Yêu cầu mới trong hướng nghiệp với trường phổ thông

Chủ nhật - 05/11/2023 19:20:21


Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa về lao động tạo sự đa dạng, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh lựa chọn con đường phát triển nghề nghiệp.

Yêu cầu mới trong


Cùng đó, nhu cầu học tập, làm việc ở nước ngoài của các em cũng ngày càng lớn. Điều này đặt ra vấn đề mới với công tác hướng nghiệp trong trường THPT.

Vấn đề phát sinh

Khẳng định yêu cầu mới trong công tác hướng nghiệp khi nhu cầu học sinh du học tăng, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, nhà trường và gia đình cần hiểu xu thế phát triển của các ngành học ở nước ngoài, uy tín của cơ sở đào tạo, năng lực, tính cách học sinh, nhu cầu thị trường lao động...

Tuy nhiên, hiện các trường chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời ở cả 3 khía cạnh: Giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm nghề nghiệp và tư vấn hướng nghiệp. Công tác tư vấn hướng nghiệp còn xa rời thực tiễn, chưa dự báo được xu hướng nghề nghiệp tương lai, năng lực chung cần thiết để thành công ở các vị trí công việc, con đường nghề nghiệp giúp cá nhân phát triển bản thân đi đến thành công.

Cơ sở giáo dục cũng thiếu thông tin và tài nguyên về xu hướng thị trường lao động, cơ hội học tập, bản chất chương trình đào tạo và uy tín của cơ sở đào tạo nước ngoài; những khó khăn rào cản về văn hóa, lối sống. Vì vậy, về cơ bản các trường chỉ chuẩn bị cho người học những thứ mang tính thủ tục để có thể tìm học bổng du học, như: Điểm GPA, điểm ngoại ngữ, bài luận, hồ sơ tài chính, thành tích hoạt động xã hội/ nghiên cứu khoa học, chuẩn bị để học sinh thi các kỳ thi chuẩn hóa, ví dụ như SAT...

Các trung tâm tư vấn du học hiện cũng chỉ làm được việc là chuẩn bị cho người học đáp ứng tiêu chí để sang học, chưa làm được công tác định hướng nghề nghiệp.

Thay vì chỉ có một số học sinh du học sau tốt nghiệp THPT như những năm trước đây, hiện Trường THPT chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) có khoảng 30 (gần 8%) học sinh lớp 12 đi du học mỗi năm. Đáp ứng nhu cầu người học, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hưng cho biết, công tác hướng nghiệp, trong đó có tư vấn du học được nhà trường coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai ngay từ lớp 10.

Nhà trường đã thành lập Ban Hợp tác quốc tế, hiệu trưởng là trưởng ban, thành viên gồm bí thư đoàn trường, các thầy, cô giáo dạy ngoại ngữ. Công tác này khá thuận lợi và nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh được trường tổ chức hiệu quả.

Trong đó có việc mời trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam, trường ĐH ở nước ngoài tư vấn cho học sinh trực tiếp hoặc trực tuyến; hợp tác với trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam để học sinh trực tiếp đến trải nghiệm, tìm hiểu thông tin... Tuy nhiên, khó khăn cũng được thầy Hưng chia sẻ bởi đội ngũ làm công tác hướng nghiệp, tư vấn đều kiêm nhiệm; khó hiểu hết về chất lượng các trường ĐH ở nước ngoài để hỗ trợ, tư vấn chính xác cho học sinh.

Cô Đào Thị Hương - Phó Hiệu trưởng, phụ trách công tác hướng nghiệp Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho rằng, nhu cầu du học của học sinh ngày càng gia tăng, đặt ra vấn đề mới với công tác hướng nghiệp trong nhà trường. Theo đó, công tác này cần được thực hiện sớm và mở rộng phạm vi tìm hiểu ngành nghề, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Nhiều nước trên thế giới, học sinh được hướng nghiệp từ sớm, nộp hồ sơ xét tuyển ĐH từ 6 - 12 tháng trước khi kết thúc lớp 12.

Cùng đó, tư vấn mùa thi ở trường THPT nên được thực hiện sớm hơn và chia đợt từ mức độ tổng quát đến chuyên sâu. Ví dụ, kết thúc lớp 10 nên bắt đầu có hoạt động định hướng ĐH để học sinh nào có nguyện vọng du học nước ngoài học tiếng Anh (IELTS, SAT, TOEIC...) và chuẩn bị hồ sơ; đồng thời có thời gian phấn đấu để đạt được nguyện vọng.

Làm gì để bắt nhịp?

Theo thầy Nguyễn Trọng Tùng - chuyên viên văn phòng Tư vấn hướng nghiệp và đại học The Dewey Schools, nhu cầu hướng nghiệp nói chung, tư vấn du học nói riêng của học sinh ngày càng lớn đặt ra yêu cầu lãnh đạo nhà trường có cái nhìn toàn diện, thông suốt và coi đây như hoạt động quan trọng, là kết quả đầu ra của mỗi nhà trường.

Giáo viên phụ trách/chuyên trách công tác này cần kiến thức chuyên môn về hướng nghiệp; có công cụ giúp học sinh hiểu bản thân, công việc trong hiện tại, tương lai; am hiểu học sinh, từ đó giúp các em thiết lập lộ trình học tập phù hợp; có trải nghiệm đa dạng. Trong đó, việc giúp học sinh hiểu, tự tạo năng lực hướng nghiệp cho bản thân là cách làm bền vững nhất.

“Tư vấn về việc học tập ở nước ngoài, sẽ hiệu quả nếu tư vấn viên có trải nghiệm thực tiễn. Thầy cô cũng có thể tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn về nội dung này; hay tham gia mạng lưới tư vấn viên hướng nghiệp để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Nhu cầu của học sinh là đa dạng, vì thế thầy cô phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin để hỗ trợ các em tốt nhất.

Khắc phục hạn chế về đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp và kinh phí, nhà trường có thể thiết lập mạng lưới cựu học sinh để tạo nguồn cán bộ hướng nghiệp gần gũi, hiệu quả. Tất nhiên, việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình”, thầy Nguyễn Trọng Tùng cho hay.

Góc độ chuyên gia, tư vấn của PGS.TS Trần Thành Nam với nhà trường là cần cải thiện các nguồn tài nguyên hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp; tăng cường mối quan hệ với các trường quốc tế để tìm hiểu về chương trình, cơ sở đào tạo có uy tín; tăng cường hợp tác với chuyên gia tư vấn hướng nghiệp có uy tín để tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cập nhật, đào tạo giáo viên và tư vấn cá nhân hóa.

Nhà trường cũng có thể phát triển các tài liệu hướng dẫn để khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình đào tạo, trường ĐH, nguồn học bổng có sẵn, tham vấn các diễn đàn, cộng đồng sinh viên của trường mình mong muốn tới học… Từ đó, các em thiết lập mục tiêu, kế hoạch, có động lực để hiện thực hóa ước mơ.

PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý thêm: Hướng nghiệp cũng phải quan tâm đến việc thích ứng về ngôn ngữ, văn hóa, năng lực thích nghi của học sinh với môi trường mới. Bên cạnh đó, chi phí tài chính, chính sách học bổng phải được tìm hiểu kỹ. Những yếu tố này cần được cân nhắc dựa trên bằng chứng định lượng với các số liệu cụ thể, tiến hành bởi chuyên gia am hiểu về hướng nghiệp và có cơ sở dữ liệu về thị trường việc làm trên thế giới để tư vấn.

Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp phải được tiến hành từ sớm để hoạch định mục tiêu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động, lựa chọn chương trình và cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của gia đình, năng lực tính cách học sinh.

 

Theo Hiếu Nguyễn
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây