Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội năm tới sẽ thế nào?

Thứ bảy - 26/08/2023 05:51:42


Ngày 24-8, Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ những điểm cần lưu ý về kỳ thi và đề thi đánh giá năng lực sẽ triển khai năm 2024.

Bài thi đánh giá


Trao đổi tại hội nghị tổng kết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 vừa qua, triển khai kỳ thi năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm khảo thí - cho biết kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội năm tới có mục tiêu: đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng năng lực cá nhân; các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước có thể tham khảo kết quả thi phục vụ công tác tuyển sinh. 

Ngoài ra, kỳ thi có thể đánh giá chung về kết quả học tập bậc THPT và phân tích, dự báo kết quả học tập bậc đại học của người học. Đồng thời giúp xếp loại các trường THPT, góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo.

Các kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy 2023: Thay đổi để tạo thuận lợi cho thí sinh
Năm 2024, bài thi đánh giá năng lực được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi theo chương trình giáo dục phổ thông. 

Bài thi gồm ba phần. Phần 1 (tư duy định lượng) là kiến thức toán học với 50 câu hỏi, thời gian tương ứng là 75 phút. Phần 2 (tư duy định tính) là kiến thức ngữ văn - ngôn ngữ, với 50 câu hỏi, thời gian 60 phút. Phần 3 (khoa học) gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, xã hội, với 60 câu hỏi, thời gian 60 phút.

Tổng bài thi có 150 câu hỏi, trong đó có 132 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất và 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học.

Ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1 - 4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2 - 4 phút. Việc đưa các câu hỏi thử nghiệm trộn lẫn trong bài thi là cách đo lường để bổ sung câu hỏi mới vào ngân hàng đề thi hằng năm.

Đề thi HSA năm 2024 ở phần 1 và 2 có 70% kiến thức thuộc chương trình lớp 12, 20% của lớp 11 và 10% của lớp 10. Phần 3 có 70% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 50% của lớp 11.

Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: cấp độ 1: 20%, cấp độ 2: 60%, cấp độ 3: 20%.

Năm 2024: 6 đợt thi tại 10 tỉnh, thành phố

Kỳ thi HSA năm 2024 dự kiến có 6 đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6-2024, tổ chức vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Kỳ thi sẽ tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Dự kiến kỳ thi năm 2024 có 75.999 lượt thí sinh dự thi. Trong đó, mỗi thí sinh được đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm. Thời gian đăng ký giữa hai ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (tính cả ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật). Lệ phí dự thi là 500.000 đồng/lượt thi. Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính và kết quả thi cũng được máy chấm.

Năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi HAS của Đại học Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển. Tại hội nghị tổng kết kỳ thi năm 2023, Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết căn cứ vào kết quả thi hai năm qua đã đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội và hội đồng tuyển sinh các trường xem xét tuyển thẳng thí sinh đạt thứ hạng 90% trở lên vào các ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết sẽ nghiên cứu phương án đề xuất chế tài nghiêm khắc với những đối tượng dự thi với mục đích khai thác dữ liệu đề thi phục vụ lợi ích nào khác, ngoài các mục đích kỳ thi đã đặt ra.

 

Theo Vĩnh Hà
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây