Vì sao ăn tiết canh, rau sống có thể gây liệt người?

Thứ năm - 31/08/2023 10:50:19


Nhiều người có thói quen thích ăn tiết canh, các món gỏi sống, rau sống, tuy nhiên những thực phẩm này là nguồn chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau, có thể tiết ra một số độc tố và đi vào máu.

Vì sao ăn tiế


Nhiều trường hợp liệt người do ăn tiết canh

Vừa qua, người đàn ông 60 tuổi (ở Phú Thọ) đến bệnh viện khám với biểu hiện đau đầu, liệt nửa người phải. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc u nang trong não, nghĩ nhiều đến trường hợp có ổ sán. Nang lớn nhất khoảng 5-7 cm, đè ép lên nhu mô não khiến người bệnh yếu, liệt nửa người.

Bệnh nhân được phẫu thuật lấy u, giải phóng nang chèn ép não. Kết quả gửi mô bệnh học và làm giải phẫu bệnh, kết quả mắc bệnh sán não.

Người bệnh cho biết rất thích ăn thực phẩm chưa chín như tiết canh, rau sống. Bác sĩ cho rằng đây là nguyên nhân sán làm tổ trong não. Sau vài ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần.

Trước đó, ngày 25.8, thông tin từ Trung tâm Y tế H.Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị này đang điều trị cho 8 bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghi bị ngộ độc sau khi cùng ăn tiết canh bê.

Hay hồi năm 2019 một người đàn ông ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, cũng đã bị liệt nửa người vì não có nhiều sán làm tổ gây phù não do thói quen ăn tiết canh. Kết quả chụp CT não, các bác sĩ phát hiện có 5 ổ sán nằm rải rác trong não.

Tiết canh chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tiết canh là máu sống chưa trải qua quá trình tiệt trùng nên chứa rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae và các loài Enterococcus,... có thể tiết ra một số độc tố khi vào máu.

Các độc tố này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra nhiều tác dụng phụ như: Nôn mửa, tiêu chảy, trụy tim mạch...

"Ngoài ra, rau sống cũng có thể có nhiều loại ấu trùng sán khác nhau. Một số loại ấu trùng của sán có thể theo máu lên não và do không phát triển được 1 chu kỳ hoàn chỉnh chúng vẫn tồn tại ở trạng thái ấu trùng gây ra bệnh ấu trùng lạc chỗ ở não, có thể gây liệt người", tiến sĩ Triết phân tích.

Sơ chế kỹ, rửa rau với nước sạch nhiều lần 

Ngoài ra, theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM), thói quen ăn đồ sống tái, các món gỏi, rau sống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán. Nếu một người có sở thích ăn uống nói trên cần phòng ngừa bệnh giun sán, nhất là khi có các biểu hiện như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu, hạ huyết áp...

Vì sao ăn tiế1


Nhiều nơi nông dân vẫn sử dụng rác chưa qua xử lý để bón cho rau ăn sống, đây là hình thức truyền trứng giun, sán và các vi sinh vật gây bệnh cho con người. Do đó người tiêu dùng nên tuân thủ ăn chín uống sôi để hạn chế vi sinh vật gây bệnh. 

Rau sau khi mua cần sơ chế kỹ, rửa rau với nước sạch nhiều lần (tốt nhất rửa từng lá dưới vòi nước đang chảy) kèm ngâm rau với muối, nước cốt chanh, giấm táo pha loãng... giúp loại bỏ nhiều lượng chất bám trên bề mặt thực phẩm.

"Để phòng tránh bệnh, người dân nên ăn thực phẩm chín kỹ và đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nước uống cần được sôi sạch hoặc uống từ nguồn nước sạch. Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đất, động vật, hoặc bất kỳ môi trường có thể nhiễm sán. Giữ cho môi trường xung quanh sạch sẽ và không để phân động vật tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm", bác sĩ Hà khuyến cáo.

 

Theo Lê Cầm
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây