Hà Nội nên bỏ môn thi thứ tư trong thi tuyển sinh lớp 10

Thứ năm - 03/03/2022 19:30:33

Dịch bệnh khiến việc dạy học khó khăn suốt 3 năm qua thêm xu hướng tự chọn, giảm môn học bắt buộc ở lớp 10 từ năm học tới nên nhiều ý kiến đề nghị Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong tuyển sinh vào lớp 10.
 
Hà Nội

Vô lý nếu thi 4 môn khi điều kiện dạy học quá khó khăn

Lứa học sinh (HS) sinh năm 2007 vốn phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong suốt 3 năm liên tiếp, đặc biệt là năm học này, khi mà chỉ còn vài tháng nữa kết thúc nhưng việc học vẫn tiếp tục lận đận vì dịch bệnh. Mặc dù Hà Nội đã cho HS trở lại trường từ sau kỳ nghỉ tết đến nay nhưng việc học trực tiếp lại vô cùng bấp bênh khi số F0 ở các nhà trường tăng theo ngày, HS đi học vài bữa lại nghỉ.

Chị K.T, có con học lớp 9 Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Q.Hoàn Kiếm), cho biết con đi học 1 tuần thì nghỉ 1 tuần do trở thành F1 của bạn ngồi cùng bàn nhiễm Covid. Đi học lại được 1 buổi thì nhận được thông báo buổi sau ở nhà học trực tuyến vì giáo viên (GV) thành F0 nên buổi học đó có đến trường cũng có tới 2 - 3 tiết học trực tuyến.

Chị Bùi Hiền, có con học Trường THCS Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), cũng chỉ ra rằng thực tế HS chỉ có năm lớp 6 được đến trường học trọn vẹn. Sau đó, mỗi lần quay trở lại trường, chưa kịp thích ứng với việc học tập thì lại có một đợt dịch khác xảy đến. Vì thế, kiến thức có sự thiếu hụt đáng kể.

Chỉ ra những khó khăn đó, các phụ huynh cho rằng thật vô lý nếu vẫn tạo thêm áp lực cho HS khi thi môn thứ tư mà đến thời điểm này vẫn chưa biết môn thi ấy là gì.

Một GV dạy lớp 9 ở Q.Tây Hồ cho rằng Hà Nội chủ trương tổ chức môn thi thứ tư với mong muốn tránh để HS học lệch, học tủ. Tuy nhiên, thực tế HS vẫn cứ chờ đến khi công bố môn thi thứ tư mới học “cấp tốc” môn đó chứ các em cũng không học đều hết các môn như mong muốn của Sở. Trong thời gian chờ công bố môn thi thứ tư, các em vẫn tập trung nhiều hơn cho 3 môn toán, văn, tiếng Anh.

Bà Phạm Thái Lê, GV dạy ngữ văn Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ dạy và kiểm tra trực tuyến, GV dù cố gắng đến mấy cũng không thể “đong đếm” được chất lượng. Vì vậy, bà Thái Lê cũng cho rằng dù có thi môn thứ tư thì lẽ ra HS cần được biết sớm, không cần thiết phải tạo ra hồi hộp, căng thẳng khi công bố gần ngày thi như vậy.

Học lớp 10 tự chọn, sao phải thi nhiều môn ?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ: Từ đầu năm học đến nay, do dịch bệnh nên nhiều ý kiến đề nghị Hà Nội nên bỏ môn thi thứ tư hoặc công bố sớm môn thi này để giảm áp lực cho HS và các nhà trường. Tuy nhiên, nếu không có lý do vì dịch bệnh, câu hỏi đặt ra là cách thức lựa chọn và công bố môn thi thứ tư như Hà Nội đang áp dụng có còn phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới?

Từ cấp quốc gia đến các cơ sở giáo dục đang tích cực chuẩn bị cho một giai đoạn đặc thù, cuối bậc phổ thông: giáo dục định hướng nghề nghiệp. Do vậy, tư duy và hành động cần phải thay đổi căn bản, từ cách thức tuyển sinh cho đến quá trình tổ chức dạy học ở cấp THPT.

Ông Nguyễn Xuân Khang chỉ ra rằng: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học tới (2022 - 2023) sẽ bắt đầu áp dụng với lớp 10 ở cấp THPT. Đặc thù của cấp học này khi đổi mới là tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của HS, giảm số môn học bắt buộc. Vậy thì tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 nên có bao nhiêu môn thi và cụ thể những môn thi nào, việc phải thi nhiều môn để tuyển sinh vào cấp học mà có thể các em sẽ không chọn môn đó để học tiếp có phù hợp không? Theo quy định, HS lớp 10 năm tới có thể không lựa chọn học 4 trong 6 môn lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học. Vì vậy, kỳ thi vào lớp 10 sắp tới có nên chọn các môn này không?

“Việc dạy học thay đổi theo hướng tự chọn nên việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới trở đi và tuyển sinh vào đại học sau 3 năm nữa buộc phải thay đổi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt ở THPT”, ông Khang đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), cũng cho rằng về lâu dài không nên thi nhiều môn để tuyển sinh vào lớp 10 vì đây là kỳ thi tuyển chọn chứ không phải để xét tốt nghiệp THCS.

Theo thông tin của Thanh Niên, Sở GD-ĐT Hà Nội đang cân nhắc, tính toán tham mưu với UBND TP để ra quyết định về phương án thi vào lớp 10 THPT năm học tới một cách phù hợp nhất trong điều kiện dạy học hiện nay. “Tinh thần là không gây áp lực không đáng có cho HS trong điều kiện học tập thích ứng với dịch bệnh, nhưng không vì thế mà buông lỏng chất lượng”, vị này cho hay.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên
 Tags: Hà Nội

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây