Những học sinh nào dễ trúng tuyển vào đại học hàng đầu Mỹ?

Thứ hai - 13/11/2023 21:33:38


Chuyên gia cho rằng tiêu chí chọn ứng viên của đại học Mỹ đã thay đổi qua các năm. Công thức chung gồm bảng điểm cao, chơi nhạc cụ giỏi, làm từ thiện nhiều… không còn là lợi thế cạnh tranh đem lại “tấm vé” cho ứng viên chắc chắn vào trường Mỹ.

78e1382fecfa3aa463eb


Tại hội thảo du học “Giải mã chiến lược chinh phục Ivy League và đại học Mỹ” diễn ra mới đây, ông Kuba Wrzesniewski, cử nhân Đại học Harvard, tiến sĩ UC Berkeley cho biết trong 10 năm qua, tiêu chuẩn và độ khó trong tuyển sinh đại học Mỹ đã thay đổi rất nhiều.

“Các trường vẫn luôn tìm kiếm những “Newton, Einstein, Marie Curie” có thể phát minh hoặc tìm ra lời giải mới cho một vấn đề nào đó. Tuy nhiên số lượng những ứng viên như thế thường rất ít”, ông Kuba nói.

Với số đông còn lại, ông cho rằng các trường thường dựa vào một số yếu tố nhất định để lựa chọn ứng viên xuất sắc.

Nếu trong quá khứ, việc đạt được những thành tích hoàn hảo về điểm số, giải thưởng hay tham gia nhiều cuộc thi đàn hát, nghệ thuật… là cách dễ dàng giúp ứng viên tiếp cận được những ngôi trường top đầu, giờ đây, các trường không chỉ đòi hỏi ứng viên phải giỏi ở một lĩnh vực nào đó mà còn phải biết cách ứng dụng hiểu biết ấy để giải quyết các vấn đề xã hội.

Do đó, thay vì tập trung vào việc trình bày: “Tôi là ai”, “Tôi xuất chúng như thế nào”, hồ sơ của ứng viên cần phải tập trung vào việc chứng minh: “Tôi đã làm gì”, “Tôi muốn làm gì”, “Những điều tôi làm tác động ra sao tới cộng đồng và thế giới”.

Sự chân thành, tâm huyết với những điều đã làm, theo ông Kuba, sẽ thuyết phục được nhà tuyển sinh rằng đó là ứng viên phù hợp và xứng đáng.

Với nhiều hồ sơ “lộng lẫy”, IELTS 8.0, SAT 1550... nhưng vẫn không trúng tuyển, theo ông Kuba, có thể do có nhiều hồ sơ cạnh tranh hơn và thí sinh không thể hiện được đam mê của bản thân.

“Với tỷ lệ chọi cao khi hàng nghìn học sinh châu Á có thành tích tương đương như vậy, nếu không thể hiện sự nỗ lực với đam mê sẽ khó đạt được kết quả tốt”.

Do đó, thay vì bắt chước những hồ sơ thành công, ông Kuba cho rằng, ứng viên cần tìm ra thế mạnh của bản thân và tập trung vào việc khai thác thế mạnh ấy.

Bà Lê Diệu Linh, Phó Giám đốc Summit, cũng cho rằng trong bối cảnh hồ sơ ngày càng cạnh tranh gắt gao, chỉ có sự xuất sắc về học thuật thôi chưa đủ.

“Dẫu vậy, nếu ứng viên có điểm chuẩn hóa cao cùng điểm tổng kết ở trường đạt loại A, A+ sẽ được trường Mỹ "để mắt". Ngoài ra, tầm vóc của trường THPT nơi ứng viên tốt nghiệp cũng là điều các trường quan tâm”. Theo bà Linh, ở Việt Nam, một số trường chuyên hay trường quốc tế có chương trình IB (tú tài quốc tế), AP (chương trình xếp lớp nâng cao)… là các trường thường được ban tuyển sinh đại học Mỹ chú ý.

Tuy nhiên, nếu không nằm trong những trường đó, sự nỗ lực của ứng viên để đạt điểm số cao khá quan trọng. Chẳng hạn, tại Đại học Princeton, thí sinh cần đạt khoảng điểm SAT từ 1500-1580; Đại học Harvard từ 1490-1580; Đại học Pennsylvania từ 1500-1570…

“Hiện nay đang có xu hướng thí sinh không bắt buộc cần có SAT mới được tuyển sinh. Nhưng nếu nộp, ứng viên phải đạt ngưỡng như vậy mới được xem là an toàn”, bà Linh nói.

Ngoài thành tích học tập tốt, theo bà Linh, ứng viên cần biết kể câu chuyện về bản thân để hội đồng tuyển sinh ấn tượng và nhớ về mình. Điều này thể hiện thông qua các hoạt động ngoại khóa, bài luận và phỏng vấn.

Bà Linh cho biết, nhiều người lầm tưởng rằng có một công thức chung để ứng tuyển thành công nên thường có xu hướng bắt chước lại. Chẳng hạn, rất nhiều học sinh lựa chọn đi theo con đường nhiều người đã làm là dạy học cho trẻ em vùng cao. Nhưng khi được hỏi vì sao những học sinh vùng cao cần học Vật lý, STEM, tiếng Anh… các bạn không thể trả lời được.

Hay 10 năm trước, việc giỏi piano là một sự đặc biệt; nhưng 10 năm sau, đó không còn là điều đặc biệt nữa. Do đó theo bà Linh, ứng viên cần phải tạo ra được sự khác biệt so với những người khác.

“Chẳng hạn với một học sinh giỏi lập trình, bạn đã nhận ra vấn đề là những người Việt Nam xa xứ dần mất kết nối với tiếng Việt. Vì thế, bạn ấy đã tìm cách liên hệ với một giáo sư người Việt ở Pháp đang biên soạn một cuốn sách học vần cho người Việt xa xứ.

Học sinh này với khả năng lập trình của mình đã làm ra một ứng dụng nhằm hỗ trợ người Việt xa xứ tiếp cận với nội dung cuốn sách ấy. Cách ứng viên biến đam mê, thế mạnh của bản thân để tạo ra một sự tác động với xã hội là điều các trường đại học Mỹ luôn tìm kiếm”, bà Linh lấy ví dụ.

Ngoài ra, bà Linh cho rằng tài chính cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cơ hội của ứng viên. Bởi khi phải xin hỗ trợ tài chính từ các trường, ứng viên đã rơi vào nhóm cạnh tranh nhất.

“Ngay cả các trường League, dù ngân sách nhiều nhưng chỉ có số ít trường theo chính sách “need-blind” (không cân nhắc đến khả năng đóng góp của ứng viên), còn số đông vẫn theo chính sách “need-aware” (xem xét đồng thời chất lượng hồ sơ và điều kiện tài chính của ứng viên). Do vậy nếu thuộc nhóm cần xin hỗ trợ tài chính, các trường luôn mong đợi sự xuất sắc ở hồ sơ cao hơn nữa”.

Do đó, bà Linh cho rằng hồ sơ cần nêu trung thực khả năng tài chính của gia đình. Trong trường hợp gia đình có thể chi trả chi phí được sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho học sinh.

 

Theo Thúy Nga
Vietnamnet

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây