Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


‘Vì sao độ ta không độ nàng?’ không phải là câu cần hỏi Phật

Hồng trần cuồn cuộn, tình si vốn mãn ý thì ít, bi ai lại nhiều, duyên hết thì tình dứt, cớ sao phải quyến luyến khổ đau. Người muốn thản đãng mà bước, tự tại không chấp mê thì phải hiểu chữ tình ấy. Người muốn tu thành, thoát sinh tử chẳng phải lại càng hiểu chữ tình ấy hay sao?
 
DotaDonag
 

Thế nên người tu hành kia mới nói:

“Phật độ ta,

Vì trong ta có Phật

Phật không độ nàng,

Vì trong nàng chỉ có ta…”

Bài hát “Độ ta không độ nàng” đang gây sốt trong cộng đồng mạng bởi âm nhạc dễ nghe, ca từ đậm chất thơ và thiền, cùng với nội dung về một tình yêu trái ngang. Nhưng bài hát mang đậm chất tình và mông lung bao nhiêu, thì câu chuyện đằng sau từ “độ” lại có thể khiến bạn lý giải được phần nào. Hóa ra “vì sao độ ta không độ nàng” lại không phải là câu cần phải hỏi Phật.

Từ “độ” (渡) được cấu thành từ bộ thủy (⺡) nghĩa là nước và từ đạc/độ (度) nghĩa là qua, trải qua, từ bờ này sang bờ kia. Vậy nên “độ” có nghĩa gốc được giải thích trong Hán văn giải tự là vượt qua sông, xuyên qua, băng qua. Mở rộng ra, “độ” còn được dùng là dẫn dắt, ví như “độ dẫn” là dẫn dắt người rời thế tục xuất gia, “độ ngu mông” là làm cho người thoát khỏi ngu muội.

Thế nhưng dẫn dắt cũng chỉ là đưa cho một con đò, còn qua sông được hay không, chẳng phải tự bản thân người trên đò cần vận sức, dụng tâm?

Phật gia bảo người ta ở cõi đời này là cõi khổ, phải tu theo chính Pháp vượt qua bể khổ, vì thế xuất gia tu hành gọi là “thế độ” (chữ độ “度” này – là một bộ phận cấu thành của độ “渡”) . Sáu Pháp: “bố thí”, “trì giới”, “nhẫn nhục”, “tinh tấn”, “thiền định”, “trí huệ” gọi là “lục độ”. Dùng sáu Pháp ấy mới khiến người trong bể khổ sang tới cõi giác vậy.

Nhưng muốn đắc được Pháp, chẳng phải trước tiên người ta phải xuất được tâm muốn tu hành. Cũng là khi vị Phật có thể độ ta thấy được tâm muốn qua sông của ta mà trao cho chiếc thuyền, chỉ cho ta cách lèo lái. Thuyền chỉ là phương tiện, thực sự qua được tới bờ bên kia không, là do có thể thực hành đúng và tốt những gì được chỉ bảo hay không.

Vậy thì khi không thể qua được sông, thậm chí khi vẫn còn đang đứng ở bên bờ bên này sông mà không chịu đi tìm con thuyền, sao có thể hỏi “vì sao không độ tôi” được?

Chính Pháp độ nhân vốn luôn yêu cầu người ta phải minh bạch, đoạn dứt được ái tình. Không bảo là con người phải không được yêu thương nhau nữa, mà là yêu ở một mức độ cao hơn, tình yêu không điều kiện. Đã có duyên phận thì phải trả, nhưng cũng phải hiểu duyên dứt thì tình tan. Yêu người không phân rõ được mất, không cầu được hồi đáp, không oán hận nếu bị phụ, không luyến tiếc nếu chẳng thành. Như hoa Bỉ Ngạn, tới lúc lên trời phải để lại mọi u sầu, nhung nhớ, tình si, trở thành Mạn Đà La hoa trắng trong vô khổ vô bi. Những thứ kia rơi xuống sông Vong Xuyên, trở thành Bỉ Ngạn đỏ rực nhắc nhở thế nhân về sự đắm say, day dứt, cuồng nhiệt mà đau thương của ái tình.
 

Vậy ai còn yêu mà cứ chấp mê bất ngộ, nhất quyết phải có được người mình yêu, nhất quyết phải cùng nhau đi chung đoạn đường nhân sinh này, nhất quyết gặp lại, nhất quyết si hận tham lam thì đến bao giờ mới thoát khỏi sợi dây trói buộc mang tên duyên phận? Si chồng si, oán chồng oán, ngụp lặn trong luân hồi mà trả nợ nhau.

Thế nên muốn sang bờ bên kia, mà nàng lại còn mang nỗi si mê như đá bên mình thì ai cấp thuyền cho nàng chở đá, chưa ra đến giữa dòng đã bị chìm mất vào lòng sông rồi.

Muốn qua được sông, trước tiên phải hiểu làm cách nào mới qua được sông. Trong tâm muốn có thuyền thì sẽ được cấp thuyền. Lên thuyền rồi lại còn phải nhớ lời dạy mà chèo thuyền cho tốt, nhớ hướng mà nhắm cho trúng bờ bên kia, thì mới không bị dòng nước cuồn cuộn nuốt gọn hay kéo đi xa bờ.

Một từ “độ” ấy chẳng phải đã vẽ nên bức tranh quá hùng vĩ và hiểm trở, lại cũng nên thơ và bi tráng của hành trình đi tới bến bờ giác ngộ. Nếu chở theo cái tình chất nặng, nào biết khi nào mới qua được sông, thế thì hà tất phải hỏi người cho ta thuyền, mà hãy hỏi chính mình, rằng sao ta mãi chẳng chịu buông.

Một niệm thành Phật, một niệm thành ma. Phần buông bỏ thì trở thành Mạn Đà La hoa tinh khiết trên Thiên quốc, phần dục vọng trở thành Bỉ Ngạn đỏ rực bên bờ Vong Xuyên. Thế nên Bỉ Ngạn đẹp rực rỡ mà có độc, lại mọc ở chốn âm ty, tiễn đưa người một đoạn để nhắc nhở thế nhân về ái tình.

“Đắc độ” được hay không một phần là ở việc bạn có thể minh bạch thoát mê được hay không. Phật vẫn luôn ở đó, dọn sẵn một con thuyền, chỉ cần bạn muốn và quyết tâm sang bờ bất chấp bão giông.

Theo Thuần Dương
ĐKN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây