỗ này, tôi muốn hỏi hai ông Ái và ông Thuyết một vài câu hỏi dưới đây: 

Thứ nhất, phải chăng bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành cũng do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành không được in màu, giấy không đẹp, không bắt mắt, không chất lượng…?

Nếu vậy, hóa ra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang bán sách kém chất lượng cho phụ huynh học sinh hay sao?

Thứ hai, trước đây trong vai trò Tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa mới, ông Thuyết từng nhiều lần nhấn mạnh việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa lần này thành hay bại chủ yếu phụ thuộc vào tinh thần của các thầy cô giáo nhất là về “phương pháp dạy học mới” [2] nhưng giờ đây xem ra ông lại đề cao cái hình thức bên ngoài của các bộ sách giáo khoa mới?

Vậy, xin hỏi ông có dám cam đoan với toàn xã hội về việc các bộ sách giáo khoa mới lần này được in với hình thức đẹp, hấp dẫn (nên giá sách tăng) sẽ đi đôi với chất lượng về nội dung?

Và quan trọng hơn, cái hình thức đẹp này có tác động và ảnh hưởng như thế nào đến việc tổ chức hoạt động dạy học của các thầy cô giáo nhằm đảm bảo mục tiêu rèn luyện phẩm chất và phát triển năng lực mà chính ông đã nhiều lần phát biểu trước dư luận?

Thứ ba, nợ vay phải trả. “4 triệu USD mà Nhà nước vay của ngân hàng thế giới để hỗ trợ cho vùng khó khăn” suy cho cùng cũng là tiền thuế của người dân góp vào để trả.

Thế nên, tôi thật sự không hiểu tại sao ông Thuyết lại “hồn nhiên” xem đó là lý do để lý giải cho việc tăng giá sách giáo khoa một cách vô lý như vậy? 

Tăng giá vì có “tích hợp công nghệ 4.0” và dán tem chống sách giả, in lậu?
 

Một trong những lời giải thích về việc tăng giá sách giáo khoa mới làm tôi không khỏi “đơ” người chính là việc các những người có trách nhiệm ở của Nhà xuất bản giáo dục bảo rằng các bộ sách giáo khoa mới được xuất bản“theo hướng tiệm cận xu thế phổ biến trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của học sinh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” và “ngăn ngừa đẩy lùi tệ nạn in lậu sách”. [3].

Than ôi, có tin được không? Tôi có nghe nhầm không? Ai trong số các vị có thể giải thích rõ hơn giùm tôi cũng như các vị phụ huynh học sinh việc các bộ sách giáo khoa mới được “tích hợp công nghệ 4.0” là như thế nào?

Và quan trọng hơn là từ hình thức và nội dung của các quyển sách, các thầy cô giáo tiểu học sẽ dạy gì cho các cháu học sinh về chuyện “cách mạng công nghiệp 4.0” nhất là các cháu vừa qua độ tuổi mẫu giáo để bước vào lớp 1 vốn chưa biết rành mặt chữ?

Xin hỏi các vị còn lý do nào để lý giải việc tăng giá sách giáo khoa thật sự có tính giáo dục và khoa học hơn không?

Thay lời kết

Cả nước đang gồng mình phòng chống đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế đất nước từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhìn chung đã suy giảm trên tất cả mọi lĩnh vực sản xuất, ngành nghề...

Và nếu dịch vẫn kéo dài thì những thiệt hại chắc chắn sẽ còn trầm trọng hơn nữa. 

Với tình hình như vậy rõ ràng việc tăng giá sách giáo khoa như hiện nay sẽ là một gánh nặng rất lớn cho phụ huynh học sinh khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ thực hiện việc thay sách giáo khoa lớp 1 mới.

Nhưng đây chỉ là tác động về mặt vật chất.

Còn về mặt tinh thần, rất có thể việc giá sách cao ngất ngưởng nhưng được giải thích bằng với những lý do rất chung chung và không thuyết phục sẽ làm cho người dân thêm thất vọng và mất niềm tin về sự trung thực, tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm của những người đang được giao trọng trách lèo lái con thuyền giáo dục nước nhà hôm nay. 

Chú thích:

[1]: “Tranh luận về việc tăng giá sách giáo khoa mới”. //vnexpress.net/giao-duc/tranh-luan-ve-viec-tang-gia-sach-giao-khoa-moi-4064892.html

[2]: “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Quan tâm nhất là tinh thần của giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”. //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-nguyen-minh-thuyet-quan-tam-nhat-la-tinh-than-giao-vien-khi-trien-khai-chuong-trinh-pho-thong-moi-395729.html

[3]: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lý giải lý do giá sách giáo khoa mới tăng cao”. //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-giai-thich-ly-do-gia-sach-giao-khoa-moi-cao-post208166.gd

Theo Nguyễn Trọng Bình
Giaoduc.net.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây