"Hồi sinh" cho thí sinh hụt đăng ký xét tuyển đại học

Thứ bảy - 05/08/2023 07:19:07


Thông tin thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng quên nhập mã OTP trên hệ thống dẫn đến mất cơ hội học tập gây xôn xao mạng xã hội.

hồi sinh


Thông tin về thí sinh này được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội như một bài học đáng ghi nhớ cho các thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Chiếu theo quy định hiện hành, nhiều trang mạng khẳng định "không còn thuốc hồi sinh" (không còn cơ hội vào đại học) đối với thí sinh này.

Trên thực tế, việc thí sinh không nhập mã OTP ở bước cuối cùng khi đăng ký thông tin lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đồng nghĩa với việc thí sinh chưa đăng ký xét tuyển thành công và trượt đại học năm nay.

Ngày 4/8, phóng viên Dân trí đã liên hệ với thí sinh H.V.Q. (huyện Lục Nam, Bắc Giang) - nhân vật chính trong câu chuyện đang được lan truyền trên mạng xã hội để tìm hiểu sự việc.

hồi


Q. là học sinh một trường THPT ở Lục Nam, Bắc Giang. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Q. đạt 26,1 điểm.

Ở kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa trước đó, em tham gia thi 2 đợt với số điểm lần lượt 74,04 và 65,36.

Với mong muốn duy nhất vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Q. chỉ đăng ký xét tuyển một nguyện vọng duy nhất vào Khoa Tự động hóa của trường này. 

Tuy nhiên khi đăng ký lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, do sai sót, thí sinh này không nhập mã OTP ở bước cuối cùng.

"Ngày 30/7 Bộ GD&ĐT đóng cổng thông tin tuyển sinh. Ngày 31/7, em vào hệ thống lại lần nữa xem sao thì tá hỏa thấy mình vẫn dừng ở bước 2, bước đặt nguyện vọng, trong khi các bạn đã hiện lên nguyện vọng lựa chọn trên hệ thống.

Em hoảng quá, liên lạc ngay với Ban tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội mới biết mọi chuyện đã muộn màng", Q. chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, điểm thi đánh giá tư duy của nam sinh Q. thuộc top 6% điểm cao nhất của kỳ thi này. Điều này đồng nghĩa rằng, Q. có nhiều khả năng sẽ đỗ vào ngôi trường mơ ước nếu như em không sơ suất trong khâu đăng ký nguyện vọng.

Trả lời phóng viên Dân trí về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc xảy ra sai sót trong đăng ký xét tuyển không phải duy nhất Q. gặp phải.

Năm nay, khoảng vài chục thí sinh gặp sai sót cá nhân như Q. Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các em có thể ngay lập tức viết đơn đến Bộ để giải quyết trước ngày 5/8.

Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí, Q. cho biết, quê em là huyện miền núi của Bắc Giang, bố mẹ đều làm nông. 

Để nỗ lực vào Đại học Bách khoa, em không ngừng nỗ lực vừa học tập ở trường, vừa học thêm bên ngoài và học thêm ở lớp của thầy cô giáo.

Khi biết mình sai sót, em đã ngậm ngùi đến nhập học vào trường cao đẳng gần nhà.

"Tâm trạng em lên xuống bấp bênh những ngày qua. Sau khi được hướng dẫn, em đã làm đơn gửi đến Bộ GD&ĐT và đơn vị này rất tạo điều kiện cho em. Em cảm thấy rất vui sướng.

Nếu đỗ được vào ĐH Bách khoa như sở nguyện, đây quả là bước ngoặt cuộc đời và là bài học cho em cũng như nhiều thí sinh khác trong các kỳ tuyển sinh kế tiếp", Q. nói.

Được biết ở kỳ xét tuyển đại học cao đẳng năm ngoái, để hỗ trợ các thí sinh nhầm lẫn, sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã mở lại hệ thống xét tuyển trong một thời gian.

Các em có thể tận dụng cơ hội này để vào hệ thống điều chỉnh các thông tin sai sót, thứ tự nguyện vọng, số lượng nguyện vọng...

Việc mở lại hệ thống chủ yếu dành cho các thí sinh có sai sót, còn chưa kịp đăng ký nguyện vọng xét tuyển có cơ hội cuối.

Đối với các thí sinh đã hoàn tất việc đăng ký xét tuyển (kiểm tra thông tin không có sai sót và đã đúng nguyện vọng đăng ký của cá nhân) nhiều chuyên gia khuyến cáo, các em không nên tiếp tục điều chỉnh để tránh rủi ro. 

Về việc thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng cũng rủi ro không kém và trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo nhiều lần.

Trước đó, ngày 22/7, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, sau một thời gian mở hệ thống đăng ký xét tuyển, khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, điều này sẽ khiến các em thiệt thòi. 

Bà Thu Thủy khuyên thí sinh không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng, không đến mức hàng trăm nhưng ít nhất khoảng 3-4 nguyện vọng.  

Nếu có rủi ro cho thí sinh, hệ thống của Bộ GD&ĐT còn xét tuyển tiếp để các em có được các cơ hội khác. 

 

Theo Mỹ Hà 
Dân trí

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây