Người học khối ngành KHCN, kỹ thuật không muốn học lên tiến sĩ?

Thứ ba - 23/05/2023 07:32:04


Khoảng cách đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước sẽ còn xa nếu không chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học kỹ thuật.

Vì sao nhiều người học


Công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển của nước ta.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, đứng trước thách thức thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời để tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước.

Nhiều lý do khiến người học khối ngành khoa học công nghệ kỹ thuật không học lên cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm, nhìn vào thực tế của trường hiện nay, số sinh viên học khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ sau khi tốt nghiệp học lên bậc cao hơn thường thấp hơn so với khối ngành kinh tế.

Mỗi năm, trường cũng không tuyển đủ số lượng người học bậc thạc sĩ, tiến sĩ cho khối ngành này.

Theo thầy Hải, số người học sau khi tốt nghiệp khối ngành khoa học kỹ thuật chia làm 3 nhóm đối tượng. Một bộ phận người học sau khi ra trường do có việc làm lương cao nên thấy như vậy là đủ, không cần phải học lên cao.

Nhìn nhận từ thực tế, đây cũng là lý do của nhiều sinh viên khối ngành này của trường bởi thường, khi ra trường, họ có việc làm liền và việc làm có mức lương tương đối cao. Thậm chí, có nhiều bạn từ năm 3 năm 4 đã được các doanh nghiệp tuyển sinh với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.

Bộ phận người học khác lại nhận thấy việc học sau đại học của khối ngành khoa học kỹ thuật là rất khó (đề tài nghiên cứu, luận văn,.. để thực hiện tương đối khó). Trong khi đó, nếu học khối ngành kinh tế dễ dàng hơn nên đã lựa chọn rẽ hướng sang học khối ngành kinh tế sau đại học.

Bên cạnh đó, một số khác sẽ để một thời gian lâu sau khi tốt nghiệp để học tập, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm rồi mới tính đến việc học lên.

Mặt khác, thông thường, số sinh viên sau khi tốt nghiệp khối ngành khoa học kỹ thuật ít muốn công tác tại các cơ quan nhà nước mà chủ yếu muốn làm việc ở các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lại thường không yêu cầu bằng cấp trình độ cao, đặc biệt là các công ty nước ngoài.

Hơn nữa, tại phòng thí nghiệm, các doanh nghiệp cũng chỉ thường yêu cầu nhân lực có thể nghiên cứu được, không cần phải có bằng cấp cao như tiến sĩ mới thực hiện được, hoặc một số phòng nghiên cứu của doanh nghiệp lại kết hợp với các trường đại học,...

Cũng theo thầy Hải, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao của khối ngành khoa học kỹ thuật có thể gây ra một số hệ lụy phải kể đến như:

Trước hết, chúng ta có thể nhìn thấy hậu quả của việc này là nền khoa học nước nhà sẽ không thể phát triển được bền vững, khả năng cạnh tranh trong tương lai sẽ trở nên kém đi. Giai đoạn hiện tại, chúng ta có sử dụng những ứng dụng công nghệ để thúc đẩy sự phát triển.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, chúng ta lại đang dần thiếu những nghiên cứu khoa học mang tính chuyên sâu để phát triển lâu dài, cạnh tranh với các nước trên thế giới về những nghiên cứu mang hàm lượng chất xám khoa học cao; các sáng chế hiện nay cũng rất ít mà phải tốn rất nhiều chi phí để có được,...

“Đối với một số trường hiện nay chỉ tập trung vào việc đào tạo mang tính ứng dụng chứ chưa thúc đẩy công tác đào tạo nghiên cứu cần phải nhìn nhận lại. Bởi, ứng dụng để thực hiện cho thời gian ngắn, còn nghiên cứu mới để thực hiện cho thời gian dài. Lấy ngắn nuôi dài, chứ không thể lấy ngắn xài hoài”, thầy Hải nêu ý kiến.

Hơn nữa, nhìn về lâu dài, nếu việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho khối ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật không được chú trọng, chúng ta sẽ không có đủ nhân lực để thực hiện chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà nước ta đang đặt mục tiêu hướng tới.

Do đó, hiện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến tới giải pháp rằng không đặt nặng việc nghiên cứu mang tính chất kiếm lời cho nguồn thu của trường, thay vào đó nhà trường sẽ đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu như phát triển mạnh những nhóm nghiên cứu trọng điểm.

Trường sẽ tập trung vào các sáng chế, sở hữu trí tuệ thay vì các bài báo khoa học. Không những vậy, trường sẽ đẩy mạnh việc kết hợp với doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu, làm ra sản phẩm thật, với giá trị chất xám cao.

Vừa qua, trường cũng đang tiến hành điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ để có thể tiến tới thực hiện việc này.

Ngoài ra, một hậu quả nguy hiểm hơn trong tương lai nếu không chú trọng đầu tư xây dựng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, kỹ thuật chất lượng cao đó là khi các giảng viên hiện tại của các trường của khối ngành này khi về hưu sẽ không có người kế thừa để đào tạo các thế hệ tiếp theo, khó có thể duy trì, phát triển ngành học này.

Để khắc phục dần được vấn đề này, hiện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng thường có những chính sách hỗ trợ cho các thầy cô trẻ mới về trường được học lên bậc cao hơn.

Thầy Hải cũng đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy nguồn chất lực chất lượng cao cho khối ngành khoa học kỹ thuật như:

Thứ nhất, các trường đại học cần truyền tải thông tin, cách thức thực hiện rộng rãi đến đông đảo những người đã tốt nghiệp. Việc làm này nên kết hợp cùng các địa phương, hướng tới những nghiên cứu xoay quanh, giúp ích cho địa phương để triển khai. Như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang kết hợp thực hiện việc làm này với tỉnh Long An. Từ đó, mới có thể tạo ra những nguồn thu cho tỉnh, cho những người thực hiện nghiên cứu này.

Thứ hai, cần tập trung phát triển nghiên cứu vào những lĩnh vực sẽ mang tính chất mũi nhọn trong tương lai, tránh nghiên cứu tràn lan.

Nhìn từ thực trạng và thành quả của các nước phát triển trên thế giới, ban đầu, họ cũng đầu tư mạnh cho khoa học về công nghệ nhưng chỉ với một, hai ngành có tính chất mũi nhọn.

Thứ ba, cần gia tăng việc kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp. Theo thầy Hải, nước ta có rất đông các doanh nghiệp, thế nhưng, thực tế rất ít doanh nghiệp đặt hàng cho các trường cho việc nghiên cứu.

Bởi, đối với các nước trên thế giới phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật, công nghệ, hầu hết các nghiên cứu, dự án của các đại học/trường đại học, viện nghiên cứu là làm việc với doanh nghiệp chứ không phải Chính phủ. Khi doanh nghiệp rót tiền xuống, giảng viên sẽ chiêu mộ những nhà khoa học để thực hiện và trả tiền tương đối cao cho họ.

Cũng theo thầy Hải, thời gian gần đây, các trường cũng đã chú ý nhiều hơn về việc nghiên cứu, chú trọng đầu tư mạnh hơn vào các phòng thí nghiệm, nghiên cứu. Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có những phòng nghiên cứu, thiết bị có thể sử dụng cho các kiểm định quốc gia.

Chia sẻ từ Tiến sĩ Khổng Trung Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nha Trang cho biết, những năm qua, việc tuyển sinh những bậc học thạc sĩ, tiến sĩ cho khối ngành khoa học kỹ thuật của trường là tương đối khó khăn.

Theo thầy Thắng, thường những người có nhu cầu phục vụ công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học của khối ngành khối ngành khoa học kỹ thuật mới học lên cao.

Mặt khác, các yêu cầu đầu vào và yêu cầu trong đào tạo cũng như công tác thực hiện nghiên cứu của khối ngành khoa học kỹ thuật khó khăn nhiều hơn so với các khối ngành khác.

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao của khối ngành khoa học kỹ thuật sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến mảng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, việc đón đầu, tiếp cận công nghệ mới.

Để góp phần thúc đẩy được việc phát triển nguồn nhân lực cho khối ngành này, thầy Thắng mong rằng, các đơn vị sử dụng lao động nên có thêm chính sách cho việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Không những vậy, nhà nước nên có thêm những học bổng để hỗ trợ về mặt chi phí đào tạo, nghiên cứu cho những người học khối ngành khoa học kỹ thuật lên bậc cao hơn sau đại học. Bởi, thực tế hiện nay, hầu như các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của nước ta có rất ít học bổng mà chỉ có một số chương trình liên kết với nước ngoài mới có học bổng.

“Nhiều người phải lo “cơm áo gạo tiền” nên nếu không có những học bổng hỗ trợ, khó có thể học tiếp tục lên bậc học cao hơn dù có nhu cầu”, thầy Thắng bày tỏ quan điểm.

 

Theo Tường San
Giáo dục Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây