Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Bộ GD-ĐT chỉ cách phòng dịch,giảm thiểu rủi ro nghỉ học vì COVID19

Để giảm thiểu sự gián đoạn học tập và bảo vệ học sinh, giáo viên trong trường học, Bộ GD-ĐT mới xây dựng tài liệu tham khảo Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
phòng dịch

Không lơ là dù dịch bệnh đang tạm lắng

Ghi nhận sau gần 2 tuần học sinh vào năm học mới cho thấy, dù dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt trên cả nước nhưng các nhà trường không vì thế mà lơ là trong việc phòng ngừa. Việc chuẩn bị các điều kiện phòng dịch dù đầy đủ nhưng nâng cao ý thức của mỗi học sinh và giáo viên trong phòng chống dịch được coi là yếu tố quyết định.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết ở các trường, học sinh và giáo viên được đo thân nhiệt, nhà trường nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, bỏ rác đúng nơi quy định, không tập trung đông người trong lúc chuyển tiết, ra chơi.

Các trường yêu cầu báo cáo nếu giáo viên, học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở để có biện pháp xử lý. Kết thúc mỗi buổi học, các nhà trường vệ sinh, sát khuẩn trường, lớp theo quy định...

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, Hà Nội cho biết các nhà trường trên địa bàn duy trì việc đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường, phối hợp cùng cha mẹ học sinh để theo dõi sức khỏe học sinh trước khi đến lớp. Các lớp học đều trang bị khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, các khối lớp bố trí giờ ra chơi luân phiên để hạn chế tụ tập đông người.

Trường THCS Nguyễn Lân (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) hàng ngày phân công 8 cán bộ, giáo viên, nhân viên đo thân nhiệt học sinh, đón và giao học sinh tại 2 cổng. Nhà trường chuẩn bị 1 phòng cách ly y tế đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, đáp ứng y tế khi cần thiết.

Trường THCS Nguyễn Lân cũng xây dựng phương án để sẵn sàng chia đôi lớp học nhằm giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, giờ ra chơi giữa các nhóm lớp đảm bảo không tập trung đông người, chỗ ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế.

Với những trường có thang máy như Trường Marie Curie Hà Nội, học sinh được hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh ngay trong những việc nhỏ, như không chen lấn, xô đẩy mà xếp hàng, rửa tay khử khuẩn khi chờ vào thang máy... Điều này tạo thành một nề nếp tốt ngay cả khi không có dịch bệnh. 

Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ cách thức phòng chống dịch tương đối đặc thù với trẻ mầm non, khi việc chăm sóc trẻ được đặt lên hàng đầu. Do vậy, nhà trường lưu ý thực hiện giãn cách phù hợp trong tổ chức bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ theo điều kiện thực tế; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý để tăng đề kháng cho trẻ...

Ban hành sổ tay phòng bệnh Covid-19 trong trường học

Để giảm thiểu sự gián đoạn học tập và bảo vệ học sinh, giáo viên và nhân viên trong trường học, Bộ GD-ĐT mới xây dựng tài liệu tham khảo mang tên "Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19". Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Tổ chức Y tế thế giới.

Ở nội dung các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống dịch tại trường học, cuốn sổ tay nêu rõ những công việc quan trọng và cần thiết đối với từng thành viên liên quan ở từng thời điểm, như: trước khi học sinh đến trường, trong thời gian học tập tại trường, sau khi học sinh rời trường.

Đáng chú ý, ở phần này, để các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn, giúp đỡ trẻ mầm non, học sinh tiểu học thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại nhà, sổ tay còn chỉ rõ 10 việc mà học sinh cần làm tại nhà hàng ngày.

Liên quan đến các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, cuốn sổ tay nhấn mạnh các biện pháp ứng phó của nhà trường khi có ca nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị, trường học có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, rà soát các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có thể bỏ học. Từ đó, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, áo quần, phương tiện đi lại, đảm bảo không có học sinh bỏ học vì khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh.


 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây