Trước làn sóng sa thải nhân sự, học gì để thoát thất nghiệp?

Thứ ba - 07/03/2023 06:18:03


Đại diện các trường ĐH đã giải đáp cặn kẽ những băn khoăn thiết thực về chọn ngành, cơ hội việc làm tương lai của học sinh trước ngưỡng cửa vào ĐH.

Thông tin được chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại Trường ĐH Nha Trang vào sáng 5.3.

Chương trình có sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 học sinh (HS) tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đồng thời chương trình được phát trực tuyến tại website thanhnien.vn, fanpage trên Facebook và kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên đến với HS cả nước.

Cơ hội làm việc trong 4 năm tới ra sao ?

Chọn học ngành nào và trang bị những gì để thoát khỏi nguy cơ thất nghiệp sau khi học ĐH là nội dung được nhiều HS quan tâm đặt câu hỏi trực tiếp trong chương trình.

Anh Minh (HS Trường THPT Nguyễn Trãi, Khánh Hòa) đặt một câu hỏi rất thực tế: "Theo em biết ngành công nghệ thông tin đang rất "hot" nhưng hiện nay làn sóng sa thải nhân sự lĩnh vực này đang gia tăng. Nếu em chọn ngành này thì sau 4 năm học ĐH cơ hội ra sao? Đây cũng là ngành học bị đào thải rất cao, làm sao để tránh được nguy cơ này?".

Trước làn sóng sa thải nhân sự


Giải đáp băn khoăn này, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nêu ra thông tin về nhu cầu nhân lực trong 10 năm qua theo một báo cáo. Theo đó, số liệu quá khứ và dự báo tương lai cho thấy tỷ lệ tăng nhu cầu nhân lực các ngành máy tính và công nghệ thông tin ở mức 27 - 56% và tỷ lệ này tăng rất cao so với các lĩnh vực khác. Ông cho rằng hiện nay chúng ta đang sống trong xã hội dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, không chỉ đào tạo các ngành nghề chuyên sâu mà tất cả ngành nghề khác đều cần trang bị yếu tố này cho công việc.

Tiến sĩ Viên còn chỉ ra một thực tế: "Hằng năm, lĩnh vực công nghệ thông tin đang thiếu số lượng lớn kỹ sư nhưng các doanh nghiệp đánh giá chỉ khoảng 30% số lượng sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay nhu cầu nhân lực. Do vậy, vấn đề ở đây không chỉ thiếu số lượng mà cả chất lượng. Với tốc độ đào tạo như hiện nay, chúng ta sẽ vẫn thiếu nhân lực trong 4 năm tới".

Nhưng cũng theo tiến sĩ Viên, cơ hội thì nhiều nhưng người học cần trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết mới có được cơ hội việc làm tốt. Việc bị đào thải hay không phụ thuộc vào sự trang bị của chính người học, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thay đổi nhanh chóng như công nghệ thông tin càng đòi hỏi việc nỗ lực học tập không ngừng để thích ứng. Thay vì lo lắng, các em cần chuẩn bị cho tương lai bằng việc học tốt bậc ĐH và tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp. Trường ĐH chỉ đào tạo nền tảng cơ bản, còn khi đi làm cần tiếp tục đào tạo để phù hợp với công việc và môi trường làm việc cụ thể. "Điểm đầu vào của các ngành học này cũng không phải thấp, nên việc đầu tiên cần chuẩn bị chính là kết quả học tập tốt ở học kỳ 2 năm lớp 12 để vượt qua kỳ tuyển sinh đầu vào ĐH sắp tới", tiến sĩ Viên lưu ý thêm.

Cùng lo lắng về tương lai sau khi tốt nghiệp, Lê Thị Mỹ Hà (HS Trường THPT Tôn Đức Thắng, Khánh Hòa) băn khoăn: "Em muốn chọn ngành du lịch nhưng lo sợ sau 4 năm ngành học này còn phát triển không, cơ hội việc làm ra sao?". Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế - Giám đốc Trung tâm giáo dục tổng quát và đổi mới sáng tạo Trường ĐH Thái Bình Dương, cho rằng những gì xảy ra trong quá khứ và hiện tại không nhất thiết sẽ xảy ra trong tương lai. Có những xu hướng việc làm chỉ diễn ra trong bối cảnh kinh tế xã hội một thời điểm, ví dụ ngành du lịch trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Hoặc hiện nay lĩnh vực công nghệ thông tin đang xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt nhân sự nhưng không có nghĩa ngành này không quan trọng trong hiện tại và tương lai. Quay về câu hỏi của HS, ông Minh Anh cho rằng: "Du lịch hiện đang phát triển tăng cao sau thời điểm dịch bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch cao cấp".

Dù vậy, ông Minh Anh vẫn cho rằng: "Các ngành nghề luôn có những biến đổi trong tương lai, nếu chúng ta trang bị tốt trong thời điểm hiện tại thì mọi sự biến đổi đều không phải là trở ngại". Ngoài ra, theo tiến sĩ Minh Anh, tính liên ngành hiện đang là xu thế đào tạo trong các trường ĐH hiện nay. Thông qua các dự án, người học có cơ hội được mở rộng và nâng cao kiến thức của mình ở nhiều lĩnh vực, cơ hội việc làm khi ra trường cũng rộng mở với nhiều ngành nghề.

Chọn ngành xuất sắc để trở thành người xuất sắc

Trong khi đó, Trần Thanh Thúy (HS Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Khánh Hòa) hỏi: "Em định học ngành kiểm toán, nhưng không biết trong tương lai ngành này có thể được trọng dụng không, nếu không được trọng dụng thì em có thể học thêm ngành khác từ văn bằng đó để thoát khỏi thất nghiệp không?". Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, khẳng định tầm quan trọng của ngành kiểm toán trong một nền kinh tế phát triển, với tất cả doanh nghiệp. "Ngành này có những tiêu chí về kiến thức và đạo đức nghề nghiệp đặc thù nên có thể sử dụng văn bằng này để làm công việc khác nhưng người học ngành khác không thể làm thay công việc của kiểm toán viên", tiến sĩ Đạo chia sẻ thêm.

Thông tin thêm ngành kiểm toán, thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, giải thích: "Hiện có nhiều ứng dụng phần mềm trong ngành kế toán, nhưng cũng chính vì thế phần việc của kiểm toán viên càng nhiều hơn".

Còn Võ Văn Thái (HS Trường THPT Nguyễn Trãi, Khánh Hòa) có ý định học các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản như khoa học sự sống và chọn thi ngành liên quan đến sinh học. Nhưng HS này lo lắng: "Em nghe nhiều anh chị nói ngành nghiên cứu khoa học cơ bản chưa được chú trọng, vậy tương lai của các ngành này nói chung và khoa học sự sống nói riêng ra sao?". Thạc sĩ Trương Nguyễn Thị Như Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - phân hiệu Ninh Thuận, cho biết bản thân từng học ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Theo chuyên gia này, ngành công nghệ sinh học đang rất phát triển và tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai với sự ứng dụng kỹ thuật cao vào nghiên cứu gien, tế bào… Theo học ngành liên quan lĩnh vực này, người học không chỉ có cơ hội việc làm tốt trong nước mà còn trên thế giới.

Chia sẻ với HS về chọn ngành, PGS-TS Ngô Đăng Nghĩa, giảng viên cao cấp Trường ĐH Nha Trang, nói: "Dựa trên kiến thức đã học, sự tự tin của bản thân các em đưa ra quyết định trong chọn ngành nghề. Việc lựa chọn ngành học, trường học cần xuất phát từ sự hiểu bản thân mình. Bởi nghề đã chọn sẽ theo mình suốt cuộc đời, không chỉ liên quan bản thân các em mà còn tới sự phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Nhưng có điều chắc chắn, nếu chọn lựa đúng thì các em có thể trở thành những người xuất sắc và chính sự xuất sắc trong chọn nghề của các em sẽ giúp đất nước phát triển".

 

Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây