Đừng để kỳ thi riêng 'trăm hoa đua nở'

Thứ ba - 28/02/2023 18:57:25


Kỳ thi riêng nở rộ trong năm nay và có tiếp tục trong những năm tiếp theo là vấn đề nhiều người băn khoăn...

Tuyển sinh đại học


Hiện, các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng sử dụng kết quả các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá chuyên biệt… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh. Liệu kỳ thi riêng nở rộ trong năm nay và có tiếp tục trong những năm tiếp theo, đang là băn khoăn của nhiều người.

Không cần tham gia nhiều kỳ thi riêng

Trên phương diện người học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, việc các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng nhằm tạo thêm cơ hội xét tuyển vào đại học cho thí sinh. Theo đó, thí sinh mong muốn có thêm cơ hội thì có thể đăng ký tham gia kỳ thi riêng. Tuy nhiên, các em không cần tham gia nhiều kỳ thi vì đa số cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét đầu vào. Những thí sinh muốn xét tuyển vào các trường, ngành có mức độ cạnh tranh cao thì mới cần lựa chọn kỳ thi riêng để tăng cơ hội trúng tuyển.

Hiện nay, có nhiều kỳ thi riêng nhưng mỗi kỳ thi có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, Kỳ thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia có phạm vi lĩnh vực rộng. Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung chủ yếu lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Còn kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung đào tạo giáo viên. Kỳ thi riêng của Bộ Công an tổ chức dành cho các trường khối an ninh, công an…

Trước khi lựa chọn đăng ký kỳ thi riêng, thí sinh cần hiểu kỹ tính chất, quy mô, đặc tính riêng của các kỳ thi này. Ngoài ra, cần dựa trên định hướng lựa chọn ngành, chọn trường của mình để quyết định có tham gia kỳ thi riêng hay không và dự thi kỳ thi nào? “Chúng tôi rất vui khi có nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng công nhận chéo kết quả của nhau để tuyển sinh” – Thứ trưởng bày tỏ.

Nhìn từ khía cạnh các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng cho rằng, có thể do yêu cầu riêng của một số ngành có tính cạnh tranh cao, cần có “thước đo” đánh giá với độ tin cậy cao hơn, phù hợp với yêu cầu của nhà trường nên đơn vị quyết định tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh được những thí sinh phù hợp.

Các trường có thể liên kết

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – cho rằng, không nên để kỳ thi riêng trở thành xu hướng và “trăm hoa đua nở”. Chỉ những cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực, đáp ứng các quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, thì mới được phép tổ chức kỳ thi riêng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gợi mở, các trường có thể liên kết, cùng “chung tay, góp sức” để tổ chức chung một kỳ thi. Chẳng hạn, nhóm ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên có thể có chung 1 kỳ thi; lĩnh vực y, dược, khoa học sức khỏe cũng tương tự… Tóm lại, trường nào quyết tâm tự tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào thì cần có đề án với những minh chứng đầy đủ năng lực tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Thành Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - nêu quan điểm, việc giảm tải thi cử cần thiết và không thể có quá nhiều kỳ thi riêng để tuyển sinh trong thời gian tới. Xu hướng là, các trường sẽ liên kết với nhau, tạo sự thống nhất trong xét tuyển. Khi liên kết, các trường sẽ có ngân hàng đề thi phong phú, tạo ra kỳ thi công bằng, chất lượng. “Chẳng hạn, nên có một kỳ thi tuyển sinh dành riêng cho hệ thống các trường sư phạm. Điều này hoàn toàn hợp lý, phù hợp với bối cảnh tự chủ đại học và lộ trình đổi mới tuyển sinh” - PGS.TS Nguyễn Thành Nhân bày tỏ.

Đặt vấn đề, trong tương lai liệu các trường sẽ mở thêm nhiều kỳ thi riêng hay không? Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, một vài năm tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi. Xu hướng “nở rộ” kỳ thi riêng sẽ không xảy ra, bởi các trường đều tính tới hiệu quả việc tổ chức thi và công tác xét tuyển. Nếu các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng nhưng kết quả kỳ thi không được nhiều trường sử dụng, không nhiều thí sinh dự thi thì sẽ không hiệu quả.

Bộ GD&ĐT định hướng và mong muốn các trường ngồi lại với nhau, cùng thống nhất, chỉ dừng lại ở một vài kỳ thi, với những đặc thù khác nhau. Qua đó, tạo điều kiện cho thí sinh sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào nhiều trường và các trường sử dụng chung kết quả để tuyển sinh. “Khi xây dựng Quy chế tuyển sinh, chúng tôi tính kỹ và đưa ra nhiều điều khoản, tính công bằng trong việc tiếp cận kỳ thi riêng” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi.

Liên quan đến việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT không có chủ trương đứng ra thành lập các trung tâm này. Chúng ta chỉ nói đến định hướng trong tương lai sẽ hình thành trung tâm khảo thí độc lập.

 

Theo Minh Phong
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây