300.000 thí sinh không xét tuyển đại học sẽ đi đâu?

Thứ năm - 03/08/2023 07:02:22


Theo Bộ GD-ĐT, kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 tổng số thí sinh xét tuyển là hơn 660.000, tương đương 66% số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn so với năm ngoái (năm ngoái là 64%).

thí sinh


Học trường quốc tế hoặc du học

Tại nhiều trường THPT chuyên hoặc trường phổ thông trực thuộc trường đại học ở Hà Nội, theo các hiệu trưởng, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học trường quốc tế hoặc du học khoảng 15-20%.

Theo đó, trung bình một lớp 40-45 học sinh sẽ có khoảng 5-7 học sinh đi du học hoặc học trường quốc tế tại Việt Nam. Đó là chưa kể có những lớp con số này chiếm 1/3.

Tỉ lệ này tại nhiều trường công lập ở Hà Nội cũng dao động 5-7%. Đại diện Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết trong hơn 700 học sinh lớp 12 của trường có 130 học sinh đi du học, 40 học sinh khác học các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam.

Cô Phạm Thị Thanh Thủy - phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - cho biết có 72 học sinh không học đại học trong nước (không đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT), các học sinh này chọn học đại học quốc tế tại Việt Nam hoặc du học.

Số liệu của Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) cho thấy trong 375 học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT năm nay chỉ có 23 học sinh không đăng ký xét tuyển.

Theo cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng - ngoài một học sinh đi nghĩa vụ quân sự, 22 học sinh còn lại đã lựa chọn học một số trường quốc tế tại Việt Nam như BUV, RMIT, Swinburne, Greenwich... hoặc đi du học.

thí sinh2


Học nghề đi làm ngay

Phần lớn học sinh lớp 12 nội thành Hà Nội nếu không du học hay học trường quốc tế thì đều đăng ký xét tuyển đại học theo hệ thống của Bộ GD-ĐT.

Con số này thay đổi với các trường THPT ngoại thành. Theo cô Thu Hà - một giáo viên chủ nhiệm của Trường THPT Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) - lớp chỉ có khoảng 60% số học sinh đăng ký ít nhất một nguyện vọng vào đại học. Số còn lại học cao đẳng nghề hoặc tham gia các khóa đào tạo tại chỗ của doanh nghiệp để đi làm ngay.

Học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đa số dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Nhiều người trong số này học nghề hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Em Lưu Văn Phương (Bắc Ninh) cho biết khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã chọn dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét đại học. Bố mẹ Phương đều là lao động tự do, công việc không ổn định nên việc trang trải cuộc sống và chi phí học tập cho ba anh em Phương rất chật vật.

Tương tự, em Đặng Đình Anh (Sơn La) cho biết đã đạt 22 điểm khối A00. Với số điểm này Đình Anh có thể nhập nguyện vọng xét tuyển vào nhiều trường đại học. Thế nhưng, Đình Anh vẫn bỏ cơ hội xét tuyển đại học và chọn học cao đẳng nghề.

"Mong muốn của em nếu đạt một số điểm cao vượt trội em sẽ xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin. Sau nhiều ngày cân nhắc về chi phí học tập đại học, em đã quyết định chọn học cao đẳng nghề để có thể vừa đi học vừa đi làm, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình, đến khi ra trường cơ hội làm việc cũng rộng mở. Không nhất quyết cứ phải vào đại học cho bằng bạn bè" - Đình Anh chia sẻ.

"Hết sức bình thường"

TS Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội - cho rằng việc khoảng 300.000 thí sinh không đặt một nguyện vọng xét tuyển nào trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT là hết sức bình thường.

Thực tế sau khi tốt nghiệp THPT, các thí sinh có rất nhiều con đường lựa chọn ngoài đại học như đi du học, du học nghề, học cao đẳng, trung cấp nghề... thậm chí là đi làm ngay trong các khu công nghiệp. Theo ông Ngọc, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh du học nghề ở Đức và châu Âu lớn hơn các năm trước rất nhiều.

Còn riêng với Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội năm 2023 sẽ tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu đào tạo cao đẳng nghề và 400 chỉ tiêu đào tạo trung cấp.

"Tính đến ngày 31-7 đã có khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nhập học. Đây chính là số lượng thí sinh không có nhu cầu học đại học mà theo học cao đẳng nghề trong thời gian ngắn và muốn được đi làm ngay.

Năm nay, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội thực hiện tuyển sinh kèm tuyển dụng. Vào năm nhất, sinh viên được ký hợp đồng với doanh nghiệp ngay, sinh viên khi ra trường sẽ không lo về việc làm" - ông Ngọc chia sẻ.

 

Theo Nguyên Bảo
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây