Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao

Những trục trặc kỹ thuật ban đầu khi học trực tuyến sẽ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu người học hiểu rõ mục tiêu và kế hoạch học tập, họ sẽ cùng người dạy khắc phục để kiên trì với mục tiêu đã đặt ra.
 
trực tuyến

Ý tưởng tận dụng sức mạnh của máy tính để hỗ trợ quá trình học tập của người học đã được đưa ra và thử nghiệm từ những năm 1960 ở Mỹ. Sau sự bùng nổ của mạng internet trên phạm vi toàn thế giới, dạy và học trực tuyến trên diện rộng mới thực sự được đầu tư phát triển.

Khắc phục hạn chế của công nghệ là mấu chốt quyết định thành công

Mục đích của dạy học trực tuyến cũng giống như dạy học truyền thống không gì khác chính là giúp người học khởi tạo và củng cố kiến thức về một chủ đề nào đó. Điểm khác biệt giữa hai loại hình dạy và học này nằm ở công cụ và môi trường diễn ra tương tác giữa người học và người dạy. Tận dụng được sức mạnh của máy tính, mạng internet cũng như khắc phục được những hạn chế của công nghệ chính là điểm mấu chốt quyết định thành công và hiệu quả của quá trình dạy học trực tuyến.
Điểm mạnh của máy tính là khả năng xử lý số liệu và triển khai trên diện rộng. Điểm hạn chế của phương án dạy học trực tuyến là sự thiếu tự nhiên (inauthenticity) của quá trình dạy và học do quá trình này diễn ra gián tiếp thông qua hình ảnh và âm thanh của máy tính. Khắc phục hạn chế này là một vấn đề của công nghệ và hạ tầng mạng internet cũng như khả năng xử lý của máy tính cá nhân hiện nay sẽ giúp việc học trực tuyến trở nên gần gũi và thân thiện với người học và người dạy hơn.


Lưu trữ lại bài giảng để người học xem khi cần

Do người học chỉ có thể tập trung trong một khoảng thời gian nhất định, việc người dạy nói hoặc trình bày liên tục bài giảng trong một khoảng thời gian dài có thể làm người học xao nhãng. Do vậy, các bài giảng đã được quay có thể được lưu giữ lại để người học có thể xem lại khi cần. Các bài giảng cũng cần được tổ chức một cách khoa học và dễ tìm kiếm. Sử dụng các công cụ quản lý học liệu trực tuyến như Moodle, Google Classroom hay Blackboard có thể giúp việc tổ chức và lưu giữ các học liệu hiệu quả hơn.
Ngoài các video bài giảng trực tuyến hoặc lưu trữ trên mạng, các học liệu khác như bài đọc, các đường dẫn tới tài liệu tham khảo trên mạng, các bài ôn tập, bài kiểm tra, các phiếu mô tả hoạt động học tập theo nhóm hoặc giữa người học với bố mẹ cũng cần được chuẩn bị và giới thiệu tới người học đúng thời điểm, phù hợp và hiệu quả.


Người học cần xác định mục tiêu rõ ràng

Đối với người học, cần xác định mục tiêu của việc học tập trực tuyến một cách rõ ràng. Từ đó, có cam kết về mặt tâm lý, thời gian và tâm trí một cách phù hợp để việc học hiệu quả. Việc đổi từ học truyền thống sang học trực tuyến là một thay đổi đáng kể. Môi trường mạng internet có nhiều nguồn gây mất tập trung. Việc các trường thiếu kinh nghiệm triển khai dạy học trực tuyến rất có thể gây ra những trục trặc kỹ thuật hoặc ảnh hưởng tới chất lượng của quá trình dạy.
Do vậy, quyết tâm và cam kết của người học là yếu tố quyết định tới hiệu quả của quá trình học. Người học cần chủ động phản hồi và tham gia trao đổi với người dạy, trường và các nhà cung cấp dịch vụ để dần dần cải thiện hệ thống dạy học trực tuyến. Đây chính là việc mà con người có thể làm tốt nhất mà máy tính khó có thể giúp được.
Đối với người dạy, việc xác định và thống nhất được với người học mục tiêu của khóa học với người học đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng của quá trình học. Những trục trặc kỹ thuật sẽ không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu người học hiểu rõ mục tiêu và kế hoạch học tập, họ sẽ cùng người dạy khắc phục những khó khăn ban đầu để kiên trì với mục tiêu đã đặt ra. Việc giao tiếp và cảm nhận mức độ tiếp thu kiến thức của người học trong quá trình giảng dạy trực tuyến có thể khó khăn hơn hình thức giảng dạy trực tiếp. Do vậy, người dạy cần dành cho người học nhiều thời gian hơn để họ có thể đặt câu hỏi hoặc đưa ra các phản hồi trong suốt quá trình dạy trực tiếp hoặc qua các diễn đàn, các hệ thống giao tiếp giữa người học và người dạy.


Lựa chọn hệ thống phần mềm phù hợp

Đối với các nhà quản lý, cần lựa chọn hệ thống phần mềm phù hợp và các nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu và đặc thù của cơ sở giáo dục của mình. Các phần mềm mã nguồn mở hoặc miễn phí như Google Classroom, hay Moodle thường khó tùy biến và cần có thời gian để người học và người dùng làm quen. Các giải pháp phần mềm có trả phí như Zoom hay Skype hoặc các giải pháp do các công ty/tổ chức phát triển riêng cho từng trường thường có chi phí cao. Dù dùng giải pháp công nghệ nào, các cơ sở giáo dục cũng cần dành thời gian để người dùng làm quen với các hệ thống trước khi đi vào áp dụng trực tiếp. Các cơ sở giáo dục cũng nên lựa chọn giảng dạy trực tuyến các môn học cơ bản với số lượng người học không quá đông trước khi áp dụng cho những môn học chuyên sâu hoặc lớp học có số lượng lớn.
Dạy và học trực tuyến là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hạ tầng công nghệ ngày càng được cải thiện và diễn tiến phức tạp của những dịch bệnh như Covid-19. Để quá trình chuyển đổi này được diễn ra hiệu quả, cần tận dụng tối đa sức mạnh lưu giữ, truyền và xử lý thông tin của công nghệ cũng như sự nỗ lực từ cam kết của người học, tới sự chuẩn bị của người dạy, cũng như sự sẵn sàng của các nhà quản lý và tinh thần phụng sự của các nhà cung cấp dịch vụ.

 
Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Duy 
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây