Tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ làm khoa học

Thứ ba - 15/03/2022 07:02:46

Vượt lên những khó khăn những phụ nữ làm khoa học không chỉ đạt được những thành công xuất sắc trong sự nghiệp của mình và hiện tại còn có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của quê hương Việt Nam.
 
Tiếp thêm

Buổi tọa đàm “Phụ nữ trong khoa học”, được tổ chức bởi UEVF - Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, phối hợp cùng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Văn phòng Khoa học công nghệ Việt Nam tại Pháp, vừa diễn ra ngày 12.3.

Khách mời tham gia tọa đàm là những nhà khoa học nữ đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp nghiên cứu tại Việt Nam và Pháp như: Tiến sĩ Lê Toàn Thủy, Giáo sư Phạm Thị Kim Cương, Phó giáo sư Nguyễn Thị Vân Oanh, tiến sĩ Bùi Thúy Vân và nghiên cứu sinh Đinh Thị Lan Anh.

Trong suốt 2 giờ diễn ra tọa đàm, những câu chuyện khoa học thú vị của các khách mời, hay những chia sẻ, lời khuyên, những ý kiến đóng góp đã giúp các bạn trẻ có thêm động lực trên con đường khám phá khoa học của mình.

Các khách mời chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm khoa học, từ định kiến rằng phụ nữ không nên làm khoa học vì không phù hợp với vai trò người mẹ của gia đình cho đến hạn chế khi ít được lắng nghe tiếng nói so với những đồng nghiệp nam khác. Những khó khăn đó thậm chí còn nhiều hơn tại Việt Nam khi việc nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư xứng tầm, thời gian giảng dạy còn quá nhiều nên nhà khoa học khó có thể chuyên tâm nghiên cứu hiệu quả…

Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, các diễn giả vẫn không chỉ đạt được những thành công xuất sắc trong sự nghiệp của mình và hiện tại còn có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của quê hương Việt Nam.

Giáo sư Toàn Thủy hiện có rất nhiều dự án để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và xâm mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, nghiên cứu ảnh hưởng khí hậu đến nông nghiệp Việt Nam để dự đoán trong tương lai vùng đất nào bị lún hay bị mặn nhiều.

Hay như nghiên cứu sinh Đinh Thị Lan Anh thì có ý tưởng nghiên cứu đề tài cây cà phê tại Việt Nam, nhằm kết hợp để phát triển lấy dữ liệu xem vùng trồng cà phê có phù hợp với thực trạng biến đổi khí hậu sắp tới không.

Giáo sư Kim Cương thì mong muốn định hướng bà con nông dân đến con đường nông nghiệp sạch. Còn PGS Vân Oanh vẫn phát triển những dự án liên kết giữa Việt Nam với đại học Paris-Saclay nơi chị công tác để khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam phấn đấu đạt học bổng du học tại một trường đại học top đầu thế giới.

Tiến sĩ Thúy Vân thì trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đã tham gia hợp tác với bộ y tế Việt Nam để chia sẻ phác đồ điều trị tại Pháp nhằm tăng tỷ lệ hiệu quả điều trị covid-19.


Để làm được điều đó, các diễn giả cũng chia sẻ những bí quyết riêng để không chỉ thành công trong khoa học mà còn cân bằng cuộc sống cá nhân. Giáo sư Thúy Vân chia sẻ là ngoài niềm đam mê thì việc cập nhật kiến thức rất quan trọng để cải thiện chiến lược điều trị. Giáo sư Kim Cương bày tỏ ngắn gọn là nếu bạn thích điều gì thì hãy dấn thân cho dù con đường nghiên cứu rất gian nan.

Các diễn giả cũng có những đề xuất để tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các nữ nhà khoa học theo đuổi đam mê cũng như phát triển nhiều học bổng tôn vinh các sinh viên theo đuổi con đường khoa học này. Nhà nước nên có những đầu tư để các nhà khoa học có thể trao đổi phát triển ý tưởng và trên hết xã hội hiện đại nên xóa bỏ tất cả những định kiến về người phụ nữ làm khoa học để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các bạn nữ muốn theo đuổi đam mê.

Bà Nguyễn Đắc Như Mai, chủ tịch Hội Khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học cũng cho rằng làm khoa học phải có đam mê và thành đạt hay không là do chính bản thân mỗi người phụ nữ. Bà là người đã sáng lập ra hiệp hội này vào năm 2006 nhằm khuyến khích, kết nối những nữ tri thức đang sống và làm việc ở Pháp. Hơn thế, Hội còn giúp đỡ các nữ tri thức từ Việt Nam sang Pháp để học tập hay nghiên cứu khoa học.

Cuối buổi Tọa đàm, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, chia sẻ rằng: ”Tọa đàm có ý nghĩa, đúng thời điểm thiết thực phù hợp với xu thế chung tôn vinh phụ nữ trong phong trào khoa học, nhất là khi năm 2022 là năm quốc tế về khoa học cơ bản”.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng đánh giá cao Văn phòng khoa học công nghệ và Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp UEVF đã tổ chức buổi tọa đàm này. Đại sứ gửi lời động viên tới các bạn trẻ nói chung và các bạn nữ nói riêng, những người có cùng niềm đam mê với khoa học rằng: “Tôi rất xúc động với những tấm gương hình ảnh các cô các chị đóng góp không chỉ cho sự phát triển của đất nước mà còn cho sự phát triển chung”.

Qua buổi tọa đàm, có thể thấy được những khó khăn, đóng góp của các nhà nữ khoa học và những thành quả họ đạt được trong suốt cuộc đời nghiên cứu. Cũng nhân sự kiện này, UEVF, cùng với các diễn giả và các khách mời tham gia mong muốn được góp một phần công sức cho việc thúc đẩy phụ nữ Việt Nam tham gia nghiên cứu khoa học.

Như anh Nguyễn Phan Bảo Thụy, chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp, đã phát biểu sau buổi Tọa đàm: “Những điều đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được. Và có 2 điều mà tôi mong muốn ở phụ nữ, đó là tôi mong phụ nữ không bao giờ ngừng tươi đẹp và không bao giờ ngừng lan tỏa”.

 
Theo Hoàng Việt Trinh - Phạm Thùy Dương
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây