Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Để trẻ em an toàn trước nạn xâm hại

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bóc lột. Mặc dù vậy, pháp luật Việt Nam vẫn còn rất nhiều lỗ hổng và khiếm khuyết.

 
THPT HUNGVUONG

Học sinh Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM tham gia câu lạc bộ tự vệ biểu diễn những thế võ tự vệ khi có người tấn công - Ảnh: NHƯ HÙNG
 

Đó là nhận định của bà Lê Hồng Loan - trưởng chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc

(UNICEF). Trong khi đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - chi hội trưởng chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - đưa ra 3 nguyên tắc "vàng" cho trẻ em...

Cải thiện lỗ hổng pháp luật

Theo bà Loan, trước hết, nhiều loại hình xâm hại, bóc lột đối với trẻ em hiện vẫn chưa được pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng, với các chế tài đủ nghiêm khắc. Gần đây, Luật trẻ em 2016 đưa ra khái niệm chung về xâm hại trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có nhắc đến dâm ô. Tuy nhiên, vẫn chưa có một định nghĩa toàn diện, cập nhật về xâm hại tình dục trẻ em.

Luật trẻ em có giải thích chung về khái niệm xâm hại tình dục trẻ em, còn các hình thức xâm hại tình dục trẻ em cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS). 

Tuy nhiên, BLHS được ban hành từ năm 1985, mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa cập nhật đầy đủ và toàn diện trước thực tiễn về xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp, với những hình thức và thủ đoạn phạm tội mới trong thời đại công nghệ thông tin phát triển.

Nhiều hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa được quy định đầy đủ và cụ thể, theo yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế.

Ở Việt Nam, việc truy tố tội danh "dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi" phải có hành vi đụng chạm vào phần nhạy cảm của nạn nhân, nhằm thỏa mãn ham muốn của cá nhân đó mới có cơ sở truy tố. Đây là điều chưa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. 

Trong khi các hình thức xâm hại khác mà không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa kẻ phạm tội và trẻ em như: gạ gẫm, dụ dỗ thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin (phơi bày thân thể để chụp ảnh, ghi hình)... vẫn chưa được quy định trong BLHS và không bị trừng phạt. 

Quy định về yếu tố cấu thành của một tội hiếp dâm trẻ em ở Việt Nam cũng chưa phù hợp với các chuẩn mực và điển hình tốt của quốc tế, vì đòi hỏi phải có yếu tố dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.

Pháp luật cũng chưa quy định một quy trình liên ngành, hiệu quả và dễ tiếp cận, đặc biệt là đối với trẻ em, để cho phép tố cáo, xác minh và xử lý kịp thời, nhanh chóng các hành vi xâm hại, bóc lột trẻ em. 

Trong bối cảnh còn phổ biến những quan niệm như cha mẹ bạo hành con là chuyện nội bộ của gia đình, còn phổ biến những thái độ gièm pha, soi mói đối với trẻ em bị xâm hại tình dục, việc đưa những hành vi xâm hại trẻ em ra ánh sáng còn gặp nhiều rào cản lớn.

Bà Loan đưa ra khuyến nghị: trừng trị nghiêm khắc những kẻ xâm hại tình dục trẻ em là rất cần thiết, tuy nhiên nếu chỉ trừng phạt thôi thì vẫn chưa đủ. 

Vấn đề quan trọng là phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết những nguyên nhân sâu xa, trong đó có vấn đề bất bình đẳng giới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và phát triển các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại. Tăng cường năng lực cấp quốc gia và cấp cơ sở để cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
 

Ba nguyên tắc "vàng" cho trẻ

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại. Để hạn chế các trường hợp này, phụ huynh cần phải lưu ý bảo vệ con em mình, cụ thể đừng để các em đi một mình, đến những nơi vắng vẻ, một mình vào thang máy. Bởi để các em một mình đi thang máy có thể gặp những điều bất trắc như bị xâm hại, thang máy bị sự cố... mà các em không thể xử lý được. 

Trong đó có 3 nguyên tắc "vàng" cho trẻ em: 

Thứ nhất, cơ thể của các em là bất khả xâm phạm, không cho người lạ đụng vào dù nam hay nữ, có ý thức bảo vệ bản thân mình trước người lạ. 

Thứ hai, tránh xa người lạ khoảng 1m, giúp các em giữ khoảng cách an toàn tối thiểu trước người lạ mặt. 

Thứ ba, khi kẻ thủ ác đến gần khi không có cha mẹ, người thân đi cùng thì các em phải la lên để những người xung quanh đến giúp đỡ. 

Luật sư Nữ cũng lưu ý thêm việc ban quản lý các chung cư khi thấy các em đi thang máy một mình nên cử người đưa các em lên, hoặc đợi khi có người thân hoặc đông người cùng đi lên.

Theo luật sư, việc xâm hại trẻ em diễn ra liên tục là do chế tài chưa đủ răn đe, dẫn đến việc coi thường pháp luật. 

Bên cạnh đó, trong các vụ dâm ô pháp luật đòi hỏi chứng cứ quá khắt khe, trong khi nhiều vụ dâm ô thường diễn ra ở nơi vắng vẻ, chỉ có lời kể của trẻ nên việc đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất là rất khó.

Năm 2019, thành phố đang phát động chương trình "An toàn cho phụ nữ và trẻ em". Để hạn chế thực trạng trên, cần xử lý thật nặng, thật nghiêm minh để tình trạng xâm hại không còn. Khi điều tra các loại án về dâm ô trẻ em, bên cạnh nghe trẻ khai, người tình nghi xâm hại khai, cần cho trẻ đối chất với nghi phạm, trích xuất camera tại thời điểm đó làm bằng chứng hỗ trợ. 

Ngoài ra, trong các vụ án xâm hại trẻ em cần có đội ngũ điều tra viên là nữ, có chuyên môn về xâm hại trẻ em để hiểu và nắm bắt tâm lý trẻ em, giúp trẻ cởi mở, có ngôn ngữ gần gũi với trẻ.


 

Hội Bảo vệ trẻ em kiến nghị khởi tố vụ án

Ngày 5-4, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã có kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng, đề nghị khởi tố vụ án đối với vụ bé gái bị dâm ô trong thang máy xảy ra tại chung cư Galaxy 9, quận 4, TP.HCM.

Hội Bảo vệ trẻ em nhận thấy hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh cần được khởi tố để điều tra về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 146 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tội phạm này BLHS không quy định phải khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Do chủ thể là người dưới 16 tuổi, nên không cần đơn yêu cầu khởi tố của gia đình nạn nhân.
 



Theo HỒNG VÂN - TUYẾT MAI
Tuổi trẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây