Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


2 Giáo viên muốn dạy thử sách giáo khoa trước khi lựa chọn

Để có cơ sở cho việc lựa chọn sách giáo khoa, việc thành lập hội đồng và hình thức bỏ phiếu kín... chỉ là kỹ thuật, điều quan trọng là giáo viên và học sinh phải được tiếp cận, dạy và học thử từng sách giáo khoa.
 
Giáo viên
 

Không chọn theo cảm tính

Ý kiến của các nhà trường và giáo viên (GV) đều cho rằng lựa chọn SGK là khâu cuối cùng. Để có cơ sở cho việc lựa chọn này thì quan trọng là GV và học sinh (HS) phải được tiếp cận, dạy thử nghiệm từng SGK. Nhất là trong hội đồng có đại diện cha mẹ HS, chắc chắn họ cũng phải được dự giờ các tiết dạy thử, họ cũng phải nghe con họ nói con thích học sách nào để có ý kiến xác đáng.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều nhóm tác giả SGK rất muốn tiếp cận với các nhà trường để giới thiệu về sách và chính tác giả viết sách sẽ dạy thử nghiệm cho HS để GV quan sát. Tuy nhiên, các nhà trường cho rằng ngoài việc tham gia các buổi hội thảo, trao đổi với tác giả, thì GV rất cần được trực tiếp tham khảo, xây dựng bài giảng mẫu để được góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những điểm cần lưu ý khi sử dụng sách.
Bà Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết từ khi có chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã mời một số thành viên ban soạn thảo chương trình đến trao đổi về tinh thần đổi mới, nhà trường cũng có GV được chọn dạy thử SGK lớp 1 mới, đặc biệt được Bộ GD-ĐT mời tham gia đọc rà soát SGK lớp 1 trước khi phê duyệt nên có những thuận lợi nhất định khi nhà trường thành lập hội đồng chọn sách mới.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết nhà trường sẽ chủ động liên hệ với các tác giả để trao đổi, hướng dẫn một số bài giảng mẫu.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, GV Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết việc tiếp cận sớm với SGK mới và tham dự các tiết dạy mẫu, dạy thử với sự góp ý, rút kinh nghiệm của chuyên gia, đồng nghiệp thì GV có thể yên tâm nghiên cứu thực hiện đổi mới về phương pháp giảng dạy trước khi chính thức tiếp nhận nhiệm vụ năm học 2020 - 2021.
Một GV tiểu học của Q.Tây Hồ, Hà Nội cho biết sẽ nghiên cứu 5 bộ sách và đưa ra nhận xét từng bộ để ban giám hiệu lựa chọn.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông (Hà Nội), nêu quan điểm nếu giao cho các nhà trường chọn SGK thì phải phát huy tối đa quyền lựa chọn của nhà trường. Như thế có nghĩa trong cùng một địa phương không nhất thiết chỉ chọn 1 bộ sách, căn cứ tình hình thực tế, có thể chọn những bộ sách khác nhau, miễn sao phù hợp với điều kiện dạy học và đối tượng HS của từng trường.
Bà Trần Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hội (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), cho hay dù trường chọn hay tỉnh chọn SGK thì theo cách làm của Sở GD-ĐT Lâm Đồng, bà tin rằng nhà trường và GV vẫn có tiếng nói quan trọng. Trước khi có dự thảo hướng dẫn, Sở GD-ĐT đã có công văn gửi các trường tiểu học đăng ký để Sở mua các SGK mới được Bộ GD-ĐT phê duyệt cho các trường tiếp cận soạn bài và dạy thử. Từ đó, có thời gian để hiểu và lựa chọn các SGK phù hợp nhất.

Sở GD-ĐT quy định cụ thể tiêu chí

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đây vừa là lần đầu tiên đổi mới chương trình, SGK thực hiện phương thức mới vừa là năm chuyển tiếp giữa Nghị quyết 88 của Quốc hội và luật Giáo dục 2019, cho nên việc ngành giáo dục phải có hướng dẫn để các địa phương, nhà trường có phương thức lựa chọn phù hợp là rất cần thiết.
Dự thảo thông tư quy định lựa chọn SGK giao giám đốc sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn phù hợp với địa phương. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng các tiêu chí chủ yếu lựa chọn như phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế, xã hội… của địa phương thì địa phương sẽ xác định phù hợp nhất nên dự thảo thông tư để cho địa phương xây dựng các tiêu chí này.
Về việc có bắt buộc phải dạy thử trước khi chọn hay không, ông Thành cho rằng Bộ không quy định cứng nhưng chắc chắn việc soạn bài, dạy thử trước khi chọn SGK là vấn đề mà các địa phương và nhà trường sẽ quan tâm.
Ông Thành cho biết theo tiến độ thì khi có thông tư chính thức, nhà trường và GV sẽ có hơn một tháng để làm tất cả những việc liên quan đến chọn SGK, do vậy việc dạy thử các sách mới không khó khăn gì về mặt thời gian. Dự kiến, đến tháng 3.2020, sẽ công bố những cuốn SGK được lựa chọn chính thức.


Sách nào cũng không đủ 50% thành viên hội đồng lựa chọn, xử lý ra sao ?
Dự thảo quy định SGK được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu (kín) đồng ý lựa chọn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dự thảo không quy định nếu trong trường hợp tất cả SGK đều không được 50% số thành viên hội đồng lựa chọn thì xử lý ra sao. Đây có thể là tình huống hy hữu nhưng cũng là vấn đề mà ban soạn thảo thông tư của Bộ cần tính đến để có phương án “trọng tài” đứng ra cầm cân nảy mực nếu điều đó xảy ra.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây